Nét khác biệt trong phong tục cúng Thần tài - Thổ địa ở miền Tây
(Dân trí) - Với người dân ở ĐBSCL, đặc biệt là những người kinh doanh buôn bán, Thần Tài – Thổ Địa là những vị thần rất quan trọng, đem lại may mắn và tài lộc cho gia chủ trong cả năm.
Nhà nhà đều có bàn thờ Thần Tài – Ông Địa
Khác với người dân miền Bắc và miền Trung, ở miền Tây Nam Bộ, dù nhà to hay nhỏ, giàu hay nghèo đều có bàn thờ Thần Tài, Ông Địa. Thông thường bàn thờ các vị thần này được đặt dưới đất, trước cửa ra vào để nghênh tiếp tài lộc, chứ không phải ở nơi sạch đẹp, trang trọng như bàn thờ Tổ tiên hay bàn thờ Thổ Công.
Về hình thức bên ngoài thì Ông Địa thường bụng phệ, người trắng nõn, để ngực trần, đầu quấn khăn, tay cầm quạt và hay có con cọp đi theo. Còn Thần Tài đầu đội mũ cánh chuồn, hai tay để trên gối, mặc áo thụng, chân đi hài đảo sen, tay cầm túi vải để đựng tiền.
Trong bàn thờ, dán trên vách là một tấm bài vị, hai bên, bên trái (từ ngoài nhìn vào) là ông Thần tài, bên phải là Ông Địa. Ở giữa hai ông là một hũ gạo, một hũ muối và một hũ nước đầy. Ba hũ này chỉ đến cuối năm mới thay. Giữa bàn thờ là một bát nhang, để tránh động bát nhang khi lau chùi bàn thờ, nhiều người dán chết bát nhang xuống bàn thờ và bên cạnh là một chiếc lọ để cắm hoa.
Người dân miền Tây Nam bộ quan niệm đây là những vị thần cai quản đất đai, nhà cửa. Người ta không chỉ cúng Thần Tài vào ngày tết, mà cúng quanh năm, nhất là những gia đình chuyên nghề buôn bán. Nhiều người tin rằng chỉ khi nào lo cho vị thần này chu đáo thì ông mới phù hộ.
Thông thường, sáng sớm, khi mở cửa bán hàng người ta thay nước bàn thờ, thắp hương cầu khẩn Thần Tài “độ” cho họ mua may bán đắt, cúng cho Ông Địa một ly cà phê đen kèm theo một điếu thuốc để ông “độ” cho trong ấm ngoài êm.
Vào ngày tết, vai trò của Thần Tài càng được xem trọng hơn. Người ta lo trang hoàng nhà cửa, sửa soạn cho “các ông” sạch sẽ, nếu vị thần này đã quá cũ hay bị hư thì sẽ thỉnh vị mới về. Họ tin rằng năm mới, mọi thứ đều ngăn nắp và Thần Tài có sạch sẽ thì làm ăn mới phát tài.
Người dân cúng gì vào ngày vía Thần Tài – Ông địa
Tờ mờ sàng ngày 6/2 nhằm ngày 10/1(AL) nhiều tiệm bán heo quay ở nội ô TP Cần Thơ đã đông nghịt khách mua. chị Trần Thu Hoa (30 tuổi), ở Bình Thuỷ, Cần Thơ cho biết: “Từ hồi nhỏ tới nay năm nào tôi cũng thấy ba, mẹ ông bà cúng Thần Tài, Ông Địa heo quay. Bây giờ tôi lập gia đình về nhà chồng cũng cúng món này nên hôm nay tranh thủ mua sớm miếng thịt quay, sáng mai cúng Thần Tài, Ông Địa xong rồi đi làm”.
Mới 6h sáng một bán heo quay ở quận Bình Thuỷ - TP Cần Thơ đông nghẹt khách, xe đậu lấn cả lòng đường
Còn bà Ngô Thuỳ Trang (68 tuổi) ở Ninh Kiều Cần Thơ cho biết: Năm nào ngày 10/1 âm lịch, gia đình bà cũng đều cúng ông tài, ông địa các món: Heo quay, bánh bao, bắp, kẹo đậu phộng (hột lạc). “Tôi nghe nói các vị thần này thích heo quay nên tôi cúng heo quay, còn bắp thì để cả năm làm ăn chắc như bắp; bánh bao làm ăn cho nở nã, kẹo đậu phộng tượng trưng cho cả năm ngọt ngào”- bà Trang lý giải.
Ông Lê Minh Khôi (70 tuổi), ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết: Năm nào cũng chiều ngày 9/1 âm lịch ông đều đi chợ để sắm lễ vật cúng các vị thần gồm: Thịt quay, bánh hỏi, cá lóc nướng, bánh bông lan, chuối…. và giấy tiền cúng riêng Thần Tài - Ông Địa. “Mình cúng Thần tài – ông Địa ngoài hy vọng làm ăn phát tài, phát lộc, gia đình ấm êm thì đây gần như là phong tục của người dân chúng tôi. Nếu không cúng thì trong dạ áy náy lắm” – Ông Khôi chia sẻ.
Mới hơn 5h sáng ngày vía Thần Tài (10/1AL) tiệm bán hoa và trái cây cũng tấp nập người mua
Nhiều người sang hơn thì cúng các vị Thần này vàng, Chị Thy Thơ chủ một tiệm vàng ở Cần Thơ cho biết, năm lượng khách đến mua vàng ngày vía Thần tài tăng cao, bởi có tâm lý muốn mua chút vàng lấy may cho cả năm. “Để đáp ứng tốt nhu cầu của khách, chúng tôi đã chuẩn bị tốt về sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm khách hay mua ngày thần tài như nhẫn tròn trơn hay hình các vật phẩm có ý nghĩa với trọng lượng to, nhỏ khác nhau để khách hàng có thể dễ dàng mua được sản phẩm vừa với túi tiền của mình”, chị Thơ nói.
Phạm Tâm