Lập bàn thờ, “cúng sống” khách hàng vì bùng… 240 nghìn!
(Dân trí) - Mới đây, một chủ shop thời trang đã “cúng sống” khách hàng vì bùng 240 nghìn khiến dư luận xôn xao, “dậy sóng”. Điều đáng nói, hình ảnh này ngay lập tức đã được đẩy lên thành phong trào và được nhiều chủ shop áp dụng “trừng trị” những vị khách oái oăm.
Bán hàng online ngày càng trở lên phổ biến và nở rộ. Tuy nhiên, xung quanh việc giao dịch, mua bán trên mạng cũng nảy sinh không ít câu chuyện “dở khóc, dở cười”. Việc mua hàng không đúng so với quảng cáo, chuyện bán hàng kém chất lượng hay có những vị khách tai quái dùng đủ mọi chiêu trò để lừa đảo, “boom hàng”… đã không phải là câu chuyện lạ lẫm.
“Dậy sóng” vì chủ shop cúng sống khách hàng
Mới đây, một chủ shop thời trang đã “cúng sống” khách hàng vì bùng 240 nghìn khiến dư luận xôn xao, “dậy sóng”. Điều đáng nói, hình ảnh này ngay lập tức đã được đẩy lên thành phong trào và được nhiều chủ shop áp dụng “trừng trị” những vị khách oái oăm.
Theo đó, facebooker có tên N.P đăng tải chia sẻ: “"Phong trào mới cho mấy đứa có cái gan to. Dám boom hàng - bùng hàng của chị. Cầu cho cô siêu thoát về với hành tinh đúng của mình, 240 nghìn thôi, quá rẻ!".
Đi kèm với đó, nữ chủ shop này lập một bàn thờ giả với đĩa cam, nén hương và chiếc điện thoại có in hình nữ khách hàng. Ngay lập tức dòng trạng thái này đã có hơn 10 nghìn lượt chia sẻ và hàng trăm nghìn bình luận trái chiều từ cư dân mạng.
Trong khi một số người tỏ ra ủng hộ hành động của chủ shop thì không ít người cho rằng việc làm này là phản văn hóa và đã đi quá giới hạn. Một facebook bình luận: “Đành rằng, việc bị khách bỏ hàng không lấy là rất ức chế nhưng có nhiều cách để xử lý vấn đề. Việc cúng sống khách như thế này là xúc phạm, ảnh hưởng đến danh dự người khác”.
Facebooker N.H cũng đưa ra quan điểm: “Nếu gặp 10 khách hàng có vấn đề mà chủ shop đều lập bàn thờ để cúng sống thế này thì chắc cửa hàng không đủ chỗ. Hành động này chỉ làm nhiều khách quay lưng với shop hơn mà thôi”.
Trước sức ép quá lớn của dư luận, chủ shop có tên N.P cũng lên tiếng và thừa nhận hành động của mình hơi quá tuy nhiên, tất cả là do sự ức chế, bức xúc trước cách cư xử của khách hàng. “Mình không có ý trù ẻo bạn ấy mà chỉ mong bạn ấy suy nghĩ về hành động của mình mà nhận ra lỗi sai để lần sau không mắc phải”, N.P nói.
Văn hóa bán hàng xấu xí và tư duy làng xã
Thực tế, nếu như ngoài đời, các chủ cửa hàng phải đối diện với những vị khách như: ăn trộm, tráo hàng, lừa tiền… thì các shop online cũng gặp phải 101 tình huống tương tự. Tuy nhiên, có khác là cách xử lý vấn đề của từng người.
Chị Hương (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đến giờ chị vẫn bị ám ảnh bởi lần mua hàng trên mạng cách đây không lâu. Chỉ vì lỡ không nghe điện thoại của shiper giao hàng mà chị Hương sau đó bị chủ shop “truy sát”, đưa hết thông tin cá nhân, hình ảnh lên mạng bêu rếu, chửi rủa.
“Mình đặt áo trên mạng, do con nhỏ nên đã dặn chủ shop cứ giao hàng đến đúng địa chỉ nhà vì không phải lúc nào mình cũng nghe được điện thoại. Thế nhưng không hiểu sao, chủ shop vẫn nói mình cố tình bùng hàng và đưa thông tin của mình lên mạng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cá nhân”, chị H. nói.
Hay anh N.T.K (28 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải thay số điện thoại vì bị “liên minh” chủ shop online “tấn công” bằng tin nhắn rác thậm chí đe dọa “đánh cho sấp mặt”. “Chuyện thực ra cũng không có gì to tát, mình đặt mua đồ nhưng có việc gấp phải đi mà lại là đột suất nên cũng sơ suất không báo lại bên giao hàng. Họ gọi không được quay ra mắng chửi thậm tệ dù mình đã nhận lỗi”, anh K. nói.
Trao đổi với Pv Dân trí, PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam cho rằng, văn hóa bán hàng, đặc biệt bán hàng online ngày càng đáng báo động. Việc hành xử như dân giang hồ, dọa dẫm, đánh khách hàng hay “cúng sống” khách… thể hiện sự kém văn minh, tư duy làng xã và không thể chấp nhận. Người mua hàng Việt Nam hôm nay hẳn không còn lạ lẫm với kiểu văn hóa bán hàng lườm nguýt, thờ ơ, “mua thì niềm nở, không mua thì khinh miệt” ở nhiều cửa hàng.
Đáng tiếc, thói quen và cách hành xử xấu xí này lại có xu hướng tăng và ngày càng nở rộ. “Tất nhiên, đối với những trường hợp cố tình gây khó dễ, chơi xấu hoặc cạnh tranh không lạnh mạnh thì cần phải xử lý. Tuy nhiên, tất cả nên trong giới hạn. Việc lập bàn thờ cúng sống khách hàng dù vì lý do gì đều không thể chấp nhận”, PGS-TS Trịnh Hòa Bình khẳng định.
Trong khi đó, Luật sư Tuấn Anh (Công ty Luật Minh Bạch) cũng cho rằng, hành vi của chủ shop trên facebook “cúng sống khách hàng” do bội tín là hành vi không được pháp luật cho phép và cũng không được đạo đức xã hội chấp nhận, trào lưu này nên chấm dứt, tránh gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho các bên một cách không cần thiết.
Luật sư Tuấn Anh phân tích, về mặt đạo đức xã hội, theo phong tục đây là việc kiêng kị bị xã hội lên án, không hoan nghênh. Về mặt pháp luật, hành vi của chủ shop có thể bị coi là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi này theo qui định của pháp luật thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
“Trong trường hợp, các cửa hàng bị khách hủy hợp đồng gây thiệt hại về kinh tế có thể thực hiện các quyền dân dự của mình để yêu cầu khách hàng phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp đã yêu cầu trực tiếp mà khách hàng không bồi thường và giá trị hợp đồng đặt hàng lớn thì chủ shop có thể khởi kiện dân sự cô gái kia để đòi bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, chủ shop có thể có hành vi trừng phạt thương mại bằng cách đăng tải thông tin sự thật vụ việc trên trang cá nhân, các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung vụ việc. Nội dung thông tin về khách hàng và nội dung vụ việc “bỏ bom” không mua hàng cùng những thông tin và hình ảnh phải khách quan, không được thể hiện sự xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác”, Luật sư Tuấn Anh nói.
Hà Trang