Ngân hàng dữ liệu DNA giúp con nuôi tìm lại cha mẹ ruột

(Dân trí) - Ý tưởng nhân văn này đang được thúc đẩy tại Hàn Quốc, để sớm có một đạo luật cho phép các bậc cha mẹ ruột có con cái là con nuôi ở nước ngoài có thể đăng ký thông tin DNA của họ tại các ngân hàng dữ liệu quốc gia.

Ngân hàng dữ liệu DNA giúp con nuôi tìm lại cha mẹ ruột - 1

Ông Han Woo-sung, Giám đốc quỹ Overseas Koreans Foundation. (Ảnh Yonhap)

 Báo Korea Times hôm 16/1 dẫn lời ông Han Woo-sung, 63 tuổi, Giám đốc quỹ Overseas Koreans Foundation (OKF) nêu rõ: Chính phủ Hàn Quốc nên thiết lập những cơ sở kiểu như ngân hãng dữ liệu DNA, để giúp kết nối những con nuôi gốc Hàn tại nước ngoài với gia đình ruột thịt của họ.

“Hơn một nửa số con nuôi dạng này mà tôi từng trò chuyện đều bày tỏ mong muốn được gặp lại người thân ruột thịt của mình. Nếu họ không muốn gặp mặt cha mẹ đã bỏ rơi con thì ít nhất cũng tìm kiếm anh chị em (nếu có) để giúp tìm lại gốc gác cội rễ của mình” – ông Han lý giải và cho biết thêm: “Vì các tài liệu còn được lưu giữ thường không mấy chính xác, nên qua DNA là lựa chọn tìm kiếm duy nhất hiệu quả”.

Từng là một phóng viên tiếng Hàn ở Mỹ 30 năm, kể từ khi nhận nhiệm vụ mới tại quỹ OKF năm 2017 ông Han đã vận động thiết lập một cơ sở dữ liệu DNA do Chính phủ Hàn Quốc điều hành dành cho các con nuôi gốc Hàn ở nước ngoài.

Ngân hàng dữ liệu DNA giúp con nuôi tìm lại cha mẹ ruột - 2

Nhóm24 con nuôi gốc Hàn từ Mỹ, Canada, Đan Mạch và Hà Lan tham dự Mosaic Hapa Tour trở về Hàn Quốc từ 31/8 – 9/9/2018. Ảnh chụp một sự kiện của nhóm tại Trung tâm Hội nghị của khách sạn Bupyeong, Incheon.

Nhờ một thay đổi trong lĩnh vực hành chính được thực thi năm nay, các con nuôi gốc Hàn ở nước ngoài theo một số điều kiện nhất định, có thể đăng ký DNA của họ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về những người mất tích thông qua 34 cơ quan ngoại giao của Hàn Quốc tại 14 quốc gia, thay vì trực tiếp tới đồn cảnh sát tại đây.

Nhưng theo luật, các bậc cha mẹ từ bỏ con để rồi bé được nhận nuôi ở nước ngoài không đủ điều kiện đăng ký với chương trình dữ liệu DNA dành cho người mất tích này. Trừ phi họ chứng minh được con cái mình bị mất tích rồi được nhận làm con nuôi ngoài ý muốn cũng như không được sự đồng ý của họ. Phạm vi giới hạn của chương trình như vậy xem ra hiện cũng đang được coi là vấn đề với một số người.

Cũng theo ông Han, có một số công ty tư nhân nước ngoài đã tham gia vào lĩnh vực này nhưng phí dịch vụ của họ cao. Do thông tin DNA là dữ liệu cá nhân nhạy cảm, ông Han nêu rõ: Chính phủ Hàn Quốc nên quản lý và cung cấp dịch vụ DNA kết hợp giữa các con nuôi với những người thân trong gia đình ruột thịt của họ thông qua các ngân hàng dữ liệu.

Quỹ OKF đã được Cảnh sát Quốc gia và một số nghị sĩ ủng hộ cho ý tưởng về một đạo luật cho phép các cha mẹ ruột có thể đăng ký thông tin DNA của họ tại những ngân hàng dữ liệu quốc gia. Hiện kế hoạch này đang bị trì hoãn bởi cuộc bầu cử sắp tới, nhưng ông Han vẫn bày tỏ hy vọng sẽ có thể tiếp tục thúc đẩy nó tại Hội đồng lập pháp tiếp theo.

Theo ước tính của quỹ OKF, có khoảng 200.000 trẻ mồ côi Hàn Quốc được gửi tới những gia đình phương Tây giàu có làm con nuôi kể từ năm 1945. Thậm chí nay dù Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới nhưng vẫn có gần 400 trẻ mỗi năm được cho làm con nuôi tại nước ngoài.

Ngân hàng dữ liệu DNA giúp con nuôi tìm lại cha mẹ ruột - 3

Chị Megan Arnesen, hiện 35 tuổi, vốn là con nuôi gốc Hàn ở Plymouth, Minnesota đã dành chuyến trở về Hàn Quốc của mình (qua sự giúp đỡ của một công ty chuyên trách) tham gia dạy tiếng Anh tại Đại học Woosong ở Daejeon. (Ảnh: MPR News)

Để giúp thêm nhiều những người con nuôi gốc Hàn ở nước ngoài liên hệ với người thân ruột thịt của họ, OKF sẽ còn mở rộng chương trình về thăm quê hương trong năm nay với khoảng 250 con nuôi sẽ được lựa chọn tham gia chương trình bay về Hàn Quốc trong một tuần miễn phí.

Linh Lê

Theo Korea Times