Bạn đọc viết

Hòn Trống Mái - Thiên tình sử về mối tình thủy chung

Từng nghe về hòn đá mang tên “Hòn Trống- Mái” tại khu di tích núi Trường Lệ -Sầm Sơn-Thanh Hóa, nhưng đúng là có đến tận nơi mới cảm nhận được hết kiệt tác kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cùng câu chuyện về mối tình “thủy chung son sắt”

Hòn Trống Mái - Thiên tình sử về mối tình thủy chung - 1

Hòn Trông Mái

Kiệt tác thiên nhiên có một không hai

Theo con đường rợp bóng mát thơ mộng quanh sườn núi giữa những vạt thông reo chúng tôi tìm đến khu di tích núi Trường Lệ thuộc thị xã Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa. Điều thật thú vị bởi nơi đây không chỉ có một khung cảnh thơ mộng với một rừng thông cao xanh lồng lộng, vi vút tiếng của gió, của sóng biển,… mà nơi đây còn có rất nhiều hòn núi, bờ khe mang dáng hình của những con vật khá rõ nét. Đặc biệt nhất là hai khối đá lớn tựa hình hai con chim đá khổng lồ nằm chênh vênh trên một tảng đá bằng phẳng, mà dân gian gọi là Hòn Trống – Mái. Điều kỳ diệu nữa là cái thế chênh vênh của hai hòn đá ấy lại vững bền cùng tuế nguyệt, bất chấp dòng chảy của thời gian, trải qua bao độ phong sương mưa nắng vẫn sừng sững, lồng lộng giữa trời xanh cùng gió biển.

Hỏi chuyện người dân ở đây chẳng ai cung cấp được tài liệu chính xác về những tảng đá này có tự thuở nào, chỉ biết nó có từ rất lâu đời. Năm 1962 nơi được Bộ Văn hóa công nhận là di tích, danh thắng cấp quốc gia. Còn theo các cụ bô lão dưới chân núi cho biết, sở dĩ có cái tên Hòn Trống – Mái và được lưu truyền từ đời này qua đời khác vì một hòn có đầu nhọn nằm chồng lên trên trông giống hình dáng con gà trống, hòn đối diện nhỏ hơn, có dáng tựa con gà mái. Nhưng cái chính là vì mang dáng hình trống mái và dù nó trồng lên nhau rất chênh vênh là vì nó được gắn kết bằng một mối tình thuỷ chung, sống chết bên nhau của cặp vợ chồng trẻ. Đó là một thiên tình sử bi thương được truyền từ đời này qua đời khác.

Truyền thuyết “thiên tình sử về mối tình thủy chung”

Ngồi dưới tán thông reo vi vu, dõi đôi mắt về xa xăm, cụ Hoàng Văn Tính 75 tuổi kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện truyền thuyết thẫm đẫm nỗi buồn bi thương: Đó là năm nước biển dâng lên cao nhấn chìm cả vùng đất ven biển này vào tàn lụi, chết chóc. Có hai vợ chồng nhà nghèo đã may mắn thoát chết nhờ bám vào cây gạo cao trên núi. Ngày qua ngày, tuy nước biển đã rút nhưng xung quanh chỉ là những vũng đầm lầy chua mặn, một ngọn rau cũng không còn. Đôi vợ chồng chẳng có gì có thể ăn được, chẳng lẽ ở đây cùng nhau chờ chết sao? Thời gian cứ trôi ngày này qua ngày khác. Một hôm, người chồng thấy con chim diều hâu lượn vòng trên núi đoán chắc có gì đấy trên núi có thể ăn được. Anh gắng gượng leo lên mong tìm thấy chút gì ăn được để vợ chồng cầm cự qua cơn đói. Người vợ ở lại ngóng đợi mãi không thấy chồng quay về, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, chị đã lê bước lần theo dấu chân đi tìm chồng. Đến chân núi ngửa cổ lên chị thấy một đàn quạ đen đang chao lên, lượn xuống, vừa đập cánh vừa kêu “quạ! quạ!” chị đau đớn rã rời khi nghĩ tới kết cục tang thương của chồng. Người đàn bà bất hạnh dốc hết sức tàn, cố bấu víu vào đá vào cỏ để bò lên đỉnh núi mong được gặp chồng mình lần cuối. Linh cảm của người vợ hiền không sai, khi bò lên đỉnh núi chị thấy chồng mình đã chết tự lúc nào. Thương xót vô hạn, không nói được lời nào người vợ gục xuống bên xác chồng trút hơi thở cuối cùng.

Sự gắn bó thủy chung và kết cục đau thương của đôi vợ chồng nghèo đã cảm động tới thần tiên. Họ được hóa phép cho đôi vợ chồng thành đôi chim để được ngày ngày quấn quýt bên nhau mãi không xa rời. Đến kỳ hạn đôi vợ chồng chim ấy phải theo bầy tiên bay về trời. Do gắn bó tha thiết với xóm làng, từ trên cao nhìn ngắm làng mạc núi non biển cả, đôi chim không nỡ rời xa mặt đất nên xin bầy tiên cho họ được ở lại. Bầy tiên chiều theo mong ước của đôi vợ chồng. Nghĩ đến cảnh được vui sống bên nhau trên mảnh đất quê hương họ vô cùng vui sướng. Nhưng để được ở lại họ đã phải đánh đổi: Bỗng một cảm giác lạ lùng ập đến, đầu tiên là đôi cánh, rồi đôi chân phút chốc bỗng trở nên nặng nề, cứng nhắc. Đôi vợ chồng chim ấy đã hóa đá. Họ phải hóa kiếp lần thứ hai và lần này họ đã được hoá đá thành hòn Trống - Mái, trường tồn vĩnh hằng với thời gian.

Và trở thành tâm điểm khu du lịch đậm chất huyền thoại

Cứ như vậy câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền hết đời này qua đời khác cùng với cái sự chênh vênh sừng sững của Hòn Trống-Mái đứng giữa đất trời, gió biển, càng khiến cho nơi đây vừa linh thiêng, vừa chứa đựng ý nghĩa nhân sinh thật khó giải thích. Và cũng chính cái kiệt tác kiến tạo của thiên nhiên ấy và sự khó lý giải về sự trường tồn của hai tảng đá mà càng làm cho mỗi người đến nơi đây thêm tin hơn về câu chuyện huyền thoại thấm đẫm trữ tình và chất nhân văn ẩn chứa trong Hòn Trống- Mái.

Có lẽ thế, mà hàng ngày chẳng ai bảo ai từng đoàn du khách trong nước và cả những vị khác nước ngoài coi nơi đây là một điểm đến để được hưởng những phút giây sống chậm, khép mình vào một không gian thanh thản đến vô cùng, mà còn để được hòa hình vào không gian tưởng chừng chỉ có ở trong huyền thoại … và nhất là để một lần nghe tiếng thủ thỉ trò chuyện tâm tình của cặp chim Trống -Mái vẫn đang bất chấp dòng chảy của thời gian, “thi gan cùng tuế nguyệt” lưu truyền câu chuyện tình bi ai, cùng câu ca dao mãi mãi khẳng định mối tình thủy chung: “Dù cho mưa gió bão bùng/ Thiếp tôi vẫn giữ thủy chung với chàng”.

Minh Tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm