Một tuần nhận 5 thiệp mời, cô gái chỉ mừng cưới người thân để không "bị lỗ"

Hồng Anh

(Dân trí) - Nếu mừng cưới cả 5 cặp đôi, Huyền Trang dự tính số tiền mừng cưới có thể "ngốn" hết tiền lương một tháng của cô. Cô gái buộc phải cân nhắc các mối quan hệ để đưa ra phương án mừng hay không mừng tiền.

Mừng cưới hết cả tháng lương

Chỉ trong vòng tuần cuối tháng 9 âm lịch, Huyền Trang (27 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội) nhận được 4 thiệp mời và 1 lời mời cưới qua điện thoại. Cô gái nhẩm tính, nếu tới dự và mừng quà cưới cho cả 5 cặp đôi, cô sẽ phải sử dụng gần hết tháng lương.

"Với đám cưới thông thường, tiền mừng sẽ là 500.000 đồng, đám cưới của người trong gia đình, họ hàng hay bạn thân tôi sẽ mừng từ 1 triệu đồng trở lên", Huyền Trang cho hay.

Sau khi cân nhắc, Trang lựa chọn sẽ không đi đám cưới bạn đại học, bạn cấp 3 vì rất ít khi liên lạc. Cô gửi khoản tiền mừng mang tính tượng trưng tới đồng nghiệp cùng cơ quan vì thi thoảng vẫn chạm mặt. 

Một tuần nhận 5 thiệp mời, cô gái chỉ mừng cưới người thân để không bị lỗ - 1

Ngoài thiệp mời giấy, Trang còn nhận được thiệp mời online (Ảnh: Hồng Anh).

"Tôi chỉ tới dự đám cưới họ hàng vì chắc chắn sau này họ hàng sẽ dự đám cưới của tôi. Còn những cô dâu, chú rể mang tiếng là bạn bè nhưng chưa chắc tôi sẽ mời lại khi cưới. Nên tốt nhất không mừng để không "bị lỗ" sau này. Hiện tại, tôi còn chưa có kế hoạch kết hôn", Trang nói.

Làm việc tại Hà Nội nhưng Thùy Chi thường xuyên nhận được thiệp cưới của bạn bè ở quê. Vì không thể liên tục về quê chỉ để dự đám cưới, Chi gửi bố mẹ một khoản tiền để bố mẹ chủ động thay cô mừng cưới.

"Cứ có thiệp mời gửi tới nhà, bố mẹ tôi lại đóng phong bì đi mừng thay tôi. Có khi bố mẹ thông báo với tôi, nhưng có lần nhiều việc quá, bố mẹ không kịp thông báo mà tự mừng rồi ghi lại vào sổ. Khi về quê xem lại sổ, tôi thấy có người bạn lớp 9, suốt 5 năm không liên lạc vẫn gửi thiệp mời", Thùy Chi kể.

Từ đó, Chi thống nhất không mừng cưới người đã lâu không liên lạc hay kém thân thiết. Tuy nhiên, bố mẹ cô lại thấy ái ngại và cho rằng ai mời cưới cũng nên mừng rồi ghi chép lại, sau này Chi cưới thì "đòi" lại.

Hai năm nay, cứ đến những tháng cuối năm, Trần Thúy Mai (29 tuổi, ở Ý Yên, Nam Định) lại dồn dập đi dự đám cưới bạn bè, người thân.

"Những bạn bè, đồng nghiệp tôi chơi đều ở trong độ tuổi kết hôn. Cuối năm các đám cưới, lễ mừng tân gia… tổ chức liên tiếp. Mừng tiền chẳng qua là chuyện có đi có lại. Bây giờ mình mừng tiền họ, sau này mình cưới họ cũng đi lại thôi.

Vậy nên với những người không quá thân thiết, tốt nhất không mừng để tránh nợ nần sau này. Nếu giờ mừng mà mấy năm không liên lạc, mình ngại không mời lại thì sau này thì chỉ có lỗ", Mai nêu quan điểm.

Một tuần nhận 5 thiệp mời, cô gái chỉ mừng cưới người thân để không bị lỗ - 2

Mỗi lần trong làng có đám cưới, cả gia đình Mai lại nhận được cả xấp giấy mời (Ảnh minh họa: Hồng Anh).

