Mụn cóc khổng lồ mọc đầy tay chân, vận nghèo đeo bám "người cây" Bangladesh

Huy Hoàng

(Dân trí) - Từ khi mắc chứng bệnh "người cây" hiếm gặp trên thế giới, anh Abul Bajandar ở Bangladesh cảm thấy mình như bị "kết án chung thân", không biết làm gì để nuôi sống bản thân và gia đình.

Mắc bệnh hiếm, người đàn ông như bị "kết án chung thân"

Abul Bajandar sợ mình không bao giờ ôm con gái được nữa. Những điều tưởng chừng đơn giản nhất mà người cha có thể làm, nhưng với anh Bajandar lại rất khó khăn.

Những mụn cóc khổng lồ mọc chi chít, phủ kín bàn tay và bàn chân người đàn ông. Chúng có kết cấu xù xì như vỏ cây.

Mụn cóc khổng lồ mọc đầy tay chân, vận nghèo đeo bám người cây Bangladesh - 1
Người đàn ông Bangladesh bị mắc bệnh người cây siêu hiếm (Ảnh: SCMP).

Người đàn ông Bangladesh được chẩn đoán mắc chứng "người cây". Đó là chứng rối loạn đa di truyền hiếm gặp trên da. Hiện thế giới mới ghi nhận chưa tới 10 ca bệnh và không có cách nào chữa trị triệt để.

Gần như mất hết hy vọng, anh Bajandar làm ăn xin ở thành phố Khulna, phía tây nam Bangladesh.

"Người ta thường cho tôi vài đồng tiền lẻ để chụp ảnh cùng. Tôi chẳng khác nào con khỉ trong vườn thú đi bòn nhặt vài hạt lạc được khách ném cho", anh Bajandar chua chát nói.

Năm 2015, một tờ báo địa phương đã đưa tin về gia cảnh người đàn ông này. Tiếp đó, CNN cũng đăng tải câu chuyện. Đột nhiên, Bajandar trở thành cái tên được truyền thông thế giới săn đón. Anh trở thành nhân vật chính trong các phim tài liệu về "người cây".

Thời điểm đó, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã đề nghị bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất nước tiến hành loại bỏ các nốt mụn như cành cây bao phủ khắp bàn tay, bàn chân bệnh nhân.

Năm 2016, anh được chuyển tới Bệnh viện Đại học Y tế Dhaka cùng vợ Halima Khatun và cô con gái 3 tuổi Jannatul. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật đặc biệt. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2018, anh Bajandar được điều trị loại bỏ 6kg mụn cóc, vảy ra khỏi cơ thể.

Mụn cóc khổng lồ mọc đầy tay chân, vận nghèo đeo bám người cây Bangladesh - 2

Anh Bajandar từng được phẫu thuật nhiều lần để loại bỏ gần 6kg mụn trên tay, chân (Ảnh: SCMP).

"Lần đầu tiên được ôm con gái, cảm nhận làn da con, khiến tôi trở thành người cha hạnh phúc nhất thế giới", anh vui vẻ cho biết.

Nhưng niềm vui ấy không kéo dài bao lâu. Chỉ vài tháng sau, mụn cóc và vảy bắt đầu mọc trở lại. Trước đó, các bác sĩ từng cảnh báo việc điều trị có thể kéo dài suốt đời.

"Tôi biết đây là căn bệnh di truyền và không có cách nào chữa trị triệt để. Nhưng tôi không ngờ bệnh lại trở nặng hơn và đến nhanh hơn như vậy", người đàn ông Bangladesh nói.

Vận nghèo đeo bám dai dẳng

Do đại dịch Covid-19, Bajandar phải trở về quê hương Khulna và ngừng điều trị. Chỉ vài tháng sau, mụn cóc to khổng lồ lại xuất hiện dày thêm. Chỉ trong vòng 3 năm, chúng to tới mức còn lớn hơn cả thời điểm trước khi phẫu thuật.

Mụn cóc khổng lồ mọc đầy tay chân, vận nghèo đeo bám người cây Bangladesh - 3
Mọi sinh hoạt của anh đều phụ thuộc vào vợ (Ảnh: SCMP).

Đặc biệt, bàn chân của anh bị mọc vảy nhiều hơn. Mỗi bước chân, trọng lượng cơ thể kéo căng bàn chân, làm rách da và chảy máu. Để tránh bị nhiễm trùng, anh phải dùng thêm thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau.

"Tôi không sống nổi nếu thiếu thuốc giảm đau, thậm chí cần liều lượng cao hơn và ngốn rất nhiều tiền", anh nói. Nhưng bất chấp các loại thuốc, ngón tay chân của Bajandar vẫn sưng tấy, đầy vết cắt.

Bệnh tật dai dẳng khiến Bajandar cảm thấy như bị kết án chung thân trong chính cơ thể mình. Anh thấy bản thân vô dụng, không thể làm việc để nuôi sống gia đình, phụ thuộc hoàn toàn vào vợ. Chị Halima Khatun không có nghề ổn định, kiếm tiền bằng nghề thợ may và chăn vịt.

Không thể chịu đựng thêm, anh cầu xin các bác sĩ ở bệnh viện địa phương, thậm chí là phòng khám tư, giúp mình "chặt bớt" tứ chi.

"Tôi biết có những người vẫn sống mà không còn tay chân. Điều này tốt hơn là sống trong đau đớn triền miên. Nhưng tôi luôn bị từ chối. Không loại trừ khả năng một ngày nào đó tôi sẽ làm điều gì đó điên rồ", anh tâm sự.

Mụn cóc khổng lồ mọc đầy tay chân, vận nghèo đeo bám người cây Bangladesh - 4

Để tránh bị nhòm ngó, mỗi lần cần ra ngoài, anh Bajandar phải lấy khăn che kín tay chân (Ảnh: SCMP).

Hiện cuộc sống của anh Bajandar hầu như chỉ gói gọn bên chiếc giường ngủ và chiếc ghế nhựa màu đỏ để ngồi ngoài hiên khi mặt trời lặn.

"Trước kia, tôi còn lết được vào thành phố đi ăn xin, nhặt nhạnh khoảng 3.000 taka (hơn 660.000 đồng) mỗi ngày. Tôi chấp nhận mọi sự sỉ nhục và cười nhạo, miễn sao nuôi được gia đình. Còn giờ chân to thế này, muốn đi lại cũng khó nên chỉ biết nằm liệt giường", anh bộc bạch.

Dù cuộc sống ngày càng chật vật, nhưng chị Khatun khẳng định "sẽ không bao giờ bỏ rơi chồng". Chị đã cho 2 con gái đi kiểm tra di truyền và được xác nhận hai bé không mắc bệnh giống cha.

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để con cái được đi học, có tương lai hơn cha mẹ", chị Khatun nói.