Người dân Sài thành rộ trào lưu trồng nấm sạch tại nhà

(Dân trí) - Không chỉ các loại rau, củ, quả… người dân TPHCM còn rủ nhau trồng nấm tại nhà để có nguồn thực phẩm sạch và là thú tiêu khiển sau mỗi tuần làm việc vất vả.

Việc nhiều người dân ở TPHCM tận dụng sân thượng, những khoảng trống trong nhà mình để trồng rau không còn là điều hiếm thấy. Ngay giữa trung tâm Quận 1 cũng có thể bắt gặp những “vườn treo” sum suê các loại trái như khổ qua, cà chua, bí đỏ, bầu, ớt, cà tím… Ghé nhà ông Trần Chánh Nghĩa ở đường Trần Quý Khoách, P.Tân Định, Quận 1, chúng tôi như lạc vào “không gian xanh” bởi trên sân thượng là đủ các loại cây trái, rau quả mà gia đình ông dùng làm nguồn thực phẩm mỗi ngày.

Không chỉ sân vườn, nhiều người còn tận dụng các khoảnh đất trống trước sân nhà, bên hông hoặc phần đất chung trong hẻm để trồng các loại rau như hành, cải cay, xà lách, rau muống, mồng tơi… Nhờ những vườn rau trong “ngõ hẹp” này mà bữa cơm của nhiều gia đình “xôm tụ” hơn vì không lo rau, quả thiếu an toàn.

Nấm bào ngư trồng ngay kệ dưới chân cầu thang trong gia đình
Nấm bào ngư trồng ngay kệ dưới chân cầu thang trong gia đình

Trào lưu làm nông dân hiện nay ở TPHCM không chỉ gói gọn trong các loại rau quả mà nhiều người còn tự trồng các loại nấm tại nhà.

Anh Ngô Khôi Nguyên (32 tuổi, ngụ Quận Gò Vấp) hồ hởi khoe rổ nấm – thành quả sau gần 1 tháng vất vả làm “nông dân tại gia” của mình. Anh Nguyên cho biết, anh là người thích ăn các loại nấm như tai mèo, nấm mối, nấm rơm, đông cô, nấm hương, bào ngư… Thường những ngày rằm, mùng một, mẹ anh mua nấm nấu thức ăn chay. Thế nhưng, nấm mua về, bảo quản trong tủ lạnh thời gian khá lâu mà cây nấm không hề hấn gì khiến anh Nguyên không an tâm.

“Theo hiểu biết của tôi, nấm sạch thì để ở môi trường bình thường trong một đến hai ngày sẽ héo và hư, còn bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh lâu lắm cũng chỉ được 5 ngày. Thế nhưng, nấm tôi mua về để thời gian lâu hơn cũng không sao thì chắc chắn có chất bảo quản. Rau củ mà không tự nhiên thì thiếu an toàn”, anh Nguyên nói.

Nấm rơm cũng dễ trồng
Nấm rơm cũng dễ trồng

Trong một lần đi tham quan mô hình trồng rau sạch ở huyện Củ Chi, TPHCM, anh Nguyên đã “mê tít thò lò”. Từ đó, Nguyên quyết định mua phôi nấm về trồng tại nhà.

Trồng nấm cũng như trồng rau sạch. Có thể tận dụng sân vườn, các vách treo tường, hiên nhà… để trồng, miễn sao giữ được độ ẩm cầm thiết và tránh côn trùng. Phôi nấm mua ở các trang trại lớn, uy tín thì tỷ lệ nấm phát triển cao. Một phôi có thể thu hoạch nấm được nhiều lần. Cứ mỗi lần nấm ra, hái nấm xong, tưới nhẹ qua lần nước thì vài ngày sau có thể thu hoạch “vụ mùa” mới.

Theo anh Nguyên, bào ngư xám có thể thu hoạch sau 25-35 ngày cấy giống với năng suất từ 220-280gr nấm thành phẩm/bịch phôi. Thu hoạch lần 2 cách lần đầu 15 ngày. Bào ngư xám thu hoạch tối đa được 8 lần.

Nhiều gia đình mở rộng quy mô trồng nấm tại gia bằng cách mua nhiều phôi giống về chăm sóc
Nhiều gia đình mở rộng quy mô trồng nấm tại gia bằng cách mua nhiều phôi giống về chăm sóc

“Ban đầu, tôi mua vài bịch phôi về để trong cái chậu. Thỉnh thoảng có nấm sạch để ăn. Giờ tôi đã biết cách chăm sóc nên mạnh dạn mua phôi nhiều hơn, nhất là nấm bào ngư để có nấm ăn mỗi ngày. Tôi còn có nấm để tặng những ai thích món khoái khẩu này dù số lượng có hạn”, Nguyên chia sẻ.

Không như anh Nguyên, trồng nấm để ăn, chị Nguyễn Thị Hồng (nhà ở xã An Phú, huyện Củ Chi) còn trồng nấm để bán. Chị Hồng cho biết, do ở địa phương có nhiều trang trại bán phôi nấm nên ban đầu chị mua về trồng trong nhà với mục đích để ăn. Thấy trồng nấm cũng “thuận tay” nên chị và chồng bàn bạc rồi quyết định cất chòi làm trại và mua hàng ngàn phôi giống về trồng.

Trồng nấm tại gia giúp chị Hồng nuôi được 2 con ăn học, nuôi mẹ già và có chút dôi dư
Trồng nấm tại gia giúp chị Hồng nuôi được 2 con ăn học, nuôi mẹ già và có chút dôi dư

Là người nông dân chân chất, chị Hồng không thể tính toán được con số chính xác đã đầu tư và thu về bao nhiêu tiền lời từ nấm nhưng chị bảo đủ trang trải cho 2 thằng cu con ăn học, nuôi mẹ già và gia đình có thêm chút đỉnh dôi dư để dành.

Theo chị Hồng, việc trồng nấm đòi hỏi sự hiểu biết về đặc tính sinh trưởng của nấm, sự cần cù, khéo léo của người chăm. Mỗi sáng, vợ chồng chị dậy từ 4h để hái nấm bào ngư xám. Phần ít để ăn, phần nhiều để bán cho các hộ gia đình trong địa phương. Không chỉ trồng nấm bào ngư, nấm rơm, chị Hồng còn trồng cả nấm linh chi với tần suất thu hoạch 45-60 ngày sau khi cấy và đợt 2 cách đợt 1 khoảng 30 ngày.

Nấm bào ngư xám có thể thu hoạch sau 25-35 ngày cấy giống
Nấm bào ngư xám có thể thu hoạch sau 25-35 ngày cấy giống

Những phôi nấm linh chi, bào ngư xám không còn khả năng sinh trưởng nữa, chị Hồng tận dụng kết hợp cùng  một phần rơm để trồng ra loại nấm rơm. Cứ 10-12 ngày chị Hồng thu hoạch một lần và do biết gối đầu trong việc cấy giống nên ngày nào vườn nhà chị cũng có nấm rơm. Nấm bào ngư xám chị Hồng bán với giá 38.000 đồng/kg, nấm rơm giá 50.000 đồng/kg, đắt hơn so với ngoài chợ nhưng vẫn không đủ nguồn cung.

“Nấm có thể xào, nấu canh, nấu cháo, đúc bánh xèo, làm pizza… Nấm có thể thay thế cho thịt, bột ngọt, đường mà nồi canh, cháo vẫn ngon, thơm. Nói chung, cái gì nấu với nấm cũng ngon, ngọt. Ăn nấm nhà trồng thì nhất quyết là an toàn”, chị Hồng nói.

Mô hình trồng nấm tại gia còn lan rộng trong môi trường giáo dục. Tại một trường ở huyện Bình Chánh, các học sinh và giáo viên đã dùng khoảng không gian dưới chân cầu thang để làm nơi đặt các bịch phôi nấm. Đây là một phần trong chương trình trồng cây gây quỹ của trường, giúp các em học sinh có cơ hội trực tiếp tham gia chăm sóc nấm hằng ngày để tìm hiểu quá trình sinh trưởng của một loài cây từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng là thu hoặc hoặc bán trực tiếp bịch phôi đang trong giai đoạn thu hoạch.

Các em học sinh cũng trồng nấm tại trường và đem ra làm bánh pizza trong hội hoa xuân 2016
Các em học sinh cũng trồng nấm tại trường và đem ra làm bánh pizza trong hội hoa xuân 2016

Theo ông Nguyễn Thanh Phương, chủ một đơn vị chuyên cung cấp phôi và giống nấm ở ấp 4, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi thì việc người dân trồng nấm tại nhà để có nguồn thực phẩm sạch là quá tốt. Thậm chí, có nhiều người mua phôi nấm để làm quà tặng và truyền đạt kinh nghiệm trồng nấm cho gia đình khác.

Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng, nghề trồng nấm cũng lắm công phu. “Quan trọng nhất của trồng nấm là phải đảm bảo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng. Đối với nấm bào ngư, nấm linh chi thì nhiệt độ khoảng 29-36 độ, độ ẩm không chí đạt 80-95%, ánh sánh khuếch tán đủ để đọc báo, tức khoảng 400 - 1.200lux, tránh bị gió lùa trực tiếp. Không đảm bảo các điều kiện này thì nấm không ra và người trồng sẽ bỏ cuộc”, ông Phương nói.

Được biết, mô hình trồng nấm tại nhà đang được các nông dân huyện Củ Chi nhân rộng và phát triển trên quy mô lớn hơn để không chỉ đảm bảo bữa ăn trong gia đình mà còn cung cấp ra thị trường.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm