Lật tẩy chiêu "móc túi" 1 ăn 10 của thợ sửa điều hòa ở Hà Nội
(Dân trí) - Anh Thành cho hay, có thiết bị mua mới chỉ 20.000-30.000 đồng nhưng nhiều thợ sửa điều hòa thiếu trung thực có thể thu của khách 200.000 -300.000 đồng, gấp 10 lần giá gốc.
Bị chém đẹp vì không biết điều khiển hết pin
Gia đình chị Nguyễn Thị Vân (Hoài Đức, Hà Nội) vừa trải qua 2 ngày nắng nóng khổ sở vì chiếc điều hòa 9000BTU ở phòng ngủ bỗng dưng không hoạt động. Điều khiển điều hòa thì chập chờn, lúc được lúc không. Chồng đi công tác nước ngoài, chị Vân đành lên mạng tìm kiếm cửa hàng sửa chữa điều hòa và gọi cho một cơ sở ở gần nơi mình sinh sống.
Người thợ đến kiểm tra một hồi và khẳng định điều hòa bị cháy tụ. Tuy nhiên, tụ điện mới hiện đang hết hàng vì nắng nóng, phải đến hôm sau cửa hàng mới về linh kiện mới để thay nên người thợ hẹn hôm sau sẽ quay lại.
"Anh ta đặt lại giấy hẹn trên đó có ghi tên cửa hàng, số điện thoại và nói sẽ mang tụ điện cũ và điều khiển điều hòa về kiểm tra, nếu khắc phục được sẽ không phải thay mới. Tôi thấy anh ta có giấy tờ chuyên nghiệp nên đồng ý cho mang thiết bị đi", chị Vân kể.
Hôm sau, người thợ quay lại như đã hẹn và khẳng định điều khiển và tụ điện bị hỏng. Tuy nhiên, các lỗi đều đã được khắc phục. Chi phí sửa chữa hết 600.000 đồng.
Sau 2 ngày chịu nóng, thấy điều khiển bật lại được, điều hòa chạy mát lạnh, chị Vân liền rút ví trả tiền.
Người phụ nữ này chỉ biết mình bị lừa khi chồng đi công tác về. Thấy điều hòa mới mua được hơn một năm bị phán nhiều lỗi, anh kiểm tra lại giấy hẹn thì thấy thông tin trên đó rất sơ sài. Địa chỉ cửa hàng không rõ ràng, chỉ có tên phố, không có số nhà, số điện thoại cũng không liên lạc được.
"Mở điều khiển kiểm tra pin, chồng tôi thấy điều khiển đã được thay pin mới. Tụ điện trong máy cũng vẫn là tụ điện cũ. Chồng tôi giải thích, tụ điện điều hòa hỏng chỉ có cách duy nhất là thay mới, không thể sửa chữa.
Vậy nên, điều hòa nhà tôi không chạy là do điều khiển chập chờn, hết pin chứ không gặp lỗi gì", chị Vân kể lại pha bị một thợ sửa thiếu lương tâm "chém ngọt".
Anh Vũ Văn Bính (Long Biên, Hà Nội) cũng từng rơi vào cảnh mất tiền oan khi gọi thợ sửa điều hòa. Anh Bính kể, vì tiết kiệm nên anh mua chiếc điều hòa cũ qua một hội nhóm thanh lý trên mạng.
Người bán cho anh thanh toán 50%, sau đó đem về nhà dùng thử thấy máy chạy tốt, anh thanh toán nốt phần còn lại. Tuy nhiên, mấy tháng sau, điều hòa bỗng dưng làm mát kém.
Anh Bính kể: "Điều hòa dở chứng đúng ngày nắng nóng nên tôi gọi mấy chỗ quen đều kín lịch. Tôi đành lên mạng tìm và gọi cho một thợ sửa tự do. Thấy anh này mang theo khá nhiều thiết bị, đồ đạc, tôi cũng an tâm. Sau khi kiểm tra, thợ báo máy làm lạnh yếu do hết gas, lưới lọc quá bẩn. Chi phí bơm gas và vệ sinh lưới lọc là 600.000 đồng".
Anh Bính thấy số tiền này khá cao nhưng nghĩ cả nhà chịu không nổi cảnh nắng nóng nên đồng ý với yêu cầu của thợ.
Sau đó, vì tiếc tiền anh than vãn với người chủ cũ thì người kia cho biết, trước khi bán khoảng một tháng, vì điều hòa còn bảo hành nên đã "kiếm cớ" máy không mát để nhờ hãng đến xem.
Nhân viên của hãng báo máy chạy tốt, gas dùng mấy năm nữa cũng không hết. Nghe chủ cũ kể chuyện, anh Bính mới biết mình vừa bị lừa.
Cách lật tẩy chiêu ăn gian của thợ sửa điều hòa
Sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa vốn là một nghề vất vả, nhất là khi thợ điều hòa phải căng mình làm việc trong những ngày nắng nóng, oi bức khi nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ tăng cao.
Tuy nhiên, vẫn có một số ít thợ sửa thiếu trung thực, luôn tìm cách móc túi của người tiêu dùng. Nhiều thợ khi đến kiểm tra điều hòa thường nói máy bị hỏng mạch, cháy tụ… Phổ biến nhất nhiều thợ thường dùng chiêu "điều hòa hết hoặc thiếu gas cần nạp bổ sung" để móc túi khách hàng.
GS. TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam cho biết, thực tế có thợ sẽ nói máy điều hòa thiếu gas để dụ chủ nhà đồng ý nạp bổ sung nhằm kiếm thêm tiền.
"Chủ nhà có thể tự kiểm tra xem máy nhà mình có thiếu gas hay không bằng cách sờ tay lên mặt dàn ống đồng của dàn nóng, nếu thấy nóng đều là đủ gas. Nếu không tiếp cận được dàn nóng có thể kiểm tra dàn lạnh, nếu thấy dàn lạnh đều là đủ gas. Có thể dùng nhiệt kế hồng ngoại để kiểm tra cho chính xác", GS. TS Nguyễn Đức Lợi chia sẻ với Dân trí.
Cũng theo vị chuyên gia này, thông thường, nếu máy được lắp đặt chuẩn thì gas không bị hao hụt cho đến hết tuổi thọ của máy (khoảng 15-20 năm), máy không phải nạp lại gas trong thời gian này.
"Trường hợp máy thật sự thiếu gas thì quy trình khắc phục rất phức tạp chứ không đơn giản chỉ là nạp bổ sung. Cụ thể là thợ cần tìm vị trí rò rỉ ở các mối nối loe, nếu không phát hiện được thì phải tháo dỡ máy để tìm vị trí rò rỉ, hàn kín lại sau đó phải ráp lại máy, thử chân không, thử kín, hút chân không, nạp dầu, nạp gas lại…", GS Nguyễn Đức Lợi cho hay.
Anh Nguyễn Thành, nhân viên của công ty chuyên nhập khẩu phân phối điều hòa Mitsubishi ở Hà Nội cho biết, báo thiếu gas chính là một trong những chiêu phổ biến các thợ không có tâm sử dụng để vặt tiền khách hàng.
Nhiều thợ chỉ cắm dây và đồng hồ vào rồi vặn nhưng gas có vào hay không thì chỉ có thợ mới biết. Chủ nhà thấy thợ thực hiện thao tác đó thì nghĩ rằng điều hòa đã được bổ sung gas.
Ngoài ra, anh Thành cũng tiết lộ các chiêu mà thợ lắp đặt, sửa chữa điều hòa hay áp dụng như: Sử dụng các loại vật giá rẻ như dây điện, ống đồng kém chất lượng rồi báo giá cao, báo cháy tụ để thay tụ mới với giá cao…
Tiền công vệ sinh xịt rửa dàn lạnh và nóng thường dao động từ 150.000-250.000 đồng tùy vị trí, địa hình. Tuy nhiên, nhiều thợ thường kéo dài thời gian, vẽ thêm bệnh tìm cách đòi thêm tiền công.
"Có rất nhiều loại lỗi và mỗi lỗi thợ đều có cách moi tiền của khách. Ví dụ quạt dàn nóng chạy kém sẽ thay tụ, cảm biến dàn lạnh hỏng thay cảm biến… Các thiết bị này mua mới chỉ 20.000-30.000 đồng nhưng có khi thợ thu của khách 200.000 -300.000 đồng, gấp 10 lần giá gốc", anh Thành nói.
Từ thực tế trên, GS Nguyễn Đức Lợi cho rằng, người tiêu dùng nên trang bị những kiến thức cơ bản bằng cách tìm đọc tài liệu hoặc mua cuốn sách có kiến thức cơ bản về điện lạnh, điều hòa để tìm hiểu thêm. Khi thợ đến, hãy trao đổi với họ về kiến thức của mình để thợ biết chủ nhà cũng có những hiểu biết nhất định về máy điều hòa.
Các gia đình nên bảo dưỡng máy định kỳ. Cách bảo dưỡng an tâm nhất là gọi dịch vụ chuyên nghiệp của các đơn vị uy tín. Trường hợp tự bảo dưỡng ở nhà có thể thực hiện đơn giản bằng cách xịt dung dịch nước rửa bát pha loãng với nước vào dàn nóng, để 5-10 phút sau đó xịt sạch bằng bình xịt có áp lực nước cao để bụi bẩn cuốn trôi đi.
Theo anh Nguyễn Thành, cách 3-4 tháng các gia đình nên vệ sinh dàn lạnh, lưới lọc không khí của điều hòa của những nhà gần đường, khu vực nhiều bụi. Với nhà cao tầng, ít bụi, gần hồ, chỉ cần bảo dưỡng 1 lần/năm. Đối với dàn nóng, do thường đặt ngoài trời, nên có các biện pháp che chắn, bảo vệ nhằm hạn chế bụi bẩn, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp làm giảm độ bền.