Sóc Trăng:

Người đàn ông mỗi ngày "trượt ván" cả trăm km, tay không bắt cá

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Chỉ với chiếc ván gỗ, anh Trần Cò ở Sóc Trăng mỗi ngày có thể trượt hàng trăm kilomet trên mặt bùn, tay không bắt mấy kg cá.

Người đàn ông mỗi ngày trượt cả trăm km, tay không bắt cá

 Cua-rơ tốc độ trên bờ biển trượt trăm cây số/ngày

Những bãi bồi ven biển là nơi trú ngụ của các loài hải sản: cua, sò, nghêu, cá... khi thủy triều rút xuống để lại một bãi bùn dài hàng chục km là lúc người dân sinh sống ở bãi biển thuộc ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề lại tất bật trượt mong (trượt trên một tấm ván mỏng - PV) mưu sinh.  

Theo nghề đã 32 năm anh Trần Cò (47 tuổi) được xem là một trong những cua-rơ trượt mong chuyên nghiệp nhất vùng. Không biết nghề "đi mong" có tự khi nào, chỉ biết lúc anh 15 tuổi đã được cha dạy cho cách "đi mong".

Người đàn ông mỗi ngày trượt ván cả trăm km, tay không bắt cá - 1

Anh Trần Cò gắn bó với nghề trượt mong suốt hơn 3 thập kỷ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trước đây, nghề trượt mong ở Mỏ Ó phát triển đến độ người dân gọi đây là "phường trượt mong" vì có cả trăm người theo nghề nhưng giờ chỉ còn lác đác chừng chục ngư dân bám nghề và anh Cò là một trong số ít đó.

Do địa hình là bãi biển sình lầy, không thể lội bộ bắt cá nên người dân đã nghĩ ra cách lấy một tấm ván mỏng đóng thành phương tiện di chuyển trên bùn lầy nhanh và ít tốn sức. Để điều khiển tấm mong ngư dân phải đặt một chân quỳ lên tấm ván còn một chân dưới bùn đẩy cho ván lướt đi.

Thoạt nghe qua công việc những tưởng khá đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy cái hay của ngư dân. Tấm mong dài khoảng 2m, người trượt cần phải dùng sức cả tay và chân bẻ lái để mong di chuyển theo ý.

Người đàn ông mỗi ngày trượt ván cả trăm km, tay không bắt cá - 2

Tấm mong để trượt trên mặt bùn được làm bằng gỗ mù u, gỗ me để có thể chịu được nước và lại bền (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Nghề này cực lắm, người nào có sức khỏe chịu cực giỏi mới có thể bám nghề. Trước đây cua, cá nhiều, mỗi ngày có thể kiếm khoảng một triệu đồng nhưng bây giờ đi cả buổi kiếm nhiều lắm khoảng 200.000-300.000 đồng là cùng. Thế mà phải đi xa mới có ăn do trong bãi bồi mình bắt riết nó cạn kiệt, một ngày tôi đi cả trăm cây số để bắt cá, cua là chuyện thường", anh Cò bộc bạch.

Lắm hiểm nguy nhưng vẫn yêu nghề

Để đảm bảo an toàn trong những chuyến đi, những người trượt mong như anh Cò thường đi theo nhóm. Mỗi người đi mỗi hướng tìm bắt hải sản nhưng hạn chế đi cách nhau quá xa vì dễ lạc đường.

Để bắt được nhiều cá, ngoài đi mong giỏi cần phải biết quan sát nhận diện hang cá. Thông thường, cá bống biển, bống sao, thòi lòi, cá ngát… hay trú ẩn dưới tán rừng bần còn những bãi bồi trơ trọi thường bắt được ốc, sò thậm chí cả cua.

Người đàn ông mỗi ngày trượt ván cả trăm km, tay không bắt cá - 3

Khi xác định được hang cá, cua anh Cò phải nghiêng người nằm sát mặt bùn để bắt cá (Ảnh: Bảo Kỳ).

Khi xác định được hang cá anh Cò phải nghiêng người nằm sát mặt bùn, lấy tay mò mẫm theo hang và "rượt đuổi" trong bùn để bắt cá.

Anh Lý Tình, người làm cùng nghề với anh Cò cho biết: "Sợ nhất là những chuyến đi vào ban đêm, bản thân mình không thể lường trước được những hiểm nguy đang rình rập như bị gai cá đâm, giẫm phải vật nhọn là mảnh vỡ thủy tinh, đinh, kim loại… Chưa kể đến chuyện lạc mất dấu đồng đội hay thủy triều dâng lên phải gấp rút chạy vào bờ nếu không kịp rất dễ bị nước cuốn trôi".

Người đi mong quanh năm lấm lem bùn đất từ đầu tới chân. Bởi mong chỉ là công cụ để di chuyển, nếu muốn bắt được cá, cua phải dầm mình sâu trong bùn đất nhưng không phải lúc nào cũng thu hoạch như mong đợi. Lúc biển động, sóng to, gió lớn họ phải "gác mong" chuyển sang làm thuê mướn mưu sinh. Nhọc nhằn, hiểm nguy và thu nhập bấp bênh chính là nguyên nhân khiến nhiều người từ bỏ nghề.

Người đàn ông mỗi ngày trượt ván cả trăm km, tay không bắt cá - 4

Cha con anh Cò bắt ốc, sò trên những bãi bồi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Thế nhưng nghề này chưa hẳn mai một vì đa phần những đứa trẻ trong xóm biển Mỏ Ó đều biết trượt mong. Gia đình anh Cò có 5 người con gái, hết thảy 5 đứa đều biết theo cha đẩy mong bắt cá.

"Mỗi lần cha đi trượt mong con đều đi theo phụ cha, con chưa biết bắt cá nên chỉ xách thùng hoặc bắt mấy con ốc, con sò trên mặt bùn. Giờ giấc cha con đi bắt cá không ổn định, có khi đêm hôm tụi con cũng đi theo bắt cá với cha, con sợ cha đi đêm hôm gặp nguy hiểm", em Trần Thị Ngọc Oanh, con gái anh Cò nói.

Hỏi về ý định đổi nghề, ngư dân U50 này nhẹ nhàng cười nói, câu hỏi này đã có nhiều người đặt ra với anh, thậm chí cả người thân cũng khuyên anh rời quê tìm công việc khác. Song anh Cò chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề, với anh ngày nào còn được cưỡi mong đi trên mặt bùn lầy, còn được hòa mình trong vị mặn của biển là ngày ấy anh còn đủ sức để mưu sinh.