Mất ngủ tuổi tứ tuần

Dù dặm thêm nhiều phấn hồng nhưng nhìn vào gương, chị Minh vẫn không khỏi buồn bã khi thấy khuôn mặt mệt mỏi, hốc hác với đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ.

Bước qua tuổi 40, cuộc sống, công việc của chị Minh đang đến tiến triển tốt, tinh thần thoải mái nhưng không hiểu sao, thời gian gần đây, chị thường xuyên rơi vào trạng thái khó, mất ngủ. Nhiều đêm, tới gần 1 giờ sáng, chị vẫn trằn trọc. Có hôm, tuy không trằn trọc và không khó ngủ nhưng chị lại ngủ không sâu và hay thức giấc lúc nửa đêm, rồi thức luôn đến sáng... Cũng vì giấc ngủ chập chờn nên gần như suốt cả ngày hôm sau, chị rơi vào trạng thái mệt mỏi, đầu óc mụ mị, không muốn làm hay nghĩ về bất cứ việc gì...

Mặc dù, nhiều lần chị Minh đã uống cả thuốc ngủ để dỗ giấc nhưng cứ hễ ngưng thuốc thì y như rằng đêm đó lại trằn trọc, thao thức. Cảm giác khổ sở vì mất ngủ tạo thành một ám ảnh, khiến chị thấy sợ mỗi khi màn đêm buông xuống.


Việc dùng thuốc ngủ thường xuyên dễ dẫn đến nguy cơ ‘nghiện’ thuốc ngủ hoặc ‘nhờn thuốc’. Ảnh minh họa: internet

Việc dùng thuốc ngủ thường xuyên dễ dẫn đến nguy cơ ‘nghiện’ thuốc ngủ hoặc ‘nhờn thuốc’. Ảnh minh họa: internet

Thực tế, những trường hợp mắc chứng khó hoặc mất ngủ khi bước vào độ tuổi giống như chị Minh không ít. Do giấc ngủ chính là quá trình ức chế lan tỏa có tác dụng bảo vệ vỏ não, giúp cơ thể phục hồi sức lực, tăng cường thu nạp các chất dinh dưỡng vào cơ thể, khôi phục sức khỏe bị hao tổn trong lúc thức nên mất, thiếu ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Người bị mất ngủ có thể bị giảm sút trí nhớ, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc.

Với một người trưởng thành, thời gian ngủ một ngày tối thiểu là 8 tiếng. Nếu ngủ không đủ giấc hay mất ngủ kéo dài, có thể gây ra các bệnh giảm trí nhớ, tăng huyết áp, tim mạch, béo phì, chứng trầm cảm.

Có nhiều lí do gây mất ngủ, song ở tuổi trung niên, một trong những nguyên nhân quan trọng là vì sự thay đổi của nội tiết tố. Nhiều trường hợp khi bị mất ngủ đã dùng các thuốc ngủ để có được giấc ngủ ngon nhưng việc dùng thuốc ngủ thường xuyên dễ dẫn đến nguy cơ "nghiện" thuốc ngủ hoặc "nhờn thuốc".

Theo các bác sĩ, để hạn chế tình trạng khó, mất ngủ, trước tiên chị em nên tìm cách giảm thiểu những lo âu, căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chị em cần tránh uống cà phê ít nhất 8 tiếng trước khi đi ngủ, tránh uống rượu với mục đích giúp ngủ (bởi rượu có thể giúp dễ đi vào giấc ngủ nhưng sẽ làm thức giấc vào nửa sau của giấc ngủ)... Ngoài ra, chị em nên tập thể dục, vận động hợp lý; đồng thời, tạo điều kiện thoải mái nhất cho giấc ngủ: Phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh... Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài khoảng 2-3 tuần, chị em nên đi khám để được hướng dẫn cách khắc phục thích hợp.

Theo Phụ nữ Việt Nam