Nghề làm lân truyền thống Hội An nỗ lực vượt qua mùa dịch
(Dân trí) - Đơn đặt hàng giảm 50% do ảnh hưởng dịch Covid-19, người làm lân Hội An vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn để mang đến một cái Tết Trung thu vui vẻ cho trẻ thơ.
Có mặt tại cơ sở làm lân nức tiếng của gia đình anh Nguyễn Hưng (50 tuổi, thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, Hội An) những ngày đầu tháng 8 âm lịch, chúng tôi lấy làm bất ngờ vì khác với không khí tất bật, nhộn nhịp những năm trước, dù cận kề Tết Trung thu nhưng cơ sở khá yên ắng.
Là người có thâm niên gần 30 năm làm nghề, anh Nguyễn Hưng cho biết, cơ sở của anh làm lân quanh năm để đáp ứng cho các đoàn lân sư rồng biểu diễn phục vụ tại các khu vui chơi, resort, khách sạn hay các dịp khai trương, giao lưu lân sư rồng lớn…; đến gần Tết Trung thu thì sản xuất thêm các loại mặt nạ, lân nhỏ phục vụ dịp này.
Bình quân hằng năm cơ sở anh Hưng sản xuất từ 2.000-3.000 đầu lân các loại và hơn 1.000 mặt ông địa để xuất ra thị trường cả nước.
Nhờ sự sáng tạo trong nghề làm lân nhằm cải tiến mẫu mã nên những năm gần đây sản phẩm đầu lân Hội An khá đắt hàng, doanh thu của gia đình anh Hưng mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
Điều đặc biệt, những năm qua cơ sở của anh Hưng đã tạo công ăn việc làm cho gần 20 em thanh niên, đa số các em nghỉ học từ rất sớm vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Là cơ sở làm lân truyền thống, xưởng của anh làm lân quanh năm nên lương của các em khá ổn định.
Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, đơn đặt hàng làm ra giảm 50% so với mọi năm. Hiện các đơn hàng chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành khác như TPHCM, Quảng Ngãi, Huế… Còn đơn hàng tại Hội An giảm đáng kể.
Lý giải về điều này anh Hưng chia sẻ, do dịch Covid-19 nên hầu hết các khách sạn, resort, khu vui chơi tại Hội An, Đà Nẵng phải đóng cửa; các hợp đồng biểu diễn phục vụ du khách trước đó của các đoàn lân cũng bị tạm ngưng, nên các đơn đặt hàng làm lân cũng giảm.
Bên cạnh đó, Trung thu năm nay nhiều sinh hoạt văn hóa, thể thao hay các cuộc thi lân sư rồng cũng tạm hoãn nên đơn hàng mới ít hơn. Đa phần khách hàng đặt rồi lại hủy vì e dè, không bán được, khách hàng mua lẻ cũng ít hơn so với mọi năm.
Mới đây, anh Hưng cũng nhận được một đơn hàng đến từ khu du lịch, giải trí tại Quảng Nam; họ đặt lân cho nhân viên tự múa phục vụ khách, chứ không dám bỏ tiền mời đoàn lân biểu diễn vì phải tiết kiệm chi tiêu.
Anh Hưng cho hay, các đơn hàng dành chơi Tết Trung thu chỉ được đặt thời gian gần đây, năm nay cơ sở anh làm theo đơn sẵn chứ không dám làm nhiều như mọi năm. Vì Tết Trung thu là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc nên mới được duy trì, bởi vậy dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vẫn có đơn hàng.
“Trước đó tôi có hai suất dạy vẽ lân, mặt nạ cho hàng trăm khách, nhưng vừa ký hợp đồng hôm trước thì hôm sau phải hủy vì dịch bùng phát. Tôi thấy may mắn vì còn có đơn hàng duy trì sản xuất. Hiện đơn hàng khá ít nên nhân công phải tạm nghỉ, cơ sở cũng phải “tận dụng” người trong nhà”, anh Hưng nói thêm.
Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đơn hàng giảm đáng kể, nhưng những nghệ nhân làm nghề lân sư rồng Hội An vẫn không hề nản chí, không bỏ nghề truyền thống vốn mang niềm vui mỗi dịp Tết Trung thu và đã khẳng định thương hiệu, được nhiều nơi biết đến qua các cuộc giao lưu lân sư rồng trong và ngoài nước…