Mắc ung thư vú, đóa hồng thành "chiến binh" truyền cảm hứng sống
(Dân trí) - Trải qua những thời khắc đau khổ sau khi phát hiện ung thư vú, chị Lim Tường Vy đã mạnh mẽ đứng dậy và trở thành người truyền cảm hứng tích cực cho hàng trăm người bị ung thư khác.
"Tôi như sống lại nhờ... được bệnh"
"Có khả năng em sẽ phải đoạn nhũ, sẽ không thể sinh con cho anh nữa, nếu vậy, thì sao?" - chị Vy bất chợt hỏi.
"Không sao đâu em. Anh không thấy vấn đề gì, anh sẽ đồng hành cùng em" - câu nói của chồng, ngắn gọn, nhưng đủ để kéo chị Vy ra khỏi vòng lẩn quẩn của tuyệt vọng.
Kết hôn hơn 4 năm, chị Lim Tường Vy (38 tuổi, ngụ TPHCM) chịu đủ mọi vất vả để điều trị hiếm muộn. Một năm trước, trong lần chuẩn bị cấy phôi vào cơ thể để chờ đón giây phút được làm cha mẹ, cả hai lại phải nhận tin dữ - chị Vy có khối u lạ ở ngực.
Ngày lấy kết quả xét nghiệm, tâm hồn chị như vỡ vụn vì khối u được xác định ác tính, chị bị ung thư. Trời đất như sụp đổ trước mặt người phụ nữ trẻ chưa một lần làm mẹ. Có lẽ cuộc đời chị chưa bao giờ gặp phải bế tắc, đớn đau như vậy.
Trải qua những đêm mất ngủ, khóc cạn nước mắt, Vy chấp nhận hiện thực và bắt đầu hành trình chiến đấu với bệnh. Chị tìm đến thăm khám nhiều bác sĩ, nhận được không ít lời khuyên để hiểu hơn về bệnh và quyết định ra nước ngoài điều trị ở Singapore vào cuối tháng 4. Cứ 3 tuần một lần, cô gái lại bay sang nước ngoài để truyền thuốc. Trong 4 lần truyền hóa chất đầu tiên, chị mệt mỏi, sốt nhiều, tay chân bị tê và phải cố gắng ăn uống. Và rồi, tóc chị bắt đầu rụng.
"Khoảng 2 tuần sau lần đầu hóa trị, tóc tôi chỉ cần vuốt nhẹ là đứt ngang, sáng ngủ dậy đã thấy một nắm tóc rụng dưới gối. Trước đây tôi thường xuyên thay đổi kiểu tóc, phụ nữ mà, ai mà không muốn một mái tóc bồng bềnh. Nhưng khi bị bệnh rồi, tôi không thiết nghĩ nữa, cũng không cần đội tóc giả. Tôi quyết định nhờ chồng cạo hết tóc cho mình", chị Vy kể lại.
Khoảnh khắc một nửa lượng tóc trên đầu rơi xuống đất, cũng là lúc cả nhà chị rơi nước mắt. Chồng chị thấy vậy liền bày tỏ mong muốn cùng cạo hết tóc cùng, nhưng chị Vy nhất quyết từ chối.
"Thật ra khi tôi bệnh, những người thân xung quanh mới là đáng thương nhất. Chồng tôi áp lực lắm, mặt mũi bơ phờ. Ai cũng lo lắng tới mức tôi phải an ủi, trấn an ngược lại. Tôi rất ghét bị nhìn với ánh mắt thương hại. Việc gì xảy ra đều có lí do của nó, đôi lúc chuyện không may xảy ra không phải là kết thúc, mà biết đâu nó là mở đầu cho một chặng hành trình mới. Than vãn chỉ khiến chúng ta mệt mỏi hơn", chị Vy bộc bạch.
Giữ đúng "lời hứa" sống khác, cuộc đời thứ 2 dường như "mở cửa" chào đón chị. Được gia đình, bạn bè động viên, cô gái bắt đầu tìm đến những hội nhóm, tham gia workshop làm bánh, làm nến và thậm chí là nấu cơm chay từ thiện, những thứ mà trước đây bị cản trở vì... bận. Mỗi tháng, chị dành 2 tuần nghỉ ngơi tại nhà và 1 tuần "trốn" ra ngoài chơi.
