Ngắm những thiếu nữ Cơtu xinh đẹp bên khung cửi
(Dân trí) - Dệt thổ cẩm đã trở thành một nghề truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Cơtu ở vùng cao Quảng Nam. Với bàn tay khéo léo và sự cần mẫn, kiên trì, người phụ nữ Cơtu đã biến những thứ nguyên liệu sẵn có ở địa phương thành những tấm khố, váy… với nhiều họa tiết, màu sắc độc đáo.
Nếu có dịp “đi phược” hay đi theo tour lên các huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang của Quảng Nam du khách sẽ bắt gặp tại các Gươl làng các nhóm phụ nữ tập trung lại và cùng nhau dệt thổ cẩm.
Các công đoạn dệt thổ cẩm hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, từ khâu trồng nguyên liệu (đay, gai, bông) đến khâu khéo sợi, nhuộm màu, thêu dệt và bố trí hoa văn. Riêng với công đoạn dệt thổ cẩm, để thực hiện hoàn chỉnh một sản phẩm, phụ nữ Cơtu phải làm việc cật lực trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất cả tháng.
Nghề dệt thổ cẩm hiện còn lưu truyền tại hầu hết các làng đồng bào Cơtu, nhưng tập trung nhiều nhất có lẽ là làng ZaRa, xã TaBhing (cách thị trấn Thành Mỹ, huyện Nam Giang khoảng 15 km về phía Tây Bắc). Tại đây, du khách sẽ rất thích thú khi được những người phụ nữ Cơ Tu ân cần chỉ dẫn từng động tác dệt thổ cẩm với những chiếc khung dệt đơn giản làm từ các thanh gỗ, thanh tre, thanh nứa kết hợp lại.
Hiện nay, các mặt hàng dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơtu đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách tới tham quan, mua sắm.
Tại làng du lịch cộng đồng thôn Đhờ Rôồng (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) hay làng dệt thổ cẩm Zơ Ra (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) đã tổ chức cho phụ nữ Cơtu dệt thổ cẩm để vừa phục vụ vừa bán các sản phẩm này cho du khách.
Các làng dệt thổ cẩm ở vùng cao Quảng Nam không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn, có nét đặc trưng và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định; mà còn là nơi bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa độc đáo vốn có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Cơtu nơi đây.
Chùm ảnh phụ nữ Cơ tu dệt thổ cẩm ở vùng cao Quảng Nam
Tin, ảnh: C.Bính-N.Cường