Người đàn ông 45 năm làm nghề "tiếp sóng" ở vùng đất biên giới
(Dân trí) - Đó là ông Huỳnh Xuân Quang, phát thanh viên của Đài truyền thanh xã Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) với 45 năm gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở.
Đều đặn 4h30 sáng hàng ngày, ông Huỳnh Xuân Quang (SN 1959) thức dậy và rời khỏi nhà để đến phòng làm việc. Là người phụ trách và gắn bó với Đài truyền thanh xã Thuận An từ năm 2004 đến nay, gần như chưa ngày nào, thói quen, lịch trình ấy bị thay đổi.
Theo đánh giá của UBND xã Thuận An, bằng sự tâm huyết, tận tụy của mình, ông Quang đã giúp hệ thống truyền thanh của xã trở thành "cầu nối" giữa chính quyền và người dân.
Hàng ngày, nhờ duy trì đều đặn lịch tiếp sóng đài Trung ương, tỉnh đồng thời xây dựng, biên tập thông báo tin tức địa phương, ông Quang đã giúp người dân trên địa bàn xã nắm bắt được những thông tin phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất.
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề truyền thanh, ông Quang cho biết từng gắn bó với Đài truyền thanh thuộc Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đắk Mil từ năm 1977. Công việc hàng ngày của ông là nhân viên kỹ thuật, kéo dây cáp hữu tuyến đến các khu vực có dân cư sinh sống.
Thời điểm những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, dân cư ở Đắk Nông chỉ sống lẻ tẻ thành từng cụm, thậm chí nằm giữa rừng nên công việc rất vất vả, có khi phải đi bộ mấy ngày mới tới nơi.
"Ngày ấy, máy móc, thiết bị không nhiều như bây giờ, nhưng đó là phương tiện tuyên truyền hiện đại nhất, phục vụ thông tin cho người dân. Mỗi xã chỉ có vài chiếc loa phát thanh, được chuyển từ Đài Hà Nam Ninh (phía Bắc) vào nhưng hư hỏng liên tục, hầu như ngày nào anh em trong đơn vị cũng được phân công đi kiểm tra, sửa chữa.
Có hôm đi bộ gần 20km mới tới được, anh em lại trèo lên trụ để gỡ loa xuống, quấn lại màng loa ngay tại chỗ để bảo đảm thông tin liên tục", ông Quang nhớ lại.
Năm 1989, do sức khỏe nên ông Quang được cho nghỉ và hưởng chế độ mất sức lao động. Đến tháng 3/2004, khi biết xã Thuận An đang tuyển nhân viên cho Đài Truyền thanh, ông Quảng chủ động xin được đi làm và được chấp thuận.
"Từ nhân viên kỹ thuật, tôi chuyển sang làm phát thanh viên, cũng có chút bỡ ngỡ ban đầu, nhưng mình cũng tự tin vì đã có thời gian làm đài, làm từng bước cho đến tận ngày nay", ông Quang nói.
Để đài luôn hoạt động thông suốt, ông Quang đã mày mò nghiên cứu, tham khảo các nguồn tài liệu, tham mưu xã mua sắm mới được 12 bộ thu truyền thanh không dây trang bị cho các thôn bon trên địa bàn chưa nghe rõ được thông tin của địa phương.
Đến nay, Đài truyền thanh xã Thuận An được đầu tư một máy phát sóng FM công suất 50W, một trụ ăng-ten tam giác cao 15m, đầu thu, 27 bộ thu truyền thanh không dây, với 54 loa lớn công suất 25W, đường dây súp cáp treo hơn 1km.
Ông Quang còn đảm nhận luôn các công việc như kiểm tra, sửa chữa máy truyền thanh, đi truyền thanh lưu động vào dịp diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng tại địa phương. Mỗi khi có thông tin từ bạn nghe đài ở cơ sở phản ánh bộ thu hoặc loa ở khu vực không có tín hiệu là ông lập tức đến kiểm tra.
Chia sẻ về công việc, ông Quang cho biết: "Công việc của một người làm đài truyền thanh cơ sở rất vất vả và cũng mang tính đặc thù, đi sớm về trễ và hầu như không có ngày nghỉ lễ, tết.
Tuy nhiên, mình đã chọn thì phải cố gắng, trong suốt những năm qua, tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc được phân công".
Hơn 60 tuổi, có đến 40 năm gắn bó với nghề truyền thanh; trong đó có 13 năm công tác tại Đài truyền thanh xã Thuận An, ông Huỳnh Xuân Quang để lại nhiều dấu ấn, không chỉ bằng khả năng mà còn bằng cả tâm huyết, niềm vui với công việc yêu thích.