Cắt giảm chi tiêu gia đình vì tiền mừng cưới

Anh Phạm Hữu Việt (ở Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) cho biết, chỉ nhận được 2 thiệp mời trong tháng nhưng số tiền anh mừng cưới cũng lên tới hơn 10 triệu đồng.

"Chú rể đều là bạn bè thân thiết của tôi. Một người khi tôi cưới đã mừng 1 chỉ vàng, người còn lại không dự đám cưới của tôi vì khi ấy chúng tôi chưa quen nhau. Tuy nhiên, vài năm qua, em ấy rất thân thiết với tôi nên tôi dự định sẽ mừng từ 2-3 triệu đồng", anh Việt cho hay.

Theo anh Việt, khoản tiền mừng cưới tốn khoảng 60% lương của anh. Khi trích lương dành mừng đám cưới và đưa cho vợ chi tiêu gia đình, anh chỉ còn 1 triệu đồng cho bản thân trong tháng.

Anh Việt chia sẻ, vào những năm anh trên dưới 30 tuổi, thường nhận được rất nhiều lời mời cưới khi bạn bè, đồng nghiệp cùng độ tuổi dồn dập cưới.

"Lúc đầu, khi nhận được lời mời, ai cưới tôi cũng gửi tiền mừng dù có những người chỉ mới gặp 2-3 lần, có người bạn mấy năm không gặp. Tuy nhiên, khi thấy cả nhà phải cắt bớt chi tiêu cơ bản trong tháng vì các đám cưới, vợ chồng tôi đã bàn bạc lại", anh Việt nói.

Theo đó, cả hai thống nhất mừng trung bình 500.000 đồng cho những người thân quen thường xuyên gặp gỡ, kết giao, 1 triệu đồng cho họ hàng. Riêng với những mối quen biết sơ sơ, họ không đến dự đám cưới hoặc chỉ gửi phong bì 200.000-300.000 đồng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Nhà nghiên cứu văn hóa - Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, mừng cưới vốn là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng có từ thời xưa nhằm bày tỏ sự chúc phúc tới cô dâu, chú rể và gia đình của họ.

Tuy nhiên, qua thời gian, việc mừng cưới dần biến tướng, làm giảm đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có. Nhiều người khi mừng cưới thường so đo thiệt hơn, sợ "bị lỗ" sau này.

"Việc mừng cưới nên tùy theo điều kiện của từng người. Mừng 100.000 đồng cũng có thể xem là nhiều với những người có điều kiện kinh tế khó khăn. Nên xem số tiền mừng như một món quà có ý nghĩa về mặt tinh thần hơn về mặt vật chất", TS Nguyễn Ánh Hồng nói.

Cũng theo chuyên gia này, đám cưới là sự kiện vui. Đã vui thì ai cũng nên hoan hỉ, từ người mời cưới đến người dự đám cưới. Nếu nặng nề chuyện hơn thiệt là mỗi người tự mua dây buộc mình và hạ thấp bản thân mình.

"Trong đám cưới, người tổ chức không nên câu nệ, trước đây mình cưới, người ta mừng 1 triệu thì giờ mình cũng phải "trả" khoản tương đương. Người đi dự đám cưới cũng không nên băn khoăn, nâng lên hạ xuống rằng mình mừng từng ấy thì sau này có bị thiệt, "bị lỗ" không?.

Quan trọng là tấm lòng của người được mời cưới. Sự hiện diện của khách mời cho thấy bản thân họ thực sự muốn chúc phúc và chia sẻ niềm vui với cô dâu chú rể. Nên nhìn nhận ở phương diện tình cảm hơn là phương diện vật chất", TS Nguyễn Ánh Hồng nhấn mạnh.

Liên quan đến tình huống nhận được lời mời cưới từ những người không mấy quen biết, nhà nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, người được mời cưới không nên tỏ thái độ trách móc hay giận dỗi.

Thay vào đó, nên lựa chọn cách ứng xử khéo léo. Mỗi người có quyền tự do lựa chọn tham dự, gửi quà mừng hoặc không tham dự. Nếu không muốn tham dự, có thể gửi một lời chúc phúc qua tin nhắn hay qua điện thoại rồi viện cớ bận việc không thể đến.

(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm