Người đi bộ thờ ơ với cầu vượt bộ hành

(Dân trí) - Có một nghịch lý rất dễ bắt gặp trên đường phố Hà Nội, đó là khi những cây cầu vượt bộ hành được đầu tư hàng chục tỉ đồng đang sừng sững hiện diện, nhưng người đi bộ vẫn bất chấp nguy hiểm mà băng qua đường giữa dòng xe cộ dày đặc.

Người đi bộ thờ ơ với cầu vượt bộ hành trên các tuyến phố ở Hà Nội.

Trên các tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông dày đặc như Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Chùa Bộc,… cầu vượt được xây dựng với mục đích đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người vẫn vô tình (hoặc cố ý) bỏ qua sự hiện diện của những chiếc cầu vượt và mạo hiểm băng qua đường. Tình trạng này không khó để bắt gặp, nhất là vào giờ cao điểm.

Cầu vượt trên đường Nguyễn Trãi.
Cầu vượt trên đường Nguyễn Trãi.

Trăm ngàn lý do “từ chối” cầu vượt

Cầu vượt chủ yếu được xây tại những nơi đông dân cư, có nhiều người qua lại hoặc đặt ở đoạn đường tập trung nhiều trường đại học lớn, bệnh viện hay các khu trung tâm thương mại. Trên đường Tây Sơn, đoạn có 2 trường Đại học Công đoàn và Đại học Thủy Lợi, có tận 2 chiếc cầu vượt được bố trí không quá xa nhau, thuận tiện cho người dân, đặc biệt là sinh viên di chuyển. Tuy nhiên, liên tục có người băng qua làn đường đông đúc dù đã có hàng rào chắn giữa hai bên đường.

Điều đáng nói, không chỉ có các bạn trẻ, mà ngay cả người già, thậm chí các gia đình có con nhỏ cũng tranh thủ “đi tắt”, trèo qua rào chắn hoặc tận dụng đoạn đường không có rào chắn để chọn cách di chuyển nhanh chóng hơn.

Nhiều người vô tư trèo qua hàng rào chắn để đi sang đường.
Nhiều người vô tư trèo qua hàng rào chắn để đi sang đường.

Cầu vượt trên tuyến đường Nguyễn Trãi được đặt ở đúng đoạn tập trung 2 trường đại học lớn, nhiều trường cấp 3 và các công ty, nhà máy nhưng lại nằm cách bến xe bus một đoạn khá xa. Việc này dẫn đến tâm lý ngại, lười của phần lớn người đi bộ. Cứ thế, họ túm tụm theo nhóm cùng nhau cắt ngang đầu xe để sang đường.

Một học sinh cấp 3 trên địa bàn quận Thanh Xuân chia sẻ: không biết vì sao không muốn đi trên cầu vượt. “Em toàn chờ đến khi nào có nhiều người thì cùng sang đường luôn thể. Đi học về mệt lắm, lại di chuyển trên xe bus, giờ bảo em đi thêm đoạn đường dài để lên cầu đi bộ chắc em cũng không còn sức”.

Những người bán hàng quanh đây cho biết, hàng ngày có không biết bao nhiêu người đi qua đường mà không sử dụng đến cầu bộ hành. “Làn đường Nguyễn Trãi khá rộng, lại không có bóng cây hay bất cứ vật gì che mát. Đi trên cầu vượt tuy an toàn nhưng vất vả hơn. Chưa kể thỉnh thoảng trên cầu lại xuất hiện rác, chất thải và những vật dụng do người vô ý thức vứt ra. Đến chúng tôi sống ở đây còn ngại sử dụng cầu, nói gì đến người khác”, người bán hàng nước nói.

Cầu vượt ở những địa điểm ngay sát bến xe bus hoạt động hiệu quả hơn.
Cầu vượt ở những địa điểm ngay sát bến xe bus hoạt động hiệu quả hơn.

Theo khảo sát, chỉ có duy nhất cầu vượt bộ hành ở trước cổng bệnh viện Bạch Mai là hoạt động hiệu quả. Bởi lẽ đoạn đường này lúc nào cũng đan dày xe cộ qua lại và ở giữa có hàng rào chắn rất cao khiến người đi bộ không thể trèo qua.

Những tồn đọng của cầu vượt đi bộ

Cầu vượt nằm trước cổng trường Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc) có lẽ là cầu vượt vắng người qua lại nhất, kể cả vào lúc xảy ra tình trạng ùn tắc. Cầu được đặt ngay vị trí có đèn tín hiệu và có phần đường dành cho người đi bộ. Chính vì thế, nhiều người lựa chọn chờ đèn tín hiệu mà “phớt lờ” cây cầu vượt bên cạnh.

Thậm chí, có bạn sinh viên đi được 5, 6 bậc thang của cầu vượt, nhưng khi nhìn đèn tín hiệu cho người đi bộ chuyển xanh liền ngay lập tức… chạy ngược xuống và băng qua đường. “Chiếc cầu vượt đặt ở đây không mấy hợp lý. Đi xe bus hàng ngày nhưng rất hiếm khi em sử dụng cầu, các bạn khác cũng vậy. Có phần đường cho người đi bộ nên chẳng ai muốn mất công di chuyển trên quãng đường xa hơn”, Tuấn Anh, sinh viên Học viện Ngân hàng chia sẻ.

Độ dốc và độ cao của bậc thang lên xuống cũng là một hạn chế với người già và người có sức khỏe yếu.
Độ dốc và độ cao của bậc thang lên xuống cũng là một hạn chế với người già và người có sức khỏe yếu.

Dù có khá nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ trên địa bàn Thủ đô, nhưng nhiều cầu được thiết kế với bậc thang cao, lối lên dốc, gây khó khăn cho người già, người sức yếu và là sự hạn chế với người tàn tật. Chưa kể nhiều công trình nay đã xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt, ổ gà, vừa gây mất mỹ quan đô thị, là những lí do để nhiều người thờ ơ với cầu vượt bộ hành.

Bên cạnh việc khá nhiều người dân còn thiếu ý thức trong tham gia giao thông thì một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng nhiều cầu vượt bộ hành chưa phát huy được tác dụng là do chưa có quy hoạch tổng thể hệ thống cầu vượt trong mạng lưới giao thông đô thị. Đây là vấn đề còn tồn đọng đã được chỉ ra từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Hoàng Ngọc

Xử phạt người đi bộ vi phạm

Theo điều 9 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người đi bộ đi không đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 60.000 đồng. Nếu người đi bộ vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu bám vào phương tiện giao thông thì bị phạt tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng…