Loạt món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ba miền

Khải Anh

(Dân trí) - Trong mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Bắc thường có mận hoặc vải, bánh gio và cơm rượu nếp, còn miền Trung hay miền Nam không thể thiếu thịt vịt, chè kê, bánh trôi nước,...

Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ) năm nay rơi vào thứ Sáu, ngày 3/6.

Vào ngày này, người dân trên khắp cả nước lại tất bật chuẩn bị những mâm lễ cúng dâng lên tổ tiên, thần linh với mong muốn cầu cho mùa màng bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại và cầu sức khỏe, bình an.

Loạt món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ba miền - 1

Từ chiều mùng 4/5 âm lịch (tức ngày 2/6/2022), trước Tết Đoan Ngọ một ngày, nhiều gia đình trên khắp cả nước đã tất bật chuẩn bị các mâm cỗ cúng đẹp mắt, chuẩn bị cho lễ diệt sâu bọ hàng năm (Ảnh: Thu Huong Vu).

Tùy theo quan niệm của từng vùng và điều kiện của mỗi gia đình mà các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ cũng có những sự khác biệt. Ví dụ, miền Bắc có bánh tro trên mâm cúng, còn miền Nam có bánh ú, chè trôi nước hay miền Trung lại có chè kê.

Tuy nhiên, mỗi mâm lễ cúng đều phải đảm bảo có đầy đủ các lễ vật chính như: hương, hoa, vàng mã, nước, cơm rượu nếp, các loại trái cây (mận, vải…), bánh tro (bánh gio),… 

Loạt món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ba miền - 2

Tùy phong tục của mỗi địa phương và điều kiện từng gia đình mà mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ sẽ có sự khác biệt (Ảnh: Nhung Ngo).

Với nhiều gia đình miền Bắc, mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ thường có đầy đủ các lễ vật gồm: một số loại hoa tươi như hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa hoàng lan; trái cây mùa hè như mận, vải, xoài và cơm rượu nếp như nếp cẩm, nếp cái hoa vàng hay bánh tro, xôi,... 

Người miền Bắc có thói quen thắp hương vào buổi sáng, sau đó ăn rượu nếp và các loại quả chua, nóng để diệt sâu bọ. Theo quan niệm dân gian của người Việt, ăn rượu nếp có thể giết sâu bọ vì món này có vị nồng cay giúp loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.

Loạt món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ba miền - 3

Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của những gia đình miền Bắc không thể thiếu cơm rượu nếp, trái cây mùa hè như vải, mận,... hay bánh tro. Mâm lễ không chỉ đầy đủ các sản vật mà còn được bài trí kỳ công, đẹp mắt, kết cùng các loại hoa tươi và trầu cau (Ảnh: Hồng Ngọc).

Sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp "chuốc say", tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua, chát sẽ khiến chúng chết nhanh hơn. Còn bánh tro (hay gọi là bánh ú tro, bánh gio) vị nhạt, tính mát, thường ăn với đường hoặc mật, có tác dụng giải nhiệt cơ thể trong tiết trời oi bức. 

Chia sẻ với báo Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ lý giải: Y dược dân gian sử dụng chủ yếu thực vật. Vậy nên, trong ngày 5/5 Âm lịch, người ta sẽ dùng các yếu tố thực vật để làm cỗ cúng như mận, vải, chè, cơm rượu, bánh tro,… Bên cạnh đó, do văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của Phật giáo nên mâm lễ cúng ngày này cũng mang tính chất chay là chính.

Còn với những gia đình miền Trung, mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ không thể thiếu hai món là chè kê và thịt vịt. Sở dĩ, người dân chọn thịt vịt mà không phải thịt lợn, bò hay gà là vì loại thịt này tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể.

Loạt món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ba miền - 4

Người miền Trung thường chuẩn bị món thịt vịt và chè kê trong mâm cỗ cúng ngày mùng 5/5 âm lịch (Ảnh: Ted Phung).

Loạt món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ba miền - 5

Thịt vịt có tính hàn, giúp cân bằng phong huyết nên được các gia đình miền Trung ưa chuộng vào ngày Tết diệt sâu bọ hàng năm (Ảnh: Yến Phạm).

Riêng món chè được nấu từ hạt kê đã chà vỏ và đậu xanh, khi chín có màu vàng rất hấp dẫn. Người miền Trung thưởng thức món này bằng cách dùng miếng bánh tráng mè nướng xúc vào bát chè thay vì dùng muỗng, thìa.

Cách kết hợp này giúp món ăn có hương vị lạ miệng, khó quên. Ngoài ra, họ cũng chuẩn bị tươm tất các lễ vật khác như bánh ú (không nhân), trái cây mùa hè cho mâm cúng ngày mùng 5/5 âm lịch.

Loạt món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ba miền - 6

Chè trôi nước là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ của người dân miền Nam (Ảnh: Suka Subin).

Ở miền Nam, vào dịp Tết Đoan Ngọ, người dân nơi đây thường chuẩn bị mâm lễ cúng với các món ăn đặc trưng như bánh ú tro, chè trôi nước, xôi gấc,… Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng quây quần bên mâm cỗ để thưởng thức những món ăn này, cầu mong một năm thuận lợi, bội thu và dồi dào sức khỏe.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm