Nam giảng viên tên Sa Phone thường bị nhầm là ... điện thoại

Việt Hà

(Dân trí) - Mỗi khi làm thủ tục hành chính liên quan tới tên gọi, nam giảng viên người Trà Vinh gốc Khmer thường bị ghi nhầm nên phải nói rõ tên mình là Phone trong từ iPhone, điện thoại.

Tên độc lạ thường xuyên bị trêu là điện thoại

"Tên đầy đủ của tôi là Thạch Sa Phone. Trong đó Phone trong từ iPhone, điện thoại", anh Phone giải thích với phóng viên Dân trí.

Quê quán tại ấp Xóm Tộ, xã Đôn Xuân (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), anh Phone sinh ra trong gia đình người Khmer.

Trước khi con trai chào đời, bố mẹ anh Phone đã dự kiến đặt cho con cái tên là Thạch Sô Phon. Trong đó, Thạch là họ phổ biến của cộng đồng và Sô Phon lại mang ý nghĩa tốt đẹp, tính thẩm mỹ cao trong tiếng Khmer.  

Nam giảng viên tên Sa Phone thường bị nhầm là ... điện thoại - 1
Thẻ căn cước công dân của anh Phone (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tuy nhiên lúc đi làm giấy khai sinh tại nơi thường trú, người bố lại quyết định đặt thành Phone có yếu tố tiếng nước ngoài trong tên gọi với mong muốn con sẽ trở thành người giỏi giang về ngoại ngữ và có ích cho xã hội.

Thời còn đi học, do sở hữu tên gọi đặc biệt nên anh Phone đôi khi bị thầy cô gọi trêu là iPhone. Tuy nhiên quá trình học hành của anh diễn ra suôn sẻ mà không gặp bất cứ vấn đề gì phát sinh.

Mặc dù vậy, mỗi khi làm thủ tục hành chính liên quan tới tên gọi, chàng trai người Trà Vinh thường bị cán bộ địa phương ghi nhầm là Phôn. Mỗi lần như vậy, anh phải giải thích rõ tên của mình viết ra sao.

"Trên giấy tờ, tên của tôi là Sa Phone, nhưng khi ở nhà hay gặp những người thân, bạn bè quen biết, mọi người vẫn gọi tôi là Sô Phone", anh giải thích.

Niềm mong ước của nam giảng viên muốn bảo tồn phát huy tiếng mẹ đẻ Khmer

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phone vào chùa Rum Đuôl để tu học.

Được biết, việc đi tu báo hiếu vốn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Khmer. Việc tu tập kéo dài ít hay nhiều tùy theo nhân duyên và ý nguyện từng cá nhân.

Nam giảng viên tên Sa Phone thường bị nhầm là ... điện thoại - 2
Nam giảng viên phát biểu tại buổi hội thảo khoa học (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Năm 2008, khi biết thông tin trường Đại học Trà Vinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mở chuyên ngành mới là Sư phạm Ngữ văn (chuyên ngành Ngữ văn Khmer Nam Bộ) thuộc Khoa ngôn ngữ - văn hóa - nghệ thuật Khmer Nam Bộ, lại thêm nguyện vọng từ cha mẹ muốn con trở thành nhà giáo, anh Phone đăng ký thi tuyển.

"Tôi trúng tuyển vào trường, khóa học của chúng tôi có 36 sinh viên và hiện trường Đại học Trà Vinh vẫn tiếp tục đào tạo ngành học này", anh nói.

Thời điểm anh Phone tốt nghiệp cũng là lúc trường Đại học Trà Vinh có nhu cầu tuyển dụng giảng viên giảng dạy tại bộ môn. Anh Phone nộp hồ sơ và may mắn trúng tuyển.

Bộ môn anh đang giảng dạy được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là khoa trọng điểm quốc gia trong việc đào tạo ngôn ngữ - văn hóa - nghệ thuật Khmer Nam Bộ.

Hiện nam giảng viên làm nghiên cứu sinh ngành văn học Khmer tại Vương quốc Campuchia theo diện Hiệp định của chính phủ. Anh cũng đảm nhiệm vị trí bí thư chi bộ lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia.

Nam giảng viên tên Sa Phone thường bị nhầm là ... điện thoại - 3
Anh Phone bên gia đình nhỏ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh Phone cho biết rút kinh nghiệm với tên gọi của mình, năm 2019 sau khi lập gia đình, hai vợ chồng anh bàn với nhau kỹ lưỡng để đặt tên cho con. Hai bé đều có tên gọi ở nhà là tiếng Khmer và đi học gọi theo tên tiếng Việt.

Bé trai có tên gọi ở nhà là Sô Phi (mang ý nghĩa tốt, giỏi giang trong tiếng Khmer) còn bé gái là Môlika (với ý nghĩa cao thượng). Đây là những tên gọi được vợ chồng anh đặt nhiều tâm huyết với mong mỏi các con sẽ trở thành những người có ích, cống hiến cho xã hội.

"Trong quan niệm và văn hóa người Khmer, tên gọi rất quan trọng. Mỗi cái tên sẽ quyết định cả tương lai và vận mệnh của đứa trẻ nên không thể đặt bừa bãi hay tùy hứng", anh chia sẻ.