Mặt trái của mì ăn liền
(Dân trí) - Mì ăn liền được các nhà khoa học đánh giá cao về mức độ tiện dụng nhưng lại vô cùng thấp về thành phần dinh dưỡng. Những cảnh báo sức khỏe dưới đây sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại việc có nên ăn món này liên tục hay không.
Hư hại hệ tiêu hóa, tổn thương dạ dày
Phải mất rất nhiều thời gian mì ăn liền mới có thể tiêu hóa được. Theo một nghiên cứu do bác sĩ Braden Kuo, Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) thực hiện cho kết quả: Sau hai tiếng, mì ăn liền vẫn còn nguyên sợi, điều này khiến bộ máy tiêu hóa của chúng ta phải làm việc cật lực gấp nhiều lần so với bình thường.
Bản thân mì ăn liền không hề có các chất có lợi cho sức khỏe, mì ăn liền khó tiêu và ảnh hưởng tới sự hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Người ăn mì ăn liền thường xuyên sẽ có cảm giác đầy bụng và gặp các triệu chứng ợ nóng, tiêu chảy, táo bón, đau dạ dày. Các chất béo bão hòa và thành phần không lành mạnh khiến hệ tiêu hóa bị tổn thương theo thời gian.
Hại gan, gây sỏi thận
Trong mì ăn liền có chứa hàm lượng muối lớn, khi ăn bạn sẽ vô tình làm hại thận, thậm chí ăn nhiều có thể gây sỏi thận. Ngoài ra, mì ăn liền còn chứa một chất giúp cải thiện mùi vị thức ăn là phosphate. Chất này dễ khiến răng chúng ta bị yếu dần đi, nếu dùng nhiều dễ bị loãng xương.
Theo Boldsky, mì ăn liền cũng chứa nhiều chất propylene glycol, đây là chất giữ ẩm giúp ngăn ngừa mì khô. Các hóa chất độc hại này khi vào cơ thể sẽ gây áp lực lớn cho gan và thận. Lâu ngày, các tổn thương tích tụ có thể dẫn đến các bệnh gan, thận nghiêm trọng.
Gây béo phì
Hầu hết mì ăn liền được làm bằng bột maida - một loạt bột mì chưa được tẩy trắng. Loại bột này có hương vị phong phú hơn nhưng lại không có bất kỳ chất dinh dưỡng nào. Theo Tiến sĩ Simran Saini (Bệnh viện Fortis, New Delhi, Ấn Độ, "maida kết hợp với các chất bảo quản trong mì ăn liền có thể dẫn đến bệnh béo phì ở con người".
Theo nghiên cứu được đăng tải trên The Washington Post kết luận rằng, tiêu thụ mì ăn liền quá nhiều không chỉ gây ra bệnh béo phì mà còn gây ra các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, huyết áp cao, tăng huyết áp, bệnh tim .
Giảm trao đổi chất
Để ngăn chặn mì dính lại với nhau, mì ăn liền được bao phủ một lớp sáp (mỡ). Bạn có thể nhìn thấy rõ khi đổ nước nóng vào mì, sau một thời gian, sáp sẽ nổi trên mặt nước.
Lớp sáp này bám vào thành ruột, thàng dạ dày gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa như táo bón, đầy bụng. Các chất này cản trở hoạt động trao đổi chất của cơ thể, khiến chất béo tích tụ và gây béo phì.
Các chuyên gia y tế còn đưa ra cảnh báo, người thường xuyên ăn mì ăn liền có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp.... Nguyên nhân là trong mì ăn liền có rất nhiều thành phần chất béo như transfat và chất béo bão hòa.
Hơn nữa, việc sử dụng các chất phụ gia natri là lý do chính tại sao mì ăn liền có hàm lượng natri cao. Tiêu thụ mì ăn liền thường xuyên có thể làm cho lượng natri tiêu thụ quá mức bình thường gây các vấn đề xấu tới sức khỏe.
Nhữ Trang