Lưu ý khi chuẩn bị mâm lễ và ngày giờ cúng Tết Đoan Ngọ đẹp nhất

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo các nhà nghiên cứu, mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường không thể thiếu các loại hoa quả mùa hè. Ngoài ra, các gia đình cũng nên lưu ý giờ cúng Tết Đoan Ngọ phù hợp để đúng với ý nghĩa của ngày lễ.

Lưu ý khi chuẩn bị mâm lễ Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch năm 2023 rơi vào thứ năm, ngày 22/6 dương lịch. Để chuẩn bị cho ngày lễ truyền thống này, các gia đình Việt thường chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ rất chu đáo. Tùy theo từng vùng miền lại có những lễ vật khác nhau.

Chị Lê Thị Hoa (32 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ, trước Tết Đoan Ngọ 6 ngày, chị đã liên hệ đặt mâm cúng ở một nhà hàng với giá 1,2 triệu đồng. Mâm lễ bao gồm trầu, cau, mận hậu, vải, cơm rượu nếp cẩm, sen quan âm gấp cánh… Tất cả được bày trong mẹt tre cao cấp.

Theo chị Hoa, mâm lễ này dù có các vật phẩm cơ bản thường thấy trong Tết Đoan Ngọ, song mỗi loại đều được người bán tuyển chọn kỹ lưỡng và bài trí đẹp mắt như một mâm lễ nghệ thuật, tươi ngon và hài hòa về màu sắc.

Lưu ý khi chuẩn bị mâm lễ và ngày giờ cúng Tết Đoan Ngọ đẹp nhất - 1

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Quản Ngọc Lê).

"Công việc bận rộn, mâm cúng thì cần nhiều món nên tôi đặt luôn cửa hàng cho tiện. Giá có thể cao gấp 3-4 lần so với việc tự mình đi mua nhưng tôi tiết kiệm được thời gian, lại lựa chọn được loại mẫu mã đẹp", chị Hoa nói.

Chị Thu Hương (quận Hai Bà Trưng) có kinh nghiệm hơn 10 năm kinh doanh các mặt hàng đồ ăn, mâm lễ cho biết, khác với những ngày lễ khác, các gia đình thường cúng Tết Đoan Ngọ đúng ngày. Vì vậy, số lượng đơn hàng thường dồn hết vào ngày 5/5 Âm lịch.

Mỗi mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở cửa hàng chị Hương có giá khoảng 600 nghìn đồng. Dịp này, chị phải huy động thêm nhân công để chuẩn bị đủ số lượng đơn cho khách.

Các mâm cúng được thiết kế theo phong cách truyền thống gồm cơm rượu nếp cẩm, cơm rượu nếp cái, bánh gio, mận, vải, bánh nếp lá xanh truyền thống, hoa sen quan âm, hoa nhài tươi…

"Đây đều là những món ngon thơm thảo từ gạo nếp, đỗ xanh, hoa trái mùa hè để tạ ơn trời, đất và các vị thần linh, tổ tiên", chị Hương nói.

Theo quan sát của chị Hương, dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, số lượng khách mua tại cửa hàng có sụt giảm nhẹ, chỉ bằng khoảng 80% năm ngoái. Mặt hàng được khách đặt mua nhiều nhất là bánh nếp và rượu nếp.

Lưu ý khi chuẩn bị mâm lễ và ngày giờ cúng Tết Đoan Ngọ đẹp nhất - 2

Nhiều gia đình Hà Nội còn mua bánh nếp để cúng Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Huong Nguyen Thu).

"Trong mâm cúng, ngoài bánh gio thường được nhiều người lựa chọn dịp này, tôi còn  chuẩn bị bánh nếp dẻo thơm. Đây là món bánh có trong nhiều dịp lễ tết cổ truyền của người Hà Nội. Vào dịp Tết Đoan Ngọ, món bánh nếp bán khá chạy. Có ngày, cửa hàng phục vụ hơn 500 chiếc bánh", chị Hương nói.

Chị Quản Ngọc Lê (ở Khâm Thiên, Đống Đa) cũng nhận chuẩn bị cho khách 100 mâm cúng dịp Tết Đoan Ngọ. Các mâm cúng được giao cho khách từ tối 4/5 Âm lịch, một lượng lớn khách nhận vào sáng 5/5 Âm lịch.

Mấy năm gần đây, khi xu hướng đặt mâm cỗ cúng nở rộ, chị Thu Thảo (Hoài Đức) thường nghiên cứu kỹ ý nghĩa của các ngày lễ và lựa chọn các đồ lễ phù hợp để bán cho khách.

Chị Thảo cho biết, theo phong tục truyền thống, trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc thường có hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, cơm rượu nếp, các loại hoa quả như mận, dưa hấu, vải, chuối…

Nhiều gia đình còn lựa chọn bánh gio, bánh nếp, bánh xu xê dâng cúng.  "Theo quan niệm truyền thống, đây là những lễ vật cần có", chị Thảo nói. 

 Cúng Tết Đoan Ngọ giờ nào là đẹp nhất?

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Tết Đoan Ngọ gắn liền với một vị thần y có tên là Biển Thước - ông tổ của y học phương Đông và các hoạt động mang tính y dược, phòng bệnh. Ngoài ra, Tết Đoan Ngọ còn gắn với truyền thuyết về Khuất Nguyên, một nhà văn, nhà triết học lớn nước Sở.

Vào ngày 5/5 Âm lịch hàng năm, các gia đình Việt có nhiều tục lệ như giết sâu bọ, xông, tắm gội bằng nước lá, thu hái thảo dược vào giờ Ngọ… Những thói quen này thể hiện mong cầu về sức khỏe.

Đây cũng là dịp để các gia đình tưởng nhớ tổ tiên, tạ ơn thần linh, trời đất. Vì vậy, trên mâm cúng thường có các vật phẩm như mận, vải, chè, cơm rượu, bánh gio… Ở một số nơi lại không thể thiếu thịt vịt, bánh ú, chè kê, chè trôi nước…

Y dược dân gian rất coi trọng các yếu tố thực vật. Điều này lý giải vì sao trong ngày 5/5 Âm lịch, trên mâm cỗ cúng thường xuất hiện các lễ vật trên.

Theo quan niệm của ông bà xưa, ăn rượu nếp có thể giết sâu bọ vì vị nồng cay của rượu nếp có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Ngoài ra, việc ăn các loại trái cây có vị chua, chát sẽ giúp tiêu diệt "sâu bọ" nhanh hơn.

Người miền Trung thường thêm món thịt vịt vào mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ. Người dân quan niệm, thịt vịt mát, giúp cơ thể khoan khoái, khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch.

Lưu ý khi chuẩn bị mâm lễ và ngày giờ cúng Tết Đoan Ngọ đẹp nhất - 3

Các cửa hàng chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ với nhiều mức giá, phổ biến nhất là từ 250 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng (Ảnh: Quản Ngọc Lê).

Liên quan đến giờ cúng Tết Đoan Ngọ, nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, cúng Tết Đoan Ngọ tốt nhất nên cúng đúng ngày. Thời gian cúng từ 11h đến 12h trưa là đẹp nhất.  

Cũng theo ông Hải, trong bất cứ dịp lễ tết nào, lễ vật luôn luôn mang ý nghĩa tượng trưng. Vì vậy, các gia đình không nhất thiết phải sắm mâm cao cỗ đầy.

Nếu không có điều kiện hoặc đồ dâng cúng không phù hợp nhu cầu ăn uống thì chỉ nên sắm sửa mỗi thứ một chút ít để làm lễ, tránh tính trạng mua nhiều mận, vải hay cơm rượu… chỉ để thắp hương rồi bỏ phí.