Sóc Trăng:
Lão nông bỏ không 5ha đất để cưu mang chim trời
(Dân trí) - Hàng chục năm qua, 5ha đất nhà ông Quy luôn để không cho cây tạp mọc, số cây này chính là tổ để đàn cò, chim trời cư ngụ, sinh sôi giống nòi.
Gia đình ông Lâm Văn Quy (70 tuổi) ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng có khá nhiều người biết đến, bởi ông đã dành cả mảnh đất mênh mông cưu mang chim trời mấy chục năm qua.
Nghe có khách đến thăm vườn cò, ông Quy liền dắt chúng tôi ra mảnh vườn sau nhà. Men theo con đường mòn đầy cỏ dại đến một bãi đất trống ông chỉ: "Chỗ này chim, cò thường tập trung nhiều nên dễ quan sát, mấy chỗ khác cây cối um tùm khó thấy hơn".
Gần 4h chiều, nắng tắt, cò bắt đầu bay về đậu trên những ngọn cây trong vườn. Ngoài tre, bụi rậm, vườn của ông Quy còn có nhiều loại cây như dừa, mắm, bần, trâm bầu, bình bát… để cho chúng làm tổ, sinh sôi nảy nở.
"Trước giải phóng xung quanh đây toàn là rừng rậm, tre rất nhiều nên cò về đây sinh sống. Khi hòa bình lập lại, người dân trở về cất nhà sinh sống, môi trường tự nhiên bị xáo trộn nên chúng kéo về vườn nhà tôi ở. Cũng thật lạ vì xung quanh có nhiều vườn nhưng chúng chỉ ở mỗi gia đình tôi", ông Quy nhớ lại.
Theo ông Quy, ban đầu chỉ có vài cặp vạc đến làm tổ, cha mẹ ông trồng thêm dừa, trâm bầu..., có nơi sinh sống nên chim, cò kéo đến ở nhiều hơn. Cha mẹ ông thấy thế không những không đuổi mà còn trồng thêm nhiều cây cối (đa số là những cây cao) để cò có chỗ ở.
"Có thể nói tuổi thơ và trưởng thành của tôi đều gắn bó với đàn chim, cò sau vườn. Khi cha mẹ mất đi tôi luôn làm theo di nguyện cố gắng bảo tồn hệ sinh thái cho chim, cò ở. Vì thế 5ha đất sau nhà tôi để y nguyên, ai trả bao nhiêu cũng không bán vì nơi đó là mái nhà của chúng", lão nông Lâm Văn Quy bày tỏ.
Bao năm qua cò đến ở rồi bay đi kiếm ăn. Có thời điểm ông cưu mang đến hàng chục nghìn cá thể, trong đó có 6 loại cò gồm cò ngà, lỡ, trắng, trâu, ma, mỏ vàng ăn ruồi, ngoài ra còn có con diệc, quắm đen, vạc, còng cọc, điên điển, bạc má, sáo, cuốc,...
Tờ mờ sáng, chúng bắt đầu bay đi kiếm ăn đến khoảng 5h chiều thì về tổ. Riêng loài vạc khi chiều tối chúng bay đi kiếm ăn. Do sinh sôi nhiều nên những thân cây chúng đậu đều bị còi cọc, không lớn nổi, có cây bị chim, cò đậu trụi lá, khô héo chúng lại bay sang cây khác làm tổ. Nên cứ thấy chỗ nào trống ông Quy lại trồng thêm cây khác xen vào.
Biết vườn nhà ông Quy có nhiều cò, nhiều tay săn bắt ngày đêm rình mò bắn phá.
"Vườn chim rộng nằm gần ao tôm, ruộng lúa, đường đi lại dễ dàng nên nhiều người vẫn lén lút săn bắn chim. Họ dùng súng cao su (ná thun) bắn bằng đất sét vo tròn để khô.
Sáng nào ra dạo quanh vườn tôi cũng nhặt được nhiều con chim chết. Những con chim này bị người ta bắn nhưng chưa chết, chúng ráng bay về vườn rồi chết. Nhìn chim chết mà đứt ruột", ông Quy buồn bã nói.
Được biết, gia đình ông Quy có hơn chục hecta đất, phân nửa làm chỗ nuôi cò, còn lại ông nuôi tôm, trồng lúa để có thu nhập trang trải. Các con của ông Quy đều ăn học thành tài, công việc ổn định.