1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

Người vợ thủy chung và chuyện kỳ diệu sau 10 năm chờ chồng

(Dân trí) – Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau nó để lại biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Chiến tranh đã khiến những mối tình ở tuổi đôi mươi phải ly biệt với khoảng cách dài vô định. Và rồi một ngày, họ lại được trở về bên nhau trong niềm hạnh phúc vỡ òa…

Mảnh ghép từ hai số phận

Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi có dịp về thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) và nghe câu chuyện tình đầy cảm động của bà Nguyễn Thị Nghĩa và ông Đậu Xuân Sơn.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Sơn kể, ông sinh ra trên một vùng quê nghèo ở Quảng Bình, gia cảnh thuộc diện khó khăn bậc nhất thời bấy giờ, mẹ mất khi ông còn rất nhỏ, cha bị mù hai mắt do bom đạn. Chỉ mới là cậu bé 8 tuổi nhưng Sơn đã phải đi “ăn nhờ ở đậu” nhà hàng xóm, lên 10 tuổi đã phải dắt cha mù lang thang khắp nơi kiếm cái ăn qua ngày.

Đến năm Sơn 16 tuổi, người cha cũng qua đời vì bệnh tật. Sống cảnh trong chiến tranh, lại không còn cha, không nhà, không nơi nương tựa, thương cảnh cậu bé côi cút, có bà sống cùng làng tên là Phan Thị Hạnh nhận Sơn làm con nuôi. Đến tuổi trưởng thành Sơn quyết định tìm lấy một người bạn khác giới để dìu dắt nhau trên bước đường đời. Nhưng trớ trêu thay, vẻ ngoài bảnh bao, tuấn tú của Sơn cũng chẳng đủ để anh chinh phục được cô bé nào dù là xấu xí nhất làng, bởi gia cảnh Sơn quá bĩ cực.

Sơn tình nguyện tham gia vào quân ngũ đánh giặc ở chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị), và trong một lần về phép thăm quê, Sơn tình cờ gặp cô gái Nguyễn Thị Nghĩa, người cùng thôn. Thời đó ai cũng biết Nghĩa là một cô Y sỹ của bệnh xá, thông minh, lanh lợi và có chút nhan sắc. Nhưng trái lại cô cũng có hoàn cảnh không khác gì Sơn là bao. Năm lên 2 tuổi, Nghĩa đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, sau những năm ở nhờ, vốn tính ham học hỏi, cô đã tham gia vào lớp “Bình dân học vụ” để học chữ, sau được Hợp tác xã thời đó cử đi học thêm lớp Quân y rồi trở về phục vụ tại Bệnh xá địa phương.

Mảnh ghép từ hai số phận éo le đã viết nên câu chuyện tình đầy cảm động
Mảnh ghép từ hai số phận éo le đã viết nên câu chuyện tình đầy cảm động

Cùng cảnh ngộ, họ đồng cảm và mỗi khi xa nhau đôi bạn thường xuyên chia sẽ những tâm tư, tình cảm với nhau qua thư từ. Tình cảm ấy cứ ngày một sâu đậm, và rồi việc gì đến cuối cùng nó cũng đến. Đó là vào tháng 10/1959, một đám cưới nhỏ được tổ chức trước sự chứng kiến của số ít thân thích và hàng xóm. Sau khoảng thời gian ngắn ngủi sống bên nhau, Sơn lại trở về đơn vị, để lại những giọt nước mắt cho người vợ trẻ. Nhưng sống cảnh thời chiến có lẻ chừng đó thời gian cũng mang lại cho họ nhiều hạnh phú.

Ngày trở về đơn vị, Sơn được kết nạp vào Đảng và phải hoàn thành sứ mệnh lịch sử như bao người lính chiến khác, ít khi được về phép thăm gia đình. Chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, Sơn cùng đồng đội phải hành quân vào chiến trường Miền Nam, đóng quân tại tỉnh Phú Yên. Trong một lần đang trên đường hành quân thì cả Trung đoàn của Sơn bị quân địch tập kích, trong lúc giao tranh ác liệt, cả trung đoàn đã phải di tản mỗi người một nơi, nhiều người bị thương  nặng, và số hi sinh cũng rất lớn.

Người vợ chết lặng khi nhận “Giấy báo tử” của chồng

Chiến tranh thì chẳng ai biết trước được điều gì, họ chỉ hy vọng nơi chiến trường ác liệt ấy, những người thân của mình được bình an, mạnh khỏe và trở về với gia đình khi hòa bình lập lại.

Bà Nghĩa cũng vậy, ngày đêm bà luôn miệt mài với công việc cứu chữa các bệnh nhân tại Bệnh xá, nay là Trạm y tế xã Quảng Lưu, nhưng không giờ phút nào bà thôi khỏi nghĩ về người chồng, làm gì hay đi đâu, gặp ai bà cũng hỏi tin tức về chồng. Bà muốn được gặp chồng để thông báo cho chồng rằng ông sắp được làm cha đứa trẻ. Phần ông Sơn, kể từ ngày cưới, ông chỉ được về phép đúng 3 lần, lần cuối 2 vợ chồng gặp nhau là vào tháng 10/1964. Sau khoảng thời gian ngắn ngủi về phép, ông Sơn lại vội vàng trở vào đơn vị để kịp điểm quân.

Thời gian này, nhiều bức thư của bà Nghĩa được gửi đi mà không có lấy một sự hồi âm nào, bởi khi ấy Trung đoàn của ông Sơn đang hành quân vào chiến trường Miền Nam.  Và cũng trong thời gian này, bà Nghĩa nghe tin đơn vị của chồng bị địch tập kích, bộ đội ta thương vong rất nhiều, lòng bà không khỏi xôn xao, lo lắng. Sống chỉ chờ mong một chút hy vọng từ chiến trường miền Nam, nơi người chồng đang xã thân để bảo vệ Tổ quốc, nhưng mấy tháng trôi đi, ông Sơn vẫn “bặt vô âm tín”.

Cho đến một ngày đầu tháng 4/1965, bà nhận được “Giấy báo tử” từ đơn vị của ông Sơn gửi về. Nhắc đến đây, cổ họng bà như nghẹn lại: “Ngày đó, tui đang làm việc ở ngoài trạm xá, nghe tin có chú bộ đội về hỏi thăm nhà tui, trong đầu tui cứ đinh ninh là ông nhà tui về, nhưng khi về tới nhà mới biết được đó là anh Sang ở cùng đơn vị với chồng. Chưa kịp hỏi han chi thì anh ấy nói là thủ trưởng Sơn hy sinh rồi chị ạ. Khi nớ (đó) tui nghe tin như sét đánh ngang tai, không tin vào những gì mình đang nghe nữa, tôi ngất lịm đi và không biết chi nữa”.

Mảnh ghép từ hai số phận éo le đã viết nên câu chuyện tình đầy cảm động
Giữa khói đạn chiến tranh khốc liệt, bà Nghĩa như chết lặng khi nhận được giấy báo tử của chồng (Ảnh: Tư liệu chiến tranh)

Kể đến đây, nước mắt bà giàn giụa chảy dài trên đôi gò má hao gầy. Câu chuyện đã xảy ra hàng chục năm trời, nhưng khi nhắc lại, người kể và người nghe đều có cảm giác như chuyện mới ngày hôm qua vậy. Từng mảng kí ức, từng dòng hồi tưởng cứ ùa về làm cho câu chuyện cứ hiện rõ mồn một từng chi tiết. Biết tin chồng hi sinh, có lẽ không chỉ riêng bà mà bất cứ người mẹ người vợ nào cũng đều đau lòng đến tuyệt vọng.

Giá mà có thể bà chỉ muốn chết cùng chồng, nhưng nhờ sự động viên an ủi của những người thân, đồng nghiệp và cũng chính vì đứa con trong bụng mà bà lại có nghị lực gắng gượng để sống tiếp. Cuộc sống của bà lại mang theo một nỗi buồn, một sự thất vọng tràn trề, nó như gang nặng, cứ oằn lên người bà ngày này qua ngày khác.

Và đến tháng 8/1965, bà sinh được một cậu bé trai kháu khỉnh, cậu chính là niềm an ủi lớn nhất của bà. Bà đặt tên con là Thủy, nhằm nhắc nhở bản thân dù có khốn khó, khổ cực thì vẫn sẽ chung thủy với tình yêu mà ông đã từng dành cho bà.

Thời gian cứ trôi, bà vẫn sống âm thầm lặng lẽ phục vụ bệnh nhân, cùng với đó là niềm hy vọng rồi có ngày chồng bà sẽ trở về. Trong làng, nhiều người đàn ông đồng cảm với số phận của bà, đã một vài người mạnh dạn đến hỏi bà làm vợ, nhưng tất cả đều bị từ chối bởi một quan điểm “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Dù rất cô đơn, vẫn mong có chỗ dựa cho mình bớt khổ, cho con mình lớn lên cũng có cha nhưng lòng bà lúc nào cũng tràn trề hy vọng, hết chiến tranh chồng sẽ về.

Còn về phần ông, sau cuộc tập kích của địch, ông may mắn thoát chết nhờ sự chi viện kịp thời của trung đoàn. Hết hành quân từ nơi này qua nơi khác, đi qua không biết bao nhiêu cánh rừng, lội không biết bao con suối, chỉ biết không ngày nào là không đánh, không ngày nào là không hứng những trận mưa bom, bão đạn.

Cổ tích giữa đời thường

Cho tới năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được đơn vị cử ra Hà Nội để phân công công tác. Trên đường ra Bắc, ông ghé thăm nhà, trong lòng ông cứ rạo rực, xôn xao mong cho chuyến tàu chạy thật nhanh đưa ông về với mảnh đất Quảng Bình thân yêu.

Gặp chúng tôi, ông Sơn bồi hồi kể lại: “Ngày ấy, chiến trường miền Nam đánh nhau ác liệt lắm, tui thì rất nhớ nhà, nhớ vợ. Chỉ mong được một ngày nghỉ ngơi để biên thư về nhà. Nhưng mà giặc nó có cho bộ đội Việt Nam một ngày được thảnh thơi đâu, nhiều lúc tui cũng cố tìm cách để liên lạc về nhà nhưng đánh nhau như thế, đường dây liên lạc Bắc - Nam bị gián đoạn nên không có cách nào khác, chỉ biết chiến đấu hết mình mong được sơm hòa bình trở về với gia đình thôi”.

Sau hơn 10 năm xa quê, chiến tranh kết thúc, có lẽ quê hương phần nào đã có những đổi thay. Lúc về đến nhà, ông nhìn thấy 4 đứa trẻ nhỏ chừng 10 tuổi đang chơi trò bắn súng cao su, ông không hề biết 1 trong 4 cậu bé đó là con trai của mình. Ông nhẹ nhàng hỏi nhỏ một đưa bé gầy gò, đen nhẻm: “Ba mẹ cháu đâu sao lại để gầy như thế? Thằng bé trả lời, ba cháu đi bộ đội, mẹ cháu đi họp dưới huyện, còn mệ nội (bà nội) cháu ở trong bếp”.

Ông nghe thế không hiểu thực hư câu chuyện như thế nào, nhưng tình phụ tử như mách bảo rằng đây là con trai của ông. Nhìn kỹ, nó có cặp mắt giống bà, đen và buồn. Ông vội vàng đi vào nhà, lúc đó người mẹ nuôi của ông là bà Phan Thị Hạnh đang ở dưới bếp. Ông lễ phép chào: “Thưa mạ (mẹ), con về rồi! bà cụ quay lại hỏi: Con là thằng mô, bộ đội ở đây nhiều lắm, mạ không biết chú mô lại chú mô cả?”.

Nghe tới đây, cổ họng ông đắng nghẹn không thốt thành lời: “Con là thằng Sơn đây mạ ơi, thằng Sơn có vợ tên Nghĩa đây mạ”. Mẹ ông giật mình nhìn kỹ rồi 2 mẹ con ông òa khóc trong niềm vui sướng, tột cùng hạnh phúc. “Không phải con chết rồi sao, sao giờ mới trở về, có thật là con không, có thật là thằng Sơn không?”.

Mảnh ghép từ hai số phận éo le đã viết nên câu chuyện tình đầy cảm động
Câu chuyện tình thủy chung son sắt của ông Sơn và bà Nghĩa như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường vậy

Cậu con trai nãy giờ đứng ngoài của nghe toàn bộ câu chuyện cũng chạy đến ôm bố rồi òa khóc nức nở. Cả 3 người cứ ôm chặt lấy nhau mà không muốn buông tay nhau. Cho tới chiều, bà Nghĩa đi họp về, vừa vào tới nhà, nhìn thấy chồng đang chơi đùa với cậu con trai bà thật không tin và mắt mình nữa, cứ như một giấc mơ mà không bao giờ bà muốn nó biến mất. Bà thẫn thờ nhìn 2 cha con ôm nhau, cứ thế nước mắt tự lăn dài không hay, cho tới khi cậu con trai reo lên. A…! mẹ về.

Cả gia đình được đoàn tụ, dân làng đến chúc mừng, họ thì thầm bàn tán nhau về sự chung thủy của bà, về sự trở về bình an của ông, về sự kỳ diệu như chuyện cổ tích giữa đời thường. Có lẽ không từ nào để diễn tả cảm xúc của họ. Một câu chuyện với một kết thúc có hậu mà người ta thường chỉ thấy trên phim ảnh. Mất nhau mới biết quý nhau, họ có thêm 2 cô con gái xinh xắn đặt tên là Ngân và Nga nhằm để nhắc tới tình yêu và hạnh phúc như một giai điệu tuyệt vời.

Chiến tranh là một nỗi đau, xé nát tâm hồn và trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam thành những mảnh đời đáng thương. Thế nhưng, từ những mảnh đời ấy, họ đã biết tìm đến nhau, dựa vào nhau để cùng nhau sống hạnh phúc, cùng nhau đẩy lùi chiến tranh tàn ác ngự trị hàng trăm năm trên tổ quốc mình.

Hoàng Phúc – Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm