Nấm “tiên dược” biếu Tết giá 2,2 tỷ đồng/kg: Đại gia Việt ăn quả đắng

(Dân trí) - Được quảng cáo là loại nấm đông trùng hạ thảo mọc trong tự nhiên với mức giá đắt đỏ lên tới 2,2 tỷ/kg, thế nhưng sự thật về nguồn gốc của loại nấm này ở Việt Nam lại khiến nhiều người bất ngờ.

Còn gần hai tháng nữa mới đến dịp Tết Nguyên Đán Bính Tuất, thế nhưng thời điểm này thị trường quà tết đã khá sôi động và nhộn nhịp. Bên cạnh các mặt hàng quen thuộc, năm nay nhiều sản vật quý hiếm, độc lạ với giá đắt đỏ cũng được nhiều người săn lùng, tìm mua. Nổi bật trong số đó là loại nấm tiên dược ở Tây Tạng với mức giá đắt kỷ lục lên tới 2,2 tỷ đồng/kg – đắt ngang một căn hộ.

Chị Minh, một đầu mối bán loại nấm này ở Hà Nội cho biết, đây chính là loại nấm đông trùng hạ thảo quý hiếm bậc nhất trên thế giới. Sở dĩ loại nấm này có giá đắt đỏ là bởi nó mọc trên núi cao khoảng 3.200m và rất khan hiếm. Người Trung Quốc xưa coi đây là “vua của các loài thuốc bổ” chỉ để cung tiến vua.

Giáp Tết nhiều cửa hàng liên tục quảng cáo loại nấm đông trùng hạ thảo có nguồn gốc ở Tây Tạng với giá từ 1,6 - 2 tỷ VNĐ/kg. Ảnh: Fb
Giáp Tết nhiều cửa hàng liên tục quảng cáo loại nấm đông trùng hạ thảo có nguồn gốc ở Tây Tạng với giá từ 1,6 - 2 tỷ VNĐ/kg. Ảnh: Fb

Để săn tìm được loại nấm này, các thương lái phải thông qua các đầu mối buôn ở Tây Tạng và phải xếp hàng vài tháng thậm chí cả năm mới mua được với số lượng ít ỏi. Năm nay, nhu cầu thị trường cao nên “cung không đủ cầu”, hàng về đến đâu hết đến đó.

“Nấm đông trùng hạ thảo tự nhiên rất được ưa chuộng, cuối năm nhu cầu tăng cao, các cửa hàng gần như đã “cháy hàng”, nếu muốn mua phải đặt tiền trước để gom hàng”, chủ cơ sở này nói.

Trong khi đó, liên hệ với một đầu mối có tên T. – thương lái bán đông trùng hạ thảo ở khu vực phía Bắc, người này giới thiệu, đông trùng hạ thảo loại “vip", thượng hạng trong tự nhiên hiện có giá chỉ khoảng 700 – 1,2 tỷ/ kg. Nếu muốn mua, khách có thể đến xem hàng trực tiếp hoặc chuyển khoản thanh toán qua ngân hàng.

Đầu mối này khẳng định, đây là loại đông trùng hạ thảo “xịn” được mua trực tiếp của các thợ “săn” đông trùng hạ thảo ở vùng Tây Tạng. “Loại này không có nhiều, mọi năm cửa hàng chỉ dành cho khách quen, hàng bảo hành và cam kết hoàn tiền nếu phát hiện hàng giả”, người này nói.

Theo nhiều chuyên gia, loại nấm đông trùng hạ thảo mọc trong tự nhiên ở Tây Tạng rất hiếm, gần như không có bán trên thị trường Việt Nam. Đây đa phần là nấm nhân tạo nuôi cấy ở các cơ sở trong nước hoặc nước ngoài. Ảnh: Hà Trang
Theo nhiều chuyên gia, loại nấm đông trùng hạ thảo mọc trong tự nhiên ở Tây Tạng rất hiếm, gần như không có bán trên thị trường Việt Nam. Đây đa phần là nấm nhân tạo nuôi cấy ở các cơ sở trong nước hoặc nước ngoài. Ảnh: Hà Trang

Ngoài loại đông trùng hạ thảo “Vip” được giới thiệu có nguồn gốc ở Tây Tạng, thị trường còn xuất hiện loại nấm được quảng cáo mọc trong những cánh rừng sâu ở khu vực Lâm Đồng, Đà Lạt của Việt Nam. Khác với các loại nấm khác ký sinh và mọc trên thân sâu, loại nấm này mọc ở phần đầu của bọ xít. Để lấy lòng tin của khách hàng, nhiều cơ sở còn chụp ảnh nấm trong rừng, trên các vách đá và cam kết “một đổi một” cho khách hàng.

Tiến sỹ Nhạ cho biết, đông trùng hạ thảo nuôi cấy có giá khá rẻ dao động từ 60 - 120 triệu đồng/kg. Ảnh: Toàn Vũ
Tiến sỹ Nhạ cho biết, đông trùng hạ thảo nuôi cấy có giá khá rẻ dao động từ 60 - 120 triệu đồng/kg. Ảnh: Toàn Vũ

Tuy nhiên trái ngược với những loại quảng cáo hoa mỹ của các cơ sở này, trao đổi với PV Dân trí, tiến sỹ Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm Đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay các loại đông trung hạ thảo được bày bán trên thị trường chủ yếu là loại nấm cấy ở môi trường nhân tạo. Loại nấm này có giá khá rẻ, chỉ dao động từ 60 – 150 triệu đồng/kg.

“Thực tế, nấm đông trùng hạ thảo ở Tây Tạng hiện còn rất ít, không đủ cung cấp ra thị trường trong nước lấy đâu ra việc đưa ra nước ngoài. Nhiều thương lái ở Việt Nam lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân nên quảng cáo, đồn thổi để nâng giá trị sản phẩm”, ông Nhạ nói. Ông Nhạ cũng cho rằng, loại nấm được quảng cáo ký sinh trên bọ xít không được xem là nấm đông trùng hạ thảo bởi không có giá trị gì dược chất.

Tương tự, tiến sỹ Phùng Tuấn Giang (nhà thuốc Thọ Xuân Đường, Hà Nội) cũng cho biết cách đây khoảng 10 năm ông có may mắn được cùng các chuyên gia đến vùng Tây Tạng – đại bản doanh của đông trùng hạ thảo. Thời điểm đó, sản lượng của người dân địa phương cực kỳ hạn chế chỉ từ 600 – 800kg.

“Với số lượng đông trùng hạ thảo như vậy thì việc tiêu thụ tại Tây Tạng còn không đủ đáp ứng nên việc bày bán nhiều ở Việt Nam là gần như không thể”, tiến sỹ Giang nói. Chuyên gia này cũng cho biết, loại đông trùng hạ thảo được quảng cáo là nguồn gốc tự nhiên với giá bán tiền tỷ nhiều khả năng là loại nấm nuôi cấy nhân tạo ở Trung Quốc hoặc Việt Nam.

“Nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt được đâu là nấm tự nhiên còn đâu là nuôi trong môi trường nhân tạo, muốn biết chỉ có cách đi xét nghiệm giá trị dược liệu trong mẫu”, tiến sỹ Giang khẳng định.

Cũng theo các chuyên gia, đông trùng hạ thảo là loại thuốc quý nhưng không phải là loại thuốc chữa bách bệnh nên không nên lạm dụng quá đà. Người mua cần phải tỉnh táo để tránh việc bị thổi giá, trà trộn hàng giả, kém chất lượng.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm