Ngõ "cô đơn" ở phố cổ Hà Nội: Chồng "vắng" vợ, trai tráng "ế" chỏng chơ
(Dân trí) - Dù được "gắn mác" trai phố cổ nhưng anh V. ế "chỏng chơ" nhiều năm nay trong căn nhà vỏn vẹn 5 m2 mà hai cha con phải cố gắng bám trụ dù điều kiện sống vô cùng khó khăn và bất tiện.
Vợ chồng lục đục, tan rã vì nhà chật, ngõ hẹp
"Ẩn mình" trong con ngõ nhỏ chỉ đủ lối cho một người đi thẳng, căn nhà của ông H.V.X (ở phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vắng bóng phụ nữ hàng chục năm qua, kể từ ngày vợ ông bỏ đi vì không chịu nổi cảnh sống chen chúc, chật chội.
Căn nhà ông X. đang ở thực chất là gác xép nhỏ, nằm "cheo leo" trên lối đi chung của các hộ dân nơi đây. Nhà có chiều cao 1,17 m, rộng 2 m và dài 3 m, xung quanh là những mảng tường bong tróc, ẩm mốc lâu ngày. Mỗi lần về nhà, người đàn ông U60 phải leo lên bằng các thang sắt chữ U hoen gỉ.
Trước đây, gia đình 9 thành viên của ông X. cùng sinh sống trong căn nhà nguyên bản rộng hơn 10 m2. Ngày đó, cả nhà chen chúc thế nào cũng xong nhưng khi các con trưởng thành, không gian sinh hoạt càng trở nên tù túng.
Sau này, căn nhà được phân chia lại cho các con. Riêng ông X. ở căn gác xép, nằm trên lối đi lại ngay đầu ngõ. Trong căn nhà siêu nhỏ của người đàn ông U60, tài sản quý giá nhất là chiếc tivi màu đời cũ và chiếc quạt chạy ì ạch treo trên tường. Vì không gian sinh hoạt khiêm tốn nên ông Xuân thường ngồi khom lưng hay mặc áo phải quỳ chân, mặc quần phải nằm ngửa.
Cách đây 25 năm, qua mai mối, ông và vợ "nên duyên" mà không có điều kiện tìm hiểu kỹ. Lần đầu về nhà chồng, vợ ông khóc suốt, chán nản vì cảnh nhà chật chội, đứng chẳng thẳng lưng. "Lúc đó, tôi chỉ biết an ủi và động viên vợ, cố gắng chăm chỉ làm ăn rồi tích cóp tiền mua căn hộ mới rộng rãi hơn", ông kể.
Ngày đó, ông X. chạy xe ôm, vợ làm tạp vụ. Tiền kiếm được chẳng đủ chi tiêu. Không chịu được cảnh sống chật chội, khó khăn, vợ ông bỏ đi xây dựng hạnh phúc mới, để lại con trai 10 tuổi cho ông X. chăm nuôi. Cứ thế, hai bố con rau cháo qua ngày, đến nay cũng hơn 15 năm sống trong căn nhà từ lâu đã vắng bóng phụ nữ.
Giống như nhiều người dân khác sống ở phố cổ, ông X. cũng không khỏi trăn trở, lo lắng về tương lai của cậu con trai. Ông hy vọng con cháu sau này sẽ có nơi ở rộng rãi, đầy đủ tiện nghi hơn với công việc ổn định, mang lại thu nhập.
Theo người dân địa phương, ở những con phố có nhiều ngõ siêu nhỏ "ngày cũng như đêm" này, chuyện vợ chồng lục đục, bỏ nhau vì nhà chật không hiếm. Giờ có người đã tái hôn nhưng có người vẫn ở vậy.
"Nhà chật, đông người nên sinh hoạt rất bất tiện. Chưa kể phụ nữ còn sinh nở, đến ngày,... rồi tắm, vệ sinh chung, có khi phải xếp hàng chờ đến lượt. Nhiều người về làm dâu ở đây một thời gian ngắn đã lục đục rồi ly hôn hoặc bỏ đi vì không chịu được cảnh sống như vậy", một người dân sống ở Hàng Buồm chia sẻ.
