Lời "thú tội" đau lòng của người cậu ruột với cháu gái 12 tuổi

Quốc Việt

(Dân trí) - "Suốt mấy năm qua, lúc nào trong tâm trí tôi cũng hiện lên hình ảnh vui vẻ lí lắc của bé V. khi được cậu đón về sớm tưởng là đi siêu thị, mà không biết mẹ đã qua đời", anh Tr. chia sẻ cùng Dân trí.

Cứ đến 22/8 âm lịch hàng năm, anh Tr, 32 tuổi, ở Long An, lại nặng trĩu nỗi buồn và day dứt khôn nguôi.

Năm nay đã tròn 3 năm ngày mất của chị Ngọc, chị gái ruột anh Tr. Mang hương hoa thắp bàn thờ chị từ sáng sớm, anh Tr. nhìn vào nhà thấy bé V. vẫn ở mãi trong phòng không chịu ra. Ngày này, bé V. cũng không muốn tiếp xúc với ai.

"Gia đình tôi có 3 chị em. Chị Ngọc là chị cả, sinh năm 1989, lấy chồng sớm từ mười mấy năm trước. Hai vợ chồng chị tôi chỉ có duy nhất bé V.", anh Tr. kể.

Chồng chị Ngọc vốn đi làm xa ở TPHCM nên mỗi tuần chỉ về độ 1-2 ngày là lại vắng nhà. Chị Ngọc mở tiệm hàng tạp hóa buôn bán qua ngày và hai mẹ con trông nom nhau. Do hai gia đình ở gần nhau nên hàng ngày vợ chồng anh Tr. vẫn đưa con đến nhà chị, đưa bọn trẻ đi chơi.

Lời thú tội đau lòng của người cậu ruột với cháu gái 12 tuổi - 1
Anh Tr. đau lòng vì không nghĩ một câu nói buột miệng của mình đã khiến cháu gái bị tổn thương suốt thời gian dài (Ảnh minh họa).

Năm 2019, chị Ngọc thấy ho nhiều và khó thở. Khi lên bệnh viện kiểm tra, chị bất ngờ được các bác sĩ thông báo đã mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Lúc biết tin, cả gia đình chết lặng, nhưng chỉ biết "còn nước còn tát".

Dù gia đình kinh tế không dư giả nhưng cũng cố gom góp để chạy chữa. Tuy nhiên, bệnh của chị Ngọc được phát hiện ở giai đoạn cuối nên không còn hy vọng. Sau một thời gian điều trị ở bệnh viện ung bướu tại TPHCM, các bác sĩ khuyên người thân nên đưa bệnh nhân về nhà.

Ở chỗ làm, anh Tr. lặng người khi nhận được tin báo chị gái mình đã qua đời khi đang trên xe cứu thương đưa về nhà. Cố nuốt nước mắt, anh vội đi xe tới trường học của bé V. để đón cháu. Cô bé học lớp 3 thấy được cậu đến đón sớm thì vui lắm, hồn nhiên và véo von hỏi cậu như con chim non.

"Sao hôm nay cậu 3 đón con sớm thế? Giờ cậu đưa con đi đâu vậy?". Thấy cháu gái hỏi, anh Tr. buột miệng nói "Cậu cho con đi siêu thị".

Bé V. tưởng được cậu đưa đi siêu thị mua đồ, ăn gà rán như mọi lần nên rất hớn hở, không nghĩ ngợi gì rồi lên xe ngồi luôn. Nhưng xe vừa đi qua nhà, thấy mọi người đang mắc rạp đám tang, cô bé vội lao xuống, chạy vào ôm choàng lấy người mẹ đang nằm nhắm mắt, vĩnh viễn không bao giờ dậy được nữa.

Sau đám tang vài ngày, V. nhìn cậu với ánh mắt oán giận. Cô bé trách cậu đã nói dối mình, còn anh Tr. chỉ biết im lặng.

"Suốt mấy năm nay, V. không bước chân vào siêu thị nữa. Mỗi khi nghe ba nói sẽ dẫn đi mua đồ hay ăn gà rán ở siêu thị, con bé lại òa khóc nức nở. Còn tôi cũng nhói đau theo cháu, mà không biết đối diện với cháu thế nào. Có những lời nói có thể chỉ là vô tình, nhưng mãi là vết thương rất sâu cứa trong tim người khác", anh Tr. xúc động nói.

Đã 3 năm kể từ ngày chị gái mất, anh Tr. giờ vẫn day dứt. Giờ V. đã lên lớp 6, cô bé hiểu chuyện hơn và cũng không còn khép kín bản thân như ngày đầu mất mẹ. Hiện cô bé đang sống cùng bà ngoại, còn ba vẫn đi về nhà hàng tuần đôi ngày như trước thăm nom con.  

Nỗi đau mất người thân chưa thể nguôi ngoai. Và anh Tr. day dứt vì chưa một lần thử can đảm cùng cháu nói lại chuyện buồn đã qua.

"Tôi vẫn nợ cháu một lời xin lỗi. V. đừng trách cậu. Ngày đó, cậu cũng chỉ như một đứa trẻ, không ngờ một lời buột miệng mà khiến con đau lòng suốt những năm qua", anh Tr. trải lòng.

Chia sẻ về câu chuyện này, nhà tâm lý học Nguyễn Kim Quý đến từ Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, nhận định bé V. là cô bé sống tình cảm, hướng nội và dành tình cảm rất sâu sắc tới mẹ. Bởi vậy, người thân nên chọn cách khéo léo để giải tỏa tâm lý cho em bé.

"Trong trường hợp này, gia đình nên có người trung gian đứng ra nói chuyện với cô bé. Có thể giải thích rằng, thời điểm đó, người cậu vì không muốn cháu phải đón nhận tin xấu đột ngột, nên đã đưa ra cách nói kia để tạm thời xoa dịu. Bản thân cậu cũng không có ý gây tổn thương tới cháu.

Và chắc chắn người mẹ nơi chín suối cũng không muốn vì chuyện này làm ảnh hưởng tới tình cảm của hai cậu cháu. Hiện giờ, bé V. đã lớn, cô bé sẽ hiểu tấm lòng của cậu", nhà tâm lý học Kim Quý phân tích.