An Giang:
Mồ hôi chan cơm theo nghề chẻ đá ở bãi Cô Tô
(Dân trí) - Không có đất vườn, học thì chưa biết đọc đã “ra trường”, bôn ba làm mướn, làm thuê khắp nơi rồi trôi dạt về mảnh đất Cô Tô, bám vào bãi đá kiếm cơm qua ngày. Đánh đổi những chén cơm là sự tàn phế và bệnh tật…
Nằm cạnh con đường bị “băm nát” do những chiếc xe tải lớn nhỏ, bãi đá Cô Tô thuộc ấp Sóc Triết và Huệ Đức, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn (An Giang). Nơi mà lúc nào cũng nghe tiếng lóc cóc, leng keng của những người phu đá miệt mài “chẻ đá kiếm cơm”…
“Cập bến” xóm nghèo
Vào nghề năm 13 tuổi, ông Trần Văn Thái ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, đã mưu sinh hết bãi đá này đến bãi đá khác. Đến năm 1996 bãi đá huyện Thoại Sơn bị cấm khai thác nên ông tìm về bãi đá Cô Tô làm nghề. Ở bãi đá này, ông Thái chỉ mong muốn có tiền mua thuốc cho vợ, và nuôi các con đang tuổi đến trường.
Tâm sự với chúng tôi ngay trong “túp liều dã chiến” được làm bằng chiếc bạt cũ rách của mình, ông Thái không giấu khỏi sự tiếc nuối khi nhắc đến chuyện phải nuốt nước mắt cho 2 đứa con gái lớn nghỉ học, đi làm xí nghiệp, kiếm tiền trị bệnh thận cho mẹ. Ngồi trên tản đá đang chẻ dở ông Thái thở dài: “Ngày nào thuận đá thì kiếm được khoảng 200.000 đồng, còn gặp đá khó thì chỉ được 100.000 đồng”. Với số tiền ít ỏi kiếm được chỉ đủ tiền chi tiêu hàng ngày, còn nếu mưa bão kéo dài vài ngày liền là cả nhà phải chịu đói.
Theo quan sát của chúng tôi, thì trong chiếc giỏ đồ nghề của ông Thái có hơn mười cái đục và 1 cái búa lớn, 1 búa nhỏ (tùy công đoạn mà sử dụng đục và búa phù hợp) và một khúc ống nhựa dài khoảng 5 tất, và khoảng 10 con nêm. Chia sẻ về cái nghề “xẻ thịt” đá của mình ông Thái cho biết: “Trước tiên phải lựa chọn hướng đục sao cho thuận đá, sau đó chẻ thành từng cây cột bằng cách đục thành lỗ vừa con nêm sau đó dùng ống nhựa thổi sạch lỗ nêm, kế tiếp dùng búa tạ tác động lên con nêm để tảng đá chẻ ra như mong muốn.
Ngoài ra, tại bãi đá ngoài việc đục bằng tay, có một số thợ chuyển sang cắt đá bằng máy, nhưng cuộc sống của họ vẫn không khá hơn.
Đang ngồi thay lưỡi cho máy cắt, ông Nguyễn Văn Lan (49 tuổi) ở xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn chia sẻ: “Do tuổi đã cao, cộng với bệnh thấp khớp lâu năm nên không thể đục bằng tay nổi như trước. Nhưng nhà không có ruộng đất, lại chẳng biết chữ nghĩa gì, suy đi tính lại tôi hỏi mượn 3 triệu đồng, để mua chiếc máy cắt đá này về mưu sinh”.
Ông Lan cho biết, việc cắt bằng máy thì tương đối nhanh hơn, nhưng phải bỏ ra chi phí tiền điện, và lưỡi cắt (từ 140.000 – 180.000đ/lưỡi/tuần), nên ngày cũng chỉ kiếm được khoảng 180.000 - 200.000 đồng. Nhưng vì có khi thiếu đá nên phải nghỉ cả tháng. Thời gian này cả nhà phải vay mượn khắp nơi, để có cái ăn qua ngày.
Bệnh tật bủa vây người phu đá
Được ông Thái chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến với gia đình anh Lê Công Thức (37 tuổi), nhà gần bãi đá, là một phu đá đã “giải nghệ” vì căn bệnh lao phổi. Nói về bệnh tình mình anh Thức buồn bã: “Nhà nghèo không có ruộng đất nên tôi theo nghề đá từ nhỏ, đến năm 30 tuổi thì mắc bệnh lao phổi. Sau khi điều trị một thời gian bệnh tình có phần giảm, nhưng vì cái ăn nên quay về bãi đá làm lại, nay bệnh tái phát nặng, phải nghỉ nằm ở nhà.”
Trước đây là thợ đục tay, nay do tuổi đã lớn nên vợ chồng Huỳnh Văn Truyền ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn đã chuyển sang cắt đá bằng máy. Cho chúng tôi xem những vết thâm đen chi chít trên cổ, tay, bụng…ông Truyền nói: “Cắt bằng máy thì tương đối khỏe hơn đục tay, nhưng dễ bị những mảnh mẻ của lưỡi cưa, và đá vụng văng trúng tay, mặt,… đặc biệt nguy hiểm nhất là mắt. Nhưng do nghèo quá, không có điều kiện để đi bác sĩ mổ lấy ra.”
Như để chứng minh cho lời nói của chồng, vợ ông Truyền còn cho biết thêm, tháng trước có anh kia trong lúc cắt đá bị đá văng trúng ngay mắt, bị mù luôn. Cũng như vào thời gian trước, có hôm trời mưa nhưng 2 vợ chồng vẫn cố gắng làm việc, dẫn đến việc nước mưa ướt dây điện, khiến anh Truyền bị điện giật ngã, may là ngắt kịp nguồn điện.
Với mỗi trụ đá nặng 200kg với 4 người gánh thì mỗi lượt họ được 2.000 đồng.
Ngoài việc cắt, chẻ đá tại bãi còn nhiều lao động khác phụ trách việc gánh đá thành phẩm. Với một trụ đá khoảng 200kg với 4 người gánh thì mỗi lượt họ được 2.000 đồng. Đang nghỉ tay, hút thuốc, anh Trần Phước Hậu quê ở thị trấn Núi Sập cho biết: “Mỗi ngày làm việc tôi được khoảng 120.000 - 150.000 đồng. Đủ tiền để trang trải cho gia đình, nhưng tối về có đêm không ngủ được vì toàn thân tê nhức, uể oải, lâu dần thành đau khớp”.
Tuy phải làm việc nặng nhọc trong môi trường đầy bụi đá nhưng toàn bộ những phu đá nơi đây đều không sử dụng đồ bảo hộ lao động và do đa phần họ là những người nghèo nên việc chăm lo cho sức khỏe ít được quan tâm. Từ đó, dẫn đến việc mắc phải một số căn bệnh như lao phổi, đau khớp,…
Theo ông Chau An, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cô Tô cho biết: “Trên địa bàn có 3 công ty, xí nghiệp với 36 đại lý có khoảng 250 công nhân làm việc tại các bãi đá. Việc nặng nhọc này không chỉ có nam giới mà phụ nữ cũng tham gia. Mặc dù các công đoạn hiện nay được thực hiện bằng máy móc nhưng còn vài chục hộ lao động bằng thủ công nên mắc phải các bệnh như: đau khớp, viêm phổi…”
Nguyễn Hành - Nguyễn Trần