Trai tráng "ế" chỏng chơ, có người yêu nhưng không dám cưới
Sống trong căn nhà vỏn vẹn 5 m2, lọt thỏm trong con ngõ nhỏ tối tăm và sâu hun hút ở phố Hàng Chiếu, anh N.A.V nay đã 36 tuổi nhưng vẫn chưa có "mảnh tình vắt vai". Đưa đôi mắt nhìn quanh ngôi nhà chỉ có chiếc quạt điện là giá trị nhất, anh V. bảo, rào cản về gia cảnh khiến bản thân tự ti, chẳng dám kết bạn với ai.
"Ở tuổi tôi, bạn bè đồng trang lứa đã có vợ con đề huề hết nhưng hoàn cảnh như vậy, tôi cũng hiểu chẳng ai dám lấy mình. Tôi cũng lo lắng nếu lập gia đình thì khó có một đám cưới tươm tất, vợ phải chịu khổ vì sống cảnh nhà chật, ngõ hẹp như thế này", anh V. trăn trở.
Hàng ngày, anh đi làm bảo vệ cho một nhà hàng trên phố Bà Triệu. Tối muộn mới về nhà nghỉ ngơi. Kinh tế khó khăn, nhà cửa chật chội nên hàng chục năm qua, người đàn ông U40 chưa từng đón tiếp một người bạn nào tới chơi. Các cuộc tụ tập, nhậu nhẹt bên ngoài, anh cũng hạn chế hết mức.
"Tôi thấy ngại khi mọi người hỏi chuyện vợ con, còn công việc cũng bấp bênh, chưa ổn định. Một vài người nghĩ có chăng do tôi "kén cá chọn canh" nên mới độc thân đến giờ, chứ trai phố cổ làm sao mà ế. Nhưng tôi là người rõ hoàn cảnh của mình nhất nên không dám yêu. Có yêu cũng khó cưới vì lấy vợ rồi ở đâu, còn con cái nữa. Một mình khổ thì được chứ không thể để vợ con khổ theo", anh bộc bạch.
Chung cảnh ngộ với anh V., L.T.C (30 tuổi, ở phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến nay vẫn "ế" chỏng chơ. Hiện gia đình 3 thế hệ của C. đang sống chung trong căn nhà nhỏ gần 20 m2.
"Nhà tôi nhỏ nhưng chứa tới 6 nhân khẩu, gồm bố mẹ, anh trai, chị dâu với cháu gái 2 tuổi và tôi. Vì không gian chật nên gia đình anh chị ở trên gác xép, còn tôi với bố mẹ ở dưới, chỗ nghỉ ngơi chỉ ngăn cách nhau bằng tấm mành rèm tối màu. Chỗ tắm rửa, giặt giũ thì ở khu vệ sinh chung phía cuối ngõ", C. nói.
Dù quá quen với lối sinh hoạt trong cảnh chật chội nhưng khi có người yêu, C. thấy bối rối nhiều phần. Hai năm trước, 9X từng dẫn bạn gái về nhà ra mắt nhưng nhanh chóng "đường ai nấy đi".
"Ngày dẫn bạn gái về ra mắt, tôi phải dặn cô ấy gửi xe ngoài đường. Đi qua ngõ vào nhà, áo cô ấy dính đầy hai bên bụi và mạng nhện. Nhà chật, đủ chỗ ngồi nhưng khi muốn đi vệ sinh, bạn gái tôi thấy bất tiện vì phải chờ đợi gần nửa tiếng mới đến lượt", C. bày tỏ.
Chỉ nửa ngày đưa người yêu về nhà và cùng sinh hoạt, chàng trai trẻ cảm nhận được việc bạn gái ái ngại khi ở đây. Sau lần ra mắt, những cuộc hẹn và trò chuyện giữa hai người ít đi. Khi bạn gái chủ động nói chia tay, C. buồn nhưng không oán trách.
"Tôi hiểu tâm trạng của cô ấy. Nếu kết hôn, chúng tôi lại sống ở đây. Nhà đã chật sẽ chật hơn, sinh hoạt nhiều thứ bất tiện. Hiện tôi chỉ biết cố gắng làm việc và tiết kiệm, mong sớm có điều kiện để tìm nơi ở mới rộng rãi, tiện nghi hơn. Lúc đó, tôi mới dám nghĩ đến chuyện kết hôn, sinh con đẻ cái", chàng nhân viên ngân hàng trải lòng.