Người đàn ông hóa đá

(Dân trí) - Sinh năm 1830 tại thành phố New York hoa lệ, lịch thiệp, điển trai, Jonathan Richardson Bass nhẽ ra đã có một cuộc sống phong lưu hơn nhiều nếu như không vì căn bệnh quái ác: viêm đốt sống liền khớp kinh niên. Những năm cuối đời, trông anh chẳng khác một pho tượng đá thời Hy Lạp.

Thời trai trẻ, cố gắng đôi chút Jonathan vẫn có thể khập khiễng đi lại trong trang trại gia đình. Nhưng rồi càng ngày, các tế bào liên kết phồng rộp càng “đông” lại, xơ cứng, chúng dính chặt vào nhau khiến toàn thân anh gần như bất động.

 

Sang tuổi 40, Jonathan liệt toàn phần. Hoạt động duy nhất để nhận ra anh vẫn còn là một cơ thể sống là nhịp thở khò khè yếu ớt qua khe miệng hẹp - may mắn là chưa thành đá. Cũng nhờ khe hở này mà Jonathan tiếp nhận nước dinh dưỡng vào cơ thể, qua bàn tay chăm sóc chu đáo của người nhà.

 

Mẹ Jonathan từ trần vào đầu những năm 1880. Không còn ai nâng đỡ, Bass nhận lời gia nhập các gánh xiếc nổi tiếng để trở thành trò mua vui cho thiên hạ. Tiết mục của Jonathan khá đơn giản: anh chỉ việc nằm in trong chiếc hộp kính, sẽ có vài phụ tá dựng đứng hộp lên cho khán giả chiêm ngưỡng. Họ thường gọi anh là “Pho tượng sống” hoặc “Con trai của đá”.

 

Người đàn ông hóa đá - 1
 

 

Ngoài chứng vôi hóa cột sống, thị giác của Jonathan cũng mất dần sự nhạy bén, đến cuối đời thì gần như mù hẳn. Bất chấp bệnh tật, Bass luôn thể hiện là một người hào hoa lịch thiệp, với bộ ria mép lúc nào cũng tỉa tót kỹ lưỡng và những ngón tay đặc biệt thuôn dài.

 

Anh cũng luôn tỏ ra lạc quan, vui vẻ, chưa bao giờ thốt lên một câu rên rỉ đau đớn. Trong cuốn sách Dị tật Y học của Gould & Pyle, Bass thậm chí được miêu tả là người “giấu tính cách hóm hỉnh, thông minh đằng sau cơ thể bất động im lìm”.

 

Trong chuyến lưu diễn năm 1892 tại Viện bảo tàng Huber, Bass nhiễm bệnh ỉa chảy. Ông từ trần tại nhà riêng cùng năm đó.

 

Hải Minh

Theo Mission