Hà Tĩnh:

Hai gia đình hàng chục năm "cưu mang" chim trời

Tiến Hiệp

(Dân trí) - Gần 60 năm qua, cứ mỗi mùa sinh sản, hàng trăm con chim trời bay về làm tổ ở khu vườn 3.000 m2 của một gia đình ở xã Cẩm Lạc và được người dân bảo vệ, cưu mang.

Nơi hàng trăm đàn chim trú ngụ, được người dân bảo vệ vào mùa sinh sản.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 1

Năm 2015, xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới. Những mảnh vườn tạp được xóa bỏ, đường làng, ngõ xóm bê tông hóa. Tuy nhiên, khi đặt chân đến thôn Đinh Phùng, người ta dễ nhận thấy một khu vườn xanh rậm với hàng chục cây thân gỗ cao lớn.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 2

Đó là khu vườn rộng khoảng 3.000 m2 của gia đình bà Đinh Thị Trí (77 tuổi), cũng là nơi hàng trăm đàn chim trời đã bay về trú ngụ, được cưu mang vào mùa sinh sản.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 3

Đang quét dọn dưới những tán cây ríu rít tiếng chim non cùng người em dâu là bà Bùi Thị Miện, theo bà Trí, khu vườn trên đã tồn tại rất lâu, cách đây gần 60 năm khi 2 bà về làm dâu ở đây đã có những đàn chim bay về làm tổ.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 4

"Khu vườn này do ông cha để lại, không biết những đàn cò, cói làm tổ ở đây từ bao giờ nhưng từ khi lấy chồng về đây chúng tôi đã thấy chúng. Cũng từ đó tới nay, chúng tôi làm công việc bảo vệ, chăm sóc đàn chim, không để ai xua đuổi, săn bắt", bà Trí nói.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 5

Theo lời kể của chị em bà Trí, hàng năm, cứ độ khoảng tháng 2 đến tháng 8 Âm lịch, hàng trăm cặp chim sẽ bay về khu vườn trên làm tổ. Khi chim con đủ lông đủ cánh thì sẽ rời đi.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 6

Tùy vào thời tiết, nếu sang Xuân ấm áp thì đàn cói sẽ về sớm, còn khi rét mướt thì chúng về muộn hơn. Có những năm thời tiết khắc nghiệt, đàn cò, cói về muộn, họ lại lo đàn cói sẽ không còn quay lại đây làm tổ nữa.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 7

"Cuối tháng Tư là giữa mùa giao phối nên chim tập trung đông nhất, có khi hàng ngàn con. Mỗi mùa chúng sẽ đẻ khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 3-5 trứng", bà Trí bật mí.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 8

Hiện tại, khu vườn rộng chừng 3.000 m2 của bà Trí có rất nhiều cây gỗ cao từ 10-15m, theo bà những cây mà chim thích làm tổ là cây bài lài đá. Để chúng lớn được như hiện tại phải mất trên 50 năm, trong vườn giờ chỉ còn khoảng 5 cây loại lớn.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 9

Cũng theo chia sẻ của bà Trí, trung bình mỗi cây to có khoảng 15-20 tổ chim cói, tuy nhiều tổ như thế nhưng chúng rất đoàn kết, ít cắn nhau. Mỗi khi phát hiện có mối đe dọa là chúng lại thi nhau kêu to để cảnh báo với đàn.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 10

Năm 2017, cơn bão số 10 với sức gió mạnh, đã khiến nhiều cây cối trong khu vườn hai gia đình bị gãy, đổ. Vì thế, những năm sau đó, số lượng các đàn chim về ít hơn hẳn khiến mọi người trong hai gia đình thấy hụt hẫng.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 11

"Trước đây, nhiều loài chim về làm tổ tại khu vườn của bà như cò, vạc, cói... Thế nhưng, vài năm trở lại đây, lượng chim tìm về vườn ít dần, chủ yếu mỗi chim cói", bà Miện nói.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 12

Một nguyên nhân khiến sự sụt giảm của đàn chim khiến gia đình 2 chị em bà Miện lo lắng là nhiều người dùng súng hơi bắn khiến chim mẹ không dám về chăm con. Có nhiều đêm chim mẹ không về, buổi sáng chim con rơi xuống đất chết. Trước nạn lén lút săn bắt, 2 gia đình chị em bà Miện đã buộc những chú chó dưới gốc cây, khi thấy người lạ sẽ báo động cho mọi người.

Hai gia đình hàng chục năm cưu mang chim trời - 13

"Đối với những chú chim bị thương do người khác bắn, chúng tôi sẽ ra sức cứu chữa và thả về tự nhiên. Với nhiều tổ chim non mất mẹ, chúng tôi tự tay chăm sóc đến khi chúng trưởng thành và tự kiếm ăn. Dù ra sức bảo vệ, chăm sóc nhưng chúng tôi lo rằng tình trạng săn bắt của một số người sẽ khiến chim trời không còn về đây nữa", bà Miện trăn trở.

Ông Đặng Văn Thức - Bí thư Chi bộ thôn Đinh Phùng cho biết, năm 2015, phát động phong trào xóa bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Ủng hộ chủ trương vì lợi ích cộng đồng nhưng nghĩ đến những cánh chim kia đang cần nơi trú ngụ, hai gia đình chị em bà Trí đã đề xuất với chính quyền địa phương việc giữ nguyên khu vườn