Quảng Ngãi:

Mùa tuốt lúa sống nhờ… "nước trời" ở Quảng Ngãi

Quốc Triều

(Dân trí) - Hạt lúa được gieo vào những nương rẫy lưng chừng đồi rồi tự sinh trưởng mà không hề được chăm sóc. Cây lúa nhờ "nước trời" để sinh trưởng, phát triển suốt 4 - 5 tháng mới chín vàng ươm những quả đồi.

Tháng 10 âm lịch, những rẫy lúa trên triền đồi ở vùng cao Quảng Ngãi bắt đầu vàng ươm. Người dân lại náo nức rủ nhau đi tuốt lúa rẫy.

Mùa tuốt lúa sống nhờ… nước trời ở Quảng Ngãi - 1

Lúa rẫy chín vàng ươm những triền đồi ở vùng cao Quảng Ngãi.

Lúa rẫy có thời gian sinh trưởng rất dài, thường từ phải từ 4 - 5 tháng mới chín. Hàng năm cứ đến khoảng tháng 4 - 5 âm lịch, người dân bắt đầu gieo hạt.

Đàn ông đi trước dùng cây nhọn chọc xuống đất tạo lỗ nhỏ, phụ nữ đi sau bỏ hạt vào lỗ rồi lấp lại. Đồng bào vùng cao chỉ cần gieo hạt rồi phó mặc cho cây lúa tự phát triển.

Dưỡng chất ít ỏi từ đồi núi khô cằn, cùng với nước mưa giúp cây lúa sinh trưởng. Người dân vùng cao bảo cây lúa sống nhờ "nước trời".

Mùa tuốt lúa sống nhờ… nước trời ở Quảng Ngãi - 2

Bông lúa rẫy to, hạt gạo có màu nâu, thơm và cơm dẻo.

Những ngày này, lúa rẫy trên triền đồi ở xã Hương Trà (huyện Trà Bồng) đã vàng ươm. Từ sáng sớm, người dân đeo gùi lên núi thu hoạch lúa. Khác với lúa nước, lúa rẫy được thu hoạch bằng cách dùng tay tuốt từng bông. Người vùng cao quan niệm, phải dùng tay tuốt nhằm thể hiện sự nâng niu với từng bông lúa.

Mùa tuốt lúa sống nhờ… nước trời ở Quảng Ngãi - 3

Người dân vùng cao dùng tay tuốt từng bông lúa rẫy.

Sau gần một giờ "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trên đồi, chị Hồ Thị Ba đã tuốt được một gùi lúa rẫy. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây lúa rẫy phát triển tốt, bông dày, hạt căng tròn. Chị Ba dự tính, tuốt hết rẫy được chừng khoảng 6 bao lúa (mỗi bao gần 50 kg).

"Năm nay lúa tốt, lại ít bị thú rừng phá hoại nên nhà nào cũng nhiều lúa. Lúa nhiều nên ai cũng vui", chị Ba chia sẻ.

Mùa tuốt lúa sống nhờ… nước trời ở Quảng Ngãi - 4

Cây lúa không được chăm sóc nên sản lượng chỉ bằng 1/4 so với giống lúa trồng ở đồng bằng.

Cây lúa rẫy sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, không phân bón, không thuốc trừ sâu nên năng suất thấp hơn lúa nước.

Tuy nhiên hạt lúa to, có mùi thơm, cơm dẻo. Chính vì vậy, gạo lúa rẫy từ lâu đã trở thành một loại đặc sản sạch của vùng cao, giá bán cao hơn so với các loại gạo thông thường.

Trong lúc thu hoạch, người dân chọn những bông lúa đẹp nhất làm giống cho mùa vụ sau. Khi những rẫy lúa đã được tuốt hết là bắt đầu Tết Ngã rạ. Đây là dịp để người dân tạ ơn Thần lúa giúp mùa màng bội thu, dân làng no đủ.

Mùa tuốt lúa sống nhờ… nước trời ở Quảng Ngãi - 5

Cây lúa rẫy vừa giúp người dân no đủ, vừa là một nét văn hóa không thể tách rời trong đời sống người dân vùng cao Quảng Ngãi.

Ông Hồ Văn Trị (huyện Trà Bồng) nói, năng suất cây lúa rẫy chỉ bằng khoảng 1/4 cây lúa ở đồng bằng. Tuy vậy, cây lúa rẫy có thể phát triển tốt trên đất đồi núi cằn cỗi, thiếu nước. Do đó, cây lúa rẫy luôn được người vùng cao bảo tồn.

"Giống lúa rẫy được giữ từ đời này qua đời khác. Với người Cor, cây lúa rẫy không chỉ mang đến sự no đủ mà còn là một nét văn hóa không thể tách rời", ông Trị nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm