Nên và không nên làm gì khi bắt đầu một công việc mới?
(Dân trí) - Kiểm soát tính hài hước, đừng tỏ ra biết tất cả mọi thứ, và không nên buôn chuyện nơi công sở trong những ngày đầu.
Đừng lo lắng với việc tạo ấn tượng tốt khiến bạn quên đi những điều nên và không nên làm tại văn phòng mới của mình. Bạn không cần thay đổi bản thân nhưng nhớ một số quy tắc dưới đây sẽ không bao giờ thừa.
1. Nên bông đùa chừng mực
Bạn có thể là người vui tính nhất trong đám bạn nhưng không có nghĩa những đồng nghiệp mới sẽ thích khiếu hài hước của bạn. Tránh xa những câu nói đùa có thể khiến người khác khó chịu. Một thời gian nữa, khi bạn đã hiểu rõ thêm về đồng nghiệp của mình, bạn sẽ biết điều gì có thể mang ra đùa và điều gì không thể.
2. Đừng hành động như một "Mr. Biết tuốt"
Mỗi công ty sẽ có một chính sách, quy định riêng và cả những nguyên nhân đằng sau các quy định đó. Trong những ngày đầu, không nên nói xấu đồng nghiệp, đặt câu hỏi với cách làm việc của sếp, hay chê bai các quy định nơi làm việc ngay cả khi bạn không đồng ý với những điều đó. Dành thời gian để tìm hiểu xem tại sao mọi thứ nơi đây có vẻ khác với những kinh nghiệm trước đây bạn từng có với công ty cũ.
3. Nên ăn mặc lịch sự
Giữ thói quen ăn mặc chỉnh chu ngay cả sau khi bạn đã được tuyển dụng. Trang phục thoải mái không đồng nghĩa với luộm thuộm. Vẻ ngoài lịch thiệp cho thấy bạn tôn trọng nơi làm việc mới của mình. Những người bắt đầu ngày làm việc mới với đầu bù tóc rối, quần áo không phù hợp chưa bao giờ được đánh giá cao.
4. Nên thể hiện sự quan tâm
Thể hiện sự quan tâm đến công việc ngay từ ngày đầu tiên sẽ khiến cấp quản lý của bạn cảm thấy hài lòng. Họ sẽ đánh giá cao sự chăm chỉ, cống hiến, và cam kết của bạn. Họ cũng sẽ cung cấp các khóa đào tạo thêm về công việc cho bạn nếu thấy bạn có đủ tố chất để thăng chức trong tương lai.
5. Không nên buôn chuyện
Hầu hết các đồng nghiệp đều vui vẻ đón chào người mới. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy luôn có một số người thích nói chuyện hơn những người khác. Hãy tránh các câu chuyện mang tính "buôn dưa lê", các tin đồn ngay cả khi bạn đã làm việc lâu. Một đồng nghiệp hay buôn chuyện luôn mang đến cảm giác thiếu chuyên nghiệp và nhiều chuyện.
6. Không nên xin nghỉ việc ngay
Trong công việc trước, bạn có thể có nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn. Còn với công việc mới, bạn được giao những việc đơn giản và không đòi hỏi đến nhiều kỹ năng mà bạn có. Tuy nhiên, đừng vội cảm thấy chán chường hoặc xin nghỉ việc ngay. Ấn tượng đầu tiên không phải lúc nào cũng đúng. Hãy làm việc trong khoảng 6 tháng trước khi đưa ra quyết định. Nếu bạn háo hức và chăm chỉ, cấp trên và đồng nghiệp sẽ chú ý đến bạn.
7. Nên cư xử lịch thiệp
Có rất nhiều các giao tiếp thể hiện sự lịch thiệp nơi công sở bên cạnh các câu "Cám ơn" và "Xin lỗi". Ví dụ như luôn giao tiếp bằng mắt với người đối diện. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt được giữa cư xử lịch sự với thái độ nịnh nọt, bợ đỡ.