Chị Vy chia sẻ: "Câu nói của một sư thầy khiến tôi nhớ mãi. Thầy nói, những người bị ung thư họ có phước lắm, vì họ được sống lần thứ 2, được nhìn những góc cạnh khác của cuộc sống, được yêu thương những thứ xung quanh, được hiểu 'sống' và 'hạnh phúc' là gì. Đơn giản lắm, nó chính là cho đi, là làm mà không cần nghĩ ngợi gì. Nói chung là không hề mất mà cứ được, được và được".
Những điều tốt đẹp tự tìm đến
Từ những hội nhóm nhỏ trên mạng xã hội, chị Vy tìm đến các tổ chức lớn hơn với hi vọng được đóng góp cho đời những giá trị nhỏ. Một lần, dù mới hóa trị xong, cơ thể còn sốt và mệt rã rời nhưng Vy vẫn cố gắng đến thăm, tặng quà tại một trường khiếm thị cách nhà rất xa.
"Đến nơi, tự dưng tôi hết mệt vì thấy… sao mình còn may mắn quá. Nhìn các em tự tay làm ra các món đồ thủ công tôi xúc động lắm. Nghĩ bản thân còn đủ chân tay, còn có thể nghe, nhìn và nói nhưng không làm ra được những món đồ kỳ công như vậy", chị Vy bộc bạch.
Lúc đó, thấy những sản phẩm của các em trường khiếm thính còn tồn nhiều, bán không được, "máu" kinh doanh của chị nổi lên, rồi quyết định đem về bán giúp.
Mặc dù còn 2 ngày nữa phải bay đi nước ngoài cho đợt hóa trị tiếp theo, chị vẫn về nhà bày áo, túi xách của các em khắp nơi, rồi đi tới đi lui "vặn óc" suy nghĩ cách bán.
"Cứ tin vào chuyện tốt thì chuyện tốt sẽ tự tới. Tôi chỉ thử livestream dù trước giờ chưa từng làm, không ngờ bán được 17 triệu đồng cho các em. Khoảnh khắc đó vui sướng lắm, hơn cả những món hàng trước đây mình từng bán được. Tôi cũng tự bỏ tiền túi để đóng thùng, ngồi xếp hàng đem gửi. Nhưng không hiểu sao lúc đó vừa cực, vừa tốn tiền mà lại vui", chị Vy cười, nói.
Dần dần, chị càng hiểu rõ hơn bản thân cần cho cuộc đời những gì. Qua lời giới thiệu của bạn, chị tham gia Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, quyết tâm dùng câu chuyện của mình để lan tỏa sự tích cực, đồng cảm với những người có cùng hoàn cảnh. Chị Vy cũng được nhận xét là một trong những người truyền động lực mạnh mẽ nhất trong tổ chức, nhờ năng lượng tích cực vốn có.
"Nhiều người bị ung thư biết đến tôi, họ cũng tự tìm đến chia sẻ, trải lòng. Từ đó, họ tiếp tục trở thành người giống tôi, cũng sống tích cực và lan tỏa đến người khác. Một người, mười người rồi càng nhiều người nữa, tôi tin chúng ta sẽ sống một cuộc đời không lãng phí. Ai cũng có tình yêu thương bên trong, nhưng nếu chúng ta không chủ động thể hiện thì làm sao khơi gợi được lòng trắc ẩn của người khác", cô gái tâm sự.
Nhiều người dùng từ "mạnh mẽ" để nói về chị, chị không mấy thừa nhận, bởi cũng có lúc chị yếu lòng, rơi nước mắt vì phải chống chọi với bệnh. Nhưng quan trọng nhất, chị chọn đứng lên sau những vấp ngã ấy, nhận ra cần phải cho đi nhiều hơn, cần sống chậm lại, yêu thương người khác. Và hơn hết, là sống một cuộc đời đẹp "như không còn gì để mất".