ĐBSCL:
Mưa, nắng thất thường, nông dân miền Tây lo thất thu vụ hoa Tết
(Dân trí) - Những ngày qua, thời tiết tại đồng bằng sông Cửu Long có nhiều biến đổi thất thường khiến cho nông dân trồng hoa, kiểng phục vụ thị trường Tết đang rất lo lắng, như “ngồi trên đống lửa”.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Mậu Tuất 2018, thế nhưng nhiều vườn hoa vẫn đang chịu cảnh sâu bệnh tấn công, mưa lớn khiến cành lá bị hư hại, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của hoa. Để đối phó với sự bất lợi của thời tiết, các hộ trồng hoa đã sử dụng nhiều biện pháp khiến chi phí sản xuất tăng cao, nhưng hiệu quả vẫn chưa khả quan.
Ghi nhận tại Làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) và huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), nông dân đang tất bật vào giai đoạn “nước rút” cho vụ hoa Tết. Thế nhưng, mấy ngày qua, mưa nắng thất thường, gây ảnh hưởng đến “sức khỏe” của hoa, kiểng.
Nông dân Hồ Văn Mười (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) với gần 30 năm trong nghề sản xuất hoa, nhưng năm nay vẫn phải ngán ngẫm, lắc đầu.
“Thời tiết năm nay khắc nghiệt quá, đến nay mà vẫn còn mưa kéo dài và nặng hạt, khiến hoa bị dập lá, gãy cành. Nếu từ nay đến lúc xuất bán, thời tiết nắng tốt thì vườn hoa 10.000 chậu của tôi cũng như nhiều vườn hoa khác của bà con có thể nở đúng dịp tết. Còn không, phải đợi qua tết mới bán được, nhưng giá sẽ thấp hơn gấp đôi”.
Theo tính toán, bình quân chi phí đầu tư 1 chậu hoa khoảng 15.000-20.000 đồng (tùy loại), nếu đến Tết bán được từ 30.000 đồng/chậu trở lên, sẽ có lời. Riêng cúc mâm xôi đầu tư cao hơn và giá bán phải từ 50.000- 80.000 đồng/chậu mới đảm bảo lợi nhuận.
Tuy nhiên, năm nay để kịp bán hoa vào dịp Tết, các chủ vườn phải dùng nhiều cách để thúc đẩy quá trình phát triển của hoa nhanh hơn. Người trồng phải tăng cường bón phân và dùng nhiều biện pháp để cứu vãn tình hình hình. Chi phí và công sức đầu tư tăng từ 20 – 30% so với mọi năm.
Anh Huỳnh Văn Nghĩa (làng hoa Sa Đéc) đang tất bật chăm sóc cho gần 10.000 chậu hoa các loại như: cúc đồng tiền, hoa tình yêu, hoa dừa…. Theo anh Nghĩa, năm nay gia đình anh đầu tư gần 100 triệu đồng để sản xuất hoa bán Tết. Vụ hoa này, anh Nghĩa cũng như các hộ sản xuất hoa khác tại miền Tây Nam bộ chỉ mong lúc bán ra được giá cao để bù lại chi phí sản xuất đầu vào. Từ phân bón, giá thể, rơm, chi phí nhân công… đều tăng. Kèm theo đó, là mưa kéo dài rất có thể sẽ khiến cho hoa “ngủ đông”, nở sau Tết.
Để hạn chế việc ảnh hưởng của thời tiết thất thường, gia đình anh Nghĩa và nhiều hộ dân khác bỏ ra một khoảng tiền lớn để làm hệ thống nhà lưới để che mưa cho hoa, kiểng. Thế nhưng, hiệu quả mang lại vẫn chưa thật sự cao.
Theo số liệu báo cáo của Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, năm nay trên địa bàn có khoảng 100ha sản xuất hoa tết với khoảng 2 triệu chậu hoa, kiểng. Trong đó, chủ lực là 190.000 chậu cúc mâm xôi và các loại hoa hồng và hoa treo giàn, hoa nở… So với năm 2016, diện tích sản xuất hoa, kiểng trên địa bàn tăng từ 485ha lên 506ha, cùng với đó là sự phát triển dự án du lịch kết hợp sản xuất hoa, của các Hợp tác xã và người dân để phục vụ cho du khách đến tham quan vào dịp Tết.
Ông Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) đang phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để thuê nhân công cố định các cành cúc vào giá tựa, tránh để gió và mưa làm gãy cành. Theo ông Phong, năm nay thị trường hoa Tết sẽ khan hàng, dự kiến giá sẽ tăng cao. Một chậu cúc pha lê do gia đình ông Phong sản xuất năm rồi, có giá bán ra từ 1 đến 2 triệu đồng/cặp (tùy vào kích cỡ).
Anh Bình - một hộ dân trồng hoa lâu năm ở Làng Hoa Phó Thọ (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cho biết: "Hai ngày qua trời có mưa lớn, đáng nói trời lại mưa ban đêm nên ảnh hưởng rất lớn đến các hộ dân trồng hoa, nhất là trong gai đoạn này. Bây giờ ngoài việc chăm bón, cắt ngọn tỉa cành, bà con cầu mong cho thời tiết thuận lợi để hoa ra đúng dịp tết... bán có giá, không bị thu lỗ khi hoa ăn tết sớm hoặc muộn".
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho biết, nhiều nhà vườn trồng hoa, kiểng phục vụ thị trường Tết trên địa bàn đã bán hết sản phẩm. Hiện đã có hơn 70% sản phẩm mai vàng của nhà vườn huyện Chợ Lách (Bến Tre) được thương lái tìm đến đặt mua. Theo các chủ vườn cho biết, giá bán mai vàng năm nay tăng hơn 30% đến 40% so với năm trước.
Năm nay, toàn huyện Chợ Lách có khoảng 8 triệu chậu hoa, kiểng cung ứng thị trường Tết, các loại cúc mâm xôi, cúc tiger, vạn thọ, hoa treo giàn, mai vàng, tắc kiểng… đã và đang được người nông dân chăm sóc nhằm đảm bảo cho hoa kiểng tươi tốt và nở bông đúng dịp tết.
“Ngành chức năng khuyến cáo bà con trồng hoa, kiểng Tết nên chú ý, xử lí tốt độ ẩm cho hoa, phải kê chậu lên giá cao, tránh để hoa bị úng rễ do ngập mưa. Song song đó, phải thực hiện tốt khâu phòng trừ sâu bệnh và đảm bảo dinh dưỡng cho hoa, kiểng…”, ông Liêm, cho biết.
Nguyễn Hành