Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Người chết "đi" bè mảng đến nghĩa trang ở Thanh Hóa
(Dân trí) - "Những đợt mưa lớn, nước sông không rút, bất đắc dĩ dân bản đánh liều đặt quan tài lên bè qua sông để an táng. Tuy nhiên, ra được giữa sông, dây kéo bị đứt, bè mảng, quan tài đều bị cuốn trôi...".
Hiểm nguy rình rập người dân
Cơn mưa đêm hôm trước khiến nước sông Luồng dâng cao, chảy xiết. 4 người dân đang loay hoay vác nông sản lên chiếc bè mảng được kết bằng luồng sơ sài.
Chiếc bè chỉ rộng chừng 1m, dài hơn 10m "cõng" cả người và nông sản di chuyển chậm, chao đảo, trong khi người phía bên này sông cố hết sức kéo chiếc ròng rọc để bè qua sông.
Khoảng mươi phút tròng trành trên sông, ông Lò Văn Tính, ở bản Ngàm, xã Sơn Điện (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) giọng hổn hển: "Vì không có cầu nên để qua được sông, tôi phải đi bằng bè mảng. Biết là nguy hiểm nhưng đi bè là cách duy nhất để đến khu sản xuất. Sang bên này mới trồng được cây lúa, cây ngô"…
Theo ông Tính, gia đình có 4 sào đất lúa, hơn 1ha đất trồng luồng cùng chuồng trại chăn nuôi đều nằm ở phía bên tả sông Luồng. Việc canh tác sản xuất, thu hoạch nông sản phải vận chuyển qua sông rất vất vả, đặc biệt là vào mùa lũ.
"Có những lần vận chuyển sắn, ngô trên bè mảng, ra đến giữa sông thì bè bị chìm. Người may mắn thoát chết nhưng sắn, ngô thì không còn. Rồi những năm đang kỳ thu hoạch, mưa lớn, nước lũ ở thượng nguồn sông Luồng cuồn cuộn đổ về, không ai dám liều mạng qua sông, đành để nông sản trôi theo dòng nước lũ", ông Tính xót xa.
Bè vừa cập bến, chị Lương Thị Oanh, bản Ngàm, cho biết, trước đây bà con ở phía tả sông Luồng, tiện cho việc làm nông nhưng lại cách trở về giao thông. Để ra trung tâm xã, huyện, con cái đến trường, phải qua sông bằng bè mảng.
Ước mơ cây cầu kiên cố
Đi dọc tuyến sông Luồng, đoạn chảy qua xã Sơn Điện, không chỉ bản Ngàm mà khu sản xuất nông, lâm nghiệp của các bản Tân Sơn, Na Nghịu, Na Lộc, khu nghĩa địa của bản Nhài, Tân Sơn đều bị chia cắt bởi sông Luồng.
Ông Hà Văn Quyết, trưởng bản Nhài cho biết, khó khăn, bất cập nhất với bà con bản Nhài chính là khu nghĩa địa nằm phía bên kia bờ sông. Mùa khô nước sông Luồng cạn, việc qua lại đỡ vất vả, song vào mùa mưa lũ về, nước sông dâng cao, chảy xiết, việc qua sông an táng cho người đã khuất rất khó khăn.
Phương án lúc này, một là chờ nước rút mới đi chôn cất, hai là đánh liều để quan tài lên bè mảng kéo qua sông và cuối cùng là xin được an táng nhờ ở khu nghĩa địa của bản khác. Việc an táng nhờ ở khu nghĩa địa của bản khác là không dễ dàng, thậm chí phải có sự can thiệp của chính quyền.
Cũng theo ông Quyết cho biết, vào mùa khô, nước sông Luồng cạn mỗi lần trong bản có người mất, cả bản lại tập trung đốn luồng làm bè, huy động đến 5, 6 chiếc bè mảng luân phiên chở người qua. Chiếc bè mảng lớn được sử dụng để đặt quan tài, còn lại là để chở người qua sông.
Nếu chẳng may bản có người mất vào mùa lũ thì phải chờ nước rút mới đi chôn cất. Chờ 2, 3 ngày nước không rút gia đình có người quá cố phải đi xin an táng nhờ ở khu nghĩa địa của bản khác. Việc an táng nhờ ở khu nghĩa địa của bản khác là không dễ dàng, thậm chí phải có sự can thiệp của chính quyền.
"Để có đất an táng cho người quá cố, gia đình cùng cán bộ bản phải đi "đàm phán" với các bản lân cận. Nếu bà con, cán bộ bản khác đồng ý thì gia đình có người mất phải về nhà giết lợn, gà mang sang cúng", ông Quyết nói.
Theo ông Quyết, chính vì thủ tục đi "xin đất" cho người đã khuất ở bản khác quá rườm rà nên không ít lần người dân bất đắc dĩ phải "đánh liều" đặt quan tài lên bè để qua sông đi chôn cất.
"Những đợt mưa lớn, nước sông không rút, bất đắc dĩ dân bản đánh liều đặt quan tài lên bè qua sông để an táng. Tuy nhiên, ra được giữa sông, dây kéo bị đứt, bè mảng, quan tài đều bị cuốn trôi, bà con hùa nhau kéo lại", ông Quyết chia sẻ.
Ông Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện, cho biết trên 500 hộ dân ở các bản Ngàm, Na Nghịu, Na Lộc, Nhài, Tân Sơn đang "đánh cược" mạng sống trên chiếc bè mảng đi sản xuất và chôn cất người quá cố.
"Toàn xã có hơn 2.500ha đất nông, lâm nghiệp ở bên tả sông Luồng. Cách trở, khó khăn về giao thông khiến số diện tích trên chưa được khai thác có hiệu quả. Việc đầu tư cây cầu kiên cố là cấp thiết. Có cầu không chỉ giúp cho bà con qua sông an toàn mà về lâu dài, định hướng phát triển của địa phương là đưa phương án di dân sang bên tả sông Luồng vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030", ông Quang chia sẻ.
Ông Phạm Bá Chiến, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quan Sơn, cho biết: Việc người dân các bản Ngàm, Nhài, Tân Sơn, Na Lộc, Na Nghịu xã Sơn Điện đang hằng ngày liều mình, đi bè mảng đến nơi canh tác, chôn cất người quá cố đang là nỗi trăn trở bao lâu nay của chính quyền địa phương.
Trên địa bàn xã Sơn Điện đang có cầu treo bản Bơn, xã Mường Mìn và cầu treo bản Lợi, xã Trung Hạ. Đây là 2 cầu treo được đầu tư từ năm 2015, thuộc Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, 2 cầu treo này chỉ phục vụ cho việc đi lại của người dân và phương tiện thô sơ như xe đạp, xe máy... còn việc phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cho bà con thì chưa đáp ứng được.
Mới đây, UBND huyện Quan Sơn đã có văn bản gửi Sở Tài chính Thanh Hóa về phương án sửa chữa, khắc phục cầu treo hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn huyện Quan Sơn. Địa phương này đề nghị Sở Tài chính tham mưu, báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới cầu bê tông cốt thép, thay thế 2 cầu treo không còn phù hợp trên.
"Nếu việc thay thế 2 cầu treo thuộc các xã Mường Mìn và Trung Hạ bằng cầu bê tông cốt thép được chấp thuận, UBND huyện Quan Sơn sẽ đề xuất phương án di dời một trong hai cầu treo trên lên bản Ngàm, xã Sơn Điện để phục vụ bà con đi lại cũng như góp phần phát triển du lịch cộng đồng nơi đây", ông Chiến cho biết.