Lương 15 triệu vẫn thiếu, chàng trai ở Hà Nội vắt óc nghĩ cách tiết kiệm

PV

(Dân trí) - Dù có mức thu nhập hơn 15 triệu đồng mỗi tháng nhưng chưa khi nào B. tiết kiệm được tiền. Nhiều khi chưa hết tháng, chàng trai này đã "cháy túi".

Không hiểu tiêu gì mà cạn túi

P.Q.B (21 tuổi, quê Thái Nguyên), hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mở Hà Nội. Đi học xa nhà từ năm 2019, B. đặt mục tiêu sẽ tự lo liệu các chi phí sinh hoạt hàng tháng. Ngoài giờ học, anh nhận làm thêm nhiều công việc khác nhau. Khoảng thời gian này, thu nhập chưa cao nên B. vẫn được bố mẹ cho thêm 3 triệu đồng mỗi tháng.

B. dùng số tiền này để chi trả cho sinh hoạt ăn uống, xăng xe. Ngoài ra, mỗi học kỳ, bố mẹ còn chu cấp cho B. 10 triệu đồng để đóng học phí, tổng là 20 triệu đồng/năm. 

Năm 2020, mỗi tháng chàng sinh viên này có thể kiếm được từ 2-5 triệu đồng, cũng có tháng tới 7 triệu đồng. "Tuy nhiên, kiếm được bao nhiêu, tôi lại tiêu bấy nhiêu. Mỗi tháng vẫn xin thêm bố mẹ 1-2 triệu đồng", B. nói.

Từ học kỳ II năm thứ hai đại học, khi thu nhập từ việc làm thêm ổn định quanh mức 7-8 triệu đồng/tháng, B. không xin tiền bố mẹ mà tự lo mọi khoản tiền (thuê trọ, ăn uống tới học phí). Không chỉ có thế, anh còn tiết kiệm được số tiền 10 triệu đồng và xin gia đình thêm 10 triệu đồng để mua một chiếc xe máy giá 20 triệu đồng. 

Đến thời điểm hiện tại, với vị trí Chuyên viên tư vấn cho một công ty về lĩnh vực giáo dục và du học, B. đã có mức lương hơn 15 triệu đồng dù chưa ra trường.

Lương 15 triệu vẫn thiếu, chàng trai ở Hà Nội vắt óc nghĩ cách tiết kiệm - 1

B. từng lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng nhưng không thực hiện được. (Ảnh: Đ. Y).

Sở hữu mức lương cao hơn nhiều người đi làm chính thức và chưa có gia đình nhưng B. tự nhận thấy mình không biết cách quản lý chi tiêu. Thậm chí, nhiều khi B. vẫn "cháy túi" dù chưa đến cuối tháng.

Chàng trai này kể: "Tôi và em họ thuê chung một căn nhà rộng 25m2 tại quận Hai Bà Trưng giá 6 triệu đồng/ tháng. Mức giá này chưa bao gồm phí điện, nước. Căn nhà có 4 tầng, gồm 1 phòng khách và 1 phòng bếp ở tầng 1, 2 phòng ngủ và nhà vệ sinh ở tầng 2 và 3. Tầng 4 là khu phơi đồ. Chúng tôi cho thuê lại tầng 3 với giá 3 triệu đồng/tháng. Vì vậy tính ra trung bình, một tháng tôi phải trả từ 2-3 triệu đồng cho việc thuê nhà và các phí dịch vụ". 

Do vừa đi học và vừa đi làm nên B. chủ yếu ăn uống ở bên ngoài. Hàng ngày, anh dành ra hơn 100 nghìn để ăn uống, tính tổng khoảng 3 triệu đồng/tháng. Song vì thực tế thường xuyên đi liên hoan, ăn uống cùng bạn bè và đồng nghiệp, mỗi lần góp từ 200 đến 300 nghìn đồng nên tiền chi cho ăn uống của B. luôn cao hơn dự tính.

Vì đi làm bằng xe máy, mỗi tháng B. dành từ 500 nghìn - 1 triệu đồng để đổ xăng hoặc sửa, bảo dưỡng xe. Giống như nhiều bạn trẻ khác, B. cũng có sở thích mua sắm, đi chơi, uống cà phê… Thu nhập càng tăng thì số tiền B. tiêu càng nhiều.

B. cho biết bản thân không có thói quen ghi lại cụ thể việc chi tiêu mà chỉ áng chừng trong đầu các khoản và mục đích sử dụng. Đôi lúc, chàng trai này cũng dự định để ra một khoản tiết kiệm sau mỗi lần nhận lương. Tuy nhiên, vì chưa biết cách quản lý chi tiêu, chưa biết giới hạn các sở thích nên đến cuối tháng vẫn nhẵn ví. Khi ấy, B. chỉ thấy "dư" lại nỗi trăn trở không biết đã tiêu gì với khoản thu nhập 15 triệu đồng.

Được biết, hai năm trước, chàng trai này từng lập kế hoạch chi tiêu. Tuy nhiên, bản kế hoạch dường như không có tác dụng gì vì B. luôn tiêu ngoài mức dự kiến.

Với cách chi tiêu hiện tại của bản thân, chàng trai cũng tự nhận thấy là chưa thật hợp lý. Nhất là khi anh đặt mục tiêu sẽ mua nhà, mua xe và định cư ở Hà Nội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều bạn trẻ khi bắt đầu đi làm chỉ nhận mức lương khởi điểm từ 5-7 triệu đồng. Vì vậy, mức thu nhập của B. được coi là cao hơn mặt bằng chung so với người trẻ mới ra trường.

Không riêng gì B., nhiều bạn trẻ ngày nay cũng chật vật tìm cách quản lý chi tiêu. N.T.D (21 tuổi, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đang thực tập và làm thêm ở một trung tâm về giáo dục với mức lương 6-8 triệu đồng. Hàng tháng, D. cũng không rõ tiền cô kiếm được vì lý do gì "không cánh mà bay".

Vì ở cùng với bố mẹ nên D. không phải chi trả cho tiền sinh hoạt phí. Cô chia sẻ: "Tháng gần đây nhất tôi chi 1 triệu đồng cho tiền ăn bên ngoài, đổ xăng 500 nghìn đồng, tiền đi cafe, đi chơi với bạn bè khoảng 200 nghìn, in ấn quà cáp cho học sinh 200 nghìn. Tôi còn nộp phí cho cơ quan thực tập, sửa máy tính 350 nghìn và chi rất nhiều khoản lặt vặt". 

Số tiền lương 6 triệu đồng không đủ, cô buộc phải bạn vay bạn bè thêm 5 triệu đồng. "Trước đây, tôi có đi bán quần áo, làm gia sư, trợ giảng cho một trung tâm. Lương hồi đó khoảng 2 triệu đồng nhưng cũng chẳng khác bây giờ là mấy vì bản thân lúc nào cũng trong tình trạng hết tiền", D. nói.

Đ.T.N (22 tuổi, quê Thái Bình), sinh viên năm cuối ngành Công nghệ sinh, Học viện Nông nghiệp cho biết, tháng nào cũng tiêu hết veo khoản tiền 3 triệu đồng bố mẹ cho. Nhiều tháng, cô phải cấp tốc vay bạn bè, người quen.

Trước đây, N. từng bán quần áo trên mạng, lãi được 5 triệu đồng. Tuy nhiên, cô không nghĩ tới việc dành dụm mà để đi du lịch. Nghĩ tới việc sắp tốt nghiệp ra trường, N. không khỏi lo lắng.

Lương 15 triệu vẫn thiếu, chàng trai ở Hà Nội vắt óc nghĩ cách tiết kiệm - 2

Nữ sinh năm cuối ngành Công nghệ sinh được bố mẹ phụ cấp cho 3 triệu đồng/ tháng (Ảnh: Đ.Y).

Nhiều người trẻ sống gấp, thiếu kỹ năng quản lý tài chính

Ngày càng có nhiều bạn trẻ chủ động đi làm để kiếm tiền ngay từ thời sinh viên. Nhiều người sở hữu mức lương khá cao nhưng lại luôn ở trong tình trạng bị "cạn tiền".

Theo khảo sát của Backbase, một công ty Hà Lan chuyên cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng, khoảng 67% người Việt tham gia khảo sát cảm thấy loay hoay về quản lý tài chính. Tỷ lệ này cao thứ hai trong 10 nước châu Á - Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Thái Lan. Điều này minh chứng cho những trường hợp người trẻ như B. hay D. đi làm vài năm nhưng không để ra được đồng nào.

Chia sẻ về vấn đề này với phóng viên báo Dân trí, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết: "Cách chi tiêu của từng người phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình và môi trường xung quanh. Gia đình chỉ là một yếu tố. Môi trường có nhiều thú vui, nhiều cám dỗ sẽ là một yếu tố khiến các bạn trẻ hiện nay không quản lý được chi tiêu". 

Vị chuyên gia này phân tích: "Nguyên tắc trong kinh tế thị trường là có tích lũy, có tiết kiệm, có đầu tư, có sinh lời và phát triển. Con người sống không phải chỉ để tận hưởng, mà phải ý thức được bản thân sẽ còn nhiều mục tiêu khác. Cuộc sống còn dài, còn nhiều nhu cầu, không nên chỉ nghỉ đến việc sống gấp".

Lương 15 triệu vẫn thiếu, chàng trai ở Hà Nội vắt óc nghĩ cách tiết kiệm - 3

Nhiều người Việt thừa nhận không biết quản lý chi tiêu. (Ảnh minh họa: Tố Linh).

PGS. TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, người trẻ phải biết tự ý thức, làm chủ mình trong mọi điều kiện, bối cảnh, chi tiêu phải có kế hoạch. Trong quá trình thu chi phải biết cân đối, đáp ứng các nhu cầu cơ bản một cách hợp lý.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long từng chia sẻ trên Dân trí rằng, người trẻ Việt đang khá yếu kỹ năng quản lý tài chính. Thực trạng trên không chỉ riêng ở Việt Nam mà xuất hiện ở hầu hết quốc gia đang phát triển khi việc phổ cập, giáo dục về kiến thức tài chính chưa được chú trọng. Trong khi ở các quốc gia phát triển, việc dạy về quản lý tài chính được đưa vào giảng dạy từ sớm.

Theo ông Phan Lê Thành Long, nhiều người Việt vẫn e ngại mỗi khi nói về tiền và coi đó là điều nhạy cảm. Trẻ em khi còn nhỏ không được hướng dẫn quản lý tài chính như hiểu rõ tiền là gì, chi tiêu ra làm sao hợp lý. Nhiều người khi đi ăn thay vì chia đều tiền thì lại tranh nhau trả tiền.

Chính những nguyên nhân này đẩy người Việt vào vòng xoáy không quan tâm đến tài chính, không hiểu về tài chính. Về lâu về dài những thói quen, lối sống, công việc không đi kèm với sự minh bạch, rành mạch về tài chính sẽ khiến con người ta mơ hồ về tiền và xa hơn là không kiểm soát được dòng tiền.

Hải Thành