Thanh Hóa:
Mật mía xứ Thanh tất bật vào vụ Tết
(Dân trí) - Bao đời nay, người dân ở xã Thành Kim, Thạch Sơn (Thạch Thành) hay xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy) giữ gìn và phát triển được nghề làm mật mía vào mỗi độ tết đến. Mật mía không chỉ có mặt ở các gia đình xứ Thanh như thứ “đặc sản” mà còn có mặt ở các tỉnh bạn như Nam Định, Thái Bình…
Tết cổ truyền của dân tộc Việt không thể thiếu hương vị của bát chè cung tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng chạp, không thể thiếu bát mật mía sóng sánh, thơm ngọt bên cạnh đĩa bánh chưng, bánh gai, làm chè lam. Bởi vậy, ngay từ những ngày cuối tháng 9, khi những cơn gió heo may bắt đầu thổi cũng là lúc những lò mật mía ở Thạch Thành, Cẩm Thủy lại tất bật đỏ lửa cho đến tháng 2 âm năm sau.
Dù những ngày này, giữa cái rét cắt da cắt thịt nhưng đi dọc hai bên đường thôn 1, thôn 2, Lâm Thành xã Thành Kim chúng tôi cảm nhận được không khí ấm áp, nhộn nhịp ở các lò nấu mật mía.
Những chiếc xe tải vận chuyển mía đến các lò mật, những chiếc máy ép mía đều đều chạy, những người nông dân vừa đảo chảo mía đang nấu trên lò vừa nói cười khiến cho ai nấy đều cảm thấy không khí tết như đang đến rất gần.
Theo các cụ cao niên trong làng thì không biết nghề nấu mật truyền thống có từ bao giờ chỉ biết khi lớn lên đã thấy nghề gắn liền với người dân quê mình.
Để phục vụ cho nghề nấu mật mỗi gia đình phải bỏ ra gần 100 triệu đồng để mua máy ép mía và xây lò. Mỗi lò có từ 5-7 chảo gang to, mỗi chảo chứa được 180 đến 200 lit mật mía.
Tại đây mía được đưa vào máy ép để nước mía chảy ra. Khoảng chục năm trở lại đây nhờ công nghệ phát triển, người dân đã biết mua máy ép mía vừa năng suất vừa đảm bảo vệ sinh. Mía thu được sẽ lọc qua vài lần rồi mới mang đi nấu.
Chị Phạm Thị Hoa, một người có thâm niên trong việc nấu mật mía (thôn Lâm Thành) cho biết: “Mía cho độ đường cao là mía Rốc. Muốn để mật ngọt và đạt được sản lượng thì mía phải bắt được gió heo may, trời càng lạnh thì mía càng đặc, có thể để hàng năm không hỏng mà còn ngọt hơn.
Khi nấu phải chú ý đến việc luôn để lửa cháy đều, nhỏ quá thì quá trình nấu mật sẽ lâu, còn lửa to mật sẽ bị cháy. Bọt mía nổi lên phải được vớt liên tục để tránh mật bị đen, khi mật đã kết, đặc thì đảo mật sao cho đều tay cho đến khi mật chuyển sang màu đỏ au… Công đoạn nấu mật là vất vả và công phu nhất, ở các lò nấu mật hơn nhau chính là ở công đoạn này”.
Không chỉ nấu mật, một số hộ gia đình ở Thành Kim còn sản xuất cả đường đen. So với nấu mật thì thời gian nấu đường khoảng 4 tiếng, 1 tấn mía tươi thu được khoảng 40kg đường đen. Tuy nhiên, do nhu cầu người mua đường ít hơn so với mật nên số gia đình nấu đường đen cũng ít.
Ở xứ Thanh, ngoài ở Thạch Thành có nghề truyền thống nấu mật mía mỗi độ tết đến xuân về còn có ở thôn Đồng Trạ, Cẩm Phong (huyện Cẩm Thủy).
Anh Hà Văn Chuyên, một chủ lò mật ở Đồng Trạ chia sẻ, mật mía ở Đồng Trạ có những khác biệt mà ở nơi khác không có được. Mía ở đây chủ yếu được trồng trên những quả đồi đất đỏ ba zan nên rất xanh tốt, cây chắc và ngọt lịm, độ đường rất cao.
Ở Đồng Trạ cũng có hơn chục lò nấu mật mía. Người dân nơi đây trồng mía, lúa kết hợp với buôn bán, chờ đến vụ mía thì bắt đầu nấu mật. Hầu hết các gia đình ở đây đều không phải mang mật đi bán mà chủ yếu các thương lái ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh đến lấy.
Nổi tiếng bởi độ thơm ngon và màu sắc đẹp, mật mía Thạch Thành, Cẩm Thủy được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Nhờ làm mật mía mà cuộc sống người dân làng mật mía đang ngày một khấm khá hơn. Có những gia đình trừ chi phí, có thể thu lại lãi 30-50 triệu đồng cho mỗi vụ.
Nghề nấu mật mía theo thời vụ ở các xã của huyện miền núi Cẩm Thủy, Thạch Thành không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần giữ gìn những nghề truyền thống, nét đẹp trong Tết cổ truyền của người Việt.
Nguyễn Thùy