Loài cá có khuôn mặt sầu thảm
(Dân trí) - Cá giọt nước được mệnh danh là sinh vật sầu thảm nhất trong thế giới động vật.
Nhưng giờ đây chúng còn buồn hơn vì bị con người đánh bắt quá nhiều. Các nhà khoa học Australia cảnh báo, quá nhiều tàu đánh cá tại vùng biển phía đông nam nước này có thể đe dọa sự tồn tại của loài cá giọt nước.
Cá giọt nước có thể phát triển dài 30cm. Chúng thường sống dưới đáy biển sâu khoảng 800m. Việc đánh bắt cá gia tăng khiến những con cá giọt nước bị mắc lưới nhiều hơn.
Loài cá giọt nước có nguy cơ tuyệt chủng.
Mặc dù cá giọt nước là loài không ăn được nhưng chúng dễ bị vào lưới của tàu đánh cá vì ở cùng tầng sâu với các loài hải sản khác như cua và tôm hùm.
Chuyên gia về biển sâu, giáo sư Callum Roberts từ Trường đại học York cho biết, cá giọt nước trông giống một khối chất lỏng với cái đầu khá to. Chúng di chuyển rất chậm chạp nên dễ bị sa lưới.
Cá giọt nước được tìm thấy bởi các nhà thám hiểm khoa học.
Giáo sư Roberts, tác giả cuốn Lịch sử kì lạ của biển cả, nói thêm: “Cá giọt nước dễ bị thương khi kéo lên từ lưới. Chúng chỉ sống được ở dưới nước. Những tàu đánh cá của Australia và New Zealand hoạt động nhiều nhất trên thế giới, ảnh hưởng tới nơi sinh sống của cá giọt nước.”
Có rất nhiều khu vực nước sâu được bảo vệ xung quanh vùng biển phía Nam của Australia. Tuy nhiên, hiện những nơi này chỉ bảo tồn các loài san hô, còn cá giọt nước vẫn chưa được để ý tới.
Trước đây các ngư dân thường đánh bắt sinh vật biển sống ở độ sâu 200m. Nhưng độ sâu này ngày càng tăng thêm và giờ đã lên đến vài nghìn mét.
Duy Khánh
Theo DM