"Mách bạn" cách kiểm soát nguồn thông tin mà trẻ tiếp cận mỗi ngày

(Dân trí) - Trong đời sống hiện đại, việc kiểm soát những nguồn thông tin mà con bạn tiếp cận là điều không dễ dàng mà nguyên nhân chủ yếu chính là do sự phát triển chóng mặt của các thiết bị công nghệ số.

Ngày nay, trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin ở khắp mọi nơi, từ tivi, radio, máy tính cho đến các thiết bị điện tử thông minh cầm tay như điện thoại và máy tính bảng. Việc để trẻ tiếp cận sớm với các nguồn tin tức sẽ giúp trẻ hình dung được được những gì đang xảy ra xung quanh mình, mặt khác, lại có thể tăng cường hiểu biết và tư duy cho trẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin bổ ích, trẻ cũng dễ dàng bị xâm hại bởi những loại thông tin tiêu cực như: Các tin tức về giết người, khủng bố hay thậm chí là những thông tin mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy… không phù hợp với độ tuổi và tâm hồn của trẻ.

"Mách bạn" cách kiểm soát nguồn thông tin mà trẻ tiếp cận mỗi ngày - 1

Việc kiểm soát các nguồn thông tin mà trẻ tiếp cận là một điều cực kỳ khó mà bất kỳ ông bố bà mẹ nào có con trong tuổi ăn tuổi lớn cũng phải đau đầu. Hơn thế nữa, ngày nay nhiều trẻ đã được bố mẹ cho sử dụng những thiết bị di động cầm tay có khả năng truy cập internet, và chỉ cần một cái “chạm” là trẻ đã có thể tiếp cận với vô vàn thông tin. Tốt có, xấu có mà với tư duy đang còn non nớt các em không thể tự biết được cái nào sẽ thực sự tốt cho mình.

Trong bài viết này xin “mách nước” các bậc làm cha làm mẹ cách để có thể kiểm soát tối ưu các nguồn thông tin mà con cái tiếp cận hàng ngày:

Đối với trẻ dưới 6 tuổi:

Đây là lứa tuổi phát triển đầu đời của trẻ với tư duy cực kỳ non nớt. Nếu con nhà bạn ở lứa tuổi này thì tốt nhất không nên để bé tiếp cận với tin tức từ bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào. Bạn nên tránh xem các chương trình tivi dành cho người lớn khi có mặt con trẻ. Đồng thời hạn chế đọc báo khi ở gần con vì trẻ có thể nhìn thấy các hình ảnh tiêu cực trên mặt báo (ở độ tuổi này trẻ bị kích thích mạnh bởi các hình ảnh).

"Mách bạn" cách kiểm soát nguồn thông tin mà trẻ tiếp cận mỗi ngày - 2

Không trò chuyện về những chủ đề tiêu cực như các tệ nạn, thông tin trộm cắp, chiến tranh, bạo lực… khi có mặt con trẻ ở cạnh. Hãy luôn kể cho trẻ nghe về những điều tốt đẹp, tích cực về thế giới xung quanh. Để trẻ luôn cảm thấy thế giới xung quanh mình thật tươi đẹp và bình yên.

Đối với trẻ từ 6-12 tuổi

Đây là lứa tuổi trẻ bắt đầu đi học, bước vào một trang mới của cuộc đời. Khi đó trẻ bắt đầu hòa mình vào một cộng đồng rộng lớn hơn là trường học với thầy cô và bạn bè.

"Mách bạn" cách kiểm soát nguồn thông tin mà trẻ tiếp cận mỗi ngày - 3

Ở độ tuổi này, nên bắt đầu cho trẻ tiếp xúc các thông tin một cách có chọn lọc. Bố mẹ cũng nên đặt các câu hỏi và tập cho trẻ cách tranh luận về một số vấn đề đơn giản xảy ra xung quanh cuộc sống thường ngày. Đây là một cách làm giúp tăng khả năng tư duy và giao tiếp của trẻ. Đồng thời, với các câu hỏi, bố mẹ cũng có thể kiểm tra xem con mình đã được tiếp cận với những thông tin gì từ thầy cô, bè bạn.

Bố mẹ cũng nên cho con có những bước đầu làm quen với Internet. Bằng cách cài đặt sẵn một vài địa chỉ web bổ ích cho trẻ, cùng trẻ truy cập và trao đổi thông tin. Tuyệt đối không nên cho trẻ truy cập Internet tự do vào các đường link ngoài.

Đối với tuổi teen

Tuổi teen là giai đoạn mà trẻ có những chuyển biến tâm lý cực kỳ nhanh chóng và phức tạp. Đây cũng là lứa tuổi trẻ bắt đầu dậy thì. Vào lúc này trẻ luôn có tâm lý thích làm người lớn và mong muốn được thể hiện mình.

"Mách bạn" cách kiểm soát nguồn thông tin mà trẻ tiếp cận mỗi ngày - 4

Do đó đây không phải là thời điểm mà bố mẹ kèm cặp, kiểm soát từng li từng tí mọi hoạt động của trẻ nữa, mà chỉ đóng vai trò như người hướng dẫn, chia sẻ và đinh hướng cho con mình. Để trẻ có có thêm khả năng chọn lọc những thông tin bổ ích cho mình và tránh xa những thông tin tiêu cực.

Các bậc làm cha làm mẹ cũng nên để trẻ thể hiện quan điểm của mình về những vấn đề xảy ra trong cuộc sống như tình hình thế giới, học đường, chiến tranh, các vấn đề xã hội. Từ đó hiểu rõ hơn được tính cách, tâm lý của trẻ và có biện pháp uốn nắn thích hợp.

Minh Nhật

Theo Popsugar