Người dân vùng ngập lụt lịch sử nỗ lực khôi phục sản xuất để đón Tết

Hoàng Lam

(Dân trí) - Những ngày này, khắp huyện Thanh Chương (Nghệ An) không khí xuống đồng hết sức náo nức. Toàn bộ diện tích lúa Xuân đang được khép kín để kịp đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Người dân vùng ngập lụt lịch sử nỗ lực khôi phục sản xuất để đón Tết - 1
Trận lụt lịch sử cuối tháng 10/2020 khiến nhiều địa bàn thuộc huyện Thanh Chương bị ngập sâu trong nước, toàn huyện thiệt hại hơn 80 tỷ đồng.

Cuối tháng 10/2020, huyện Thanh Chương gánh chịu hậu quả nặng nề của trận lụt lịch sử. Nhiều nơi ngập băng trong dòng nước đục ngầu, có những điểm ngập sâu đến 3m. Trận lụt đi qua, để lại thiệt hại nặng nề về hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, tài sản và hoa màu của nhân dân.

Theo ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, trận lụt lịch sử cuối năm 2020 đã khiến địa phương này thiệt hại hơn 82 tỷ đồng.

Người dân vùng ngập lụt lịch sử nỗ lực khôi phục sản xuất để đón Tết - 2
Người dân huyện Thanh Chương xuống đồng gieo cấy vụ Xuân. Toàn huyện sẽ khép kín diện tích lúa trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Trận lụt đã cuốn trôi toàn bộ gia súc, gia cầm và cả con lợn nái khiến gia đình bà Trần Thị Hằng (xóm 3, xã Thanh Tùng, Thanh Chương, Nghệ An) lâm vào cảnh khốn đốn. Là hộ nghèo nhiều năm, chồng mất sức lao động, nhìn toàn bộ tài sản tích góp chìm trong nước lũ, người phụ nữ khốn khổ này bật khóc khi nghĩ đến những bữa ăn đứt đoạn trong thời gian trước mắt.

Người dân vùng ngập lụt lịch sử khôi phục sản xuất đón Tết

Sau gần 3 tháng, mọi dấu tích của trận lụt đã biến mất. Bà Hằng đang tất bật cho vụ gieo sạ trà lúa Xuân để kịp hoàn tất trước Tết và chăm sóc con bê của gia đình. Đây là món quà của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương để gia đình chị vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

Xã Thanh Tùng cũng là địa phương chịu thiệt hại lớn bởi trận lụt cuối năm 2020. Dòng nước đã cuốn phăng một phần tuyến kênh nội đồng phục vụ tưới tiêu cho hơn 30ha diện tích lúa của cả xã.

Người dân vùng ngập lụt lịch sử nỗ lực khôi phục sản xuất để đón Tết - 3
Mất sạch tài sản sau trận lụt, bà Hằng được "tiếp sức" bằng sinh kế để phát triển chăn nuôi, sớm ổn định cuộc sống.

"Đây là tuyến mương duy nhất cung cấp nước cho hơn 30ha trồng lúa. Nếu không được kịp thời khắc phục thì diện tích này không thể gieo cấy được. Sau khi nước rút, UBND huyện đã cấp kinh phí, xã đã khẩn trương sửa chữa tuyến kênh, kịp thời cấp nước để bà con nhân dân sản xuất. Cùng với 30ha này, toàn bộ 270ha lúa vụ Xuân của toàn xã sẽ được hoàn tất gieo cấy trước Tết Nguyên đán", ông Trần Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho biết.

Trận lụt cũng khiến toàn bộ diện tích dưa lưới, dưa vàng trồng trong nhà màng của anh Nguyễn Tư Chung (xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương) hư hỏng hoàn toàn, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Kéo theo đó vụ rau phục vụ cho Tết cũng bị chậm so với lịch sản xuất.

Người dân vùng ngập lụt lịch sử nỗ lực khôi phục sản xuất để đón Tết - 4
Nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng kịp thời được khắc phục, kịp thời phục vụ sản xuất.

Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, anh Chung bắt tay vào khắc phục hệ thống nhà màng, xử lý đất. Để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu anh Chung cũng phải thay đổi các giống cây ngắn ngày.

"Đến nay, 2 sào dưa chuột sạch đã chuẩn bị cho thu hoạch, với giá cả thời điểm hiện tại ước tính tôi thu về khoảng 50 triệu đồng. Dưa kim hoàng hậu và bí đỏ cũng đang phát triển tốt, ra Tết sẽ cho thu hoạch. Với nguồn thu nhập này, gia đình tôi có thể đón cái Tết đầy đủ, tươm tất", anh Nguyễn Tư Chung phấn khởi.

Người dân vùng ngập lụt lịch sử nỗ lực khôi phục sản xuất để đón Tết - 5
Được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, gia đình anh Chung đã kịp thời trồng vụ dưa chuột phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, huyện đã trích kinh phí để các địa phương sửa chữa cơ sở hạ tầng, ưu tiên các công trình trọng điểm như cầu cống, hồ đập, hệ thống thủy lợi... Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng đã có phương án hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi để tạo sinh kế sau lũ, sớm ổn định cuộc sống cũng như sản xuất.

"Với sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương các cấp cũng như của người dân, toàn huyện sẽ khép kín diện tích gieo cấy vụ Xuân trước Tết Nguyên đán để người dân vui Xuân, đón Tết", ông Thanh cho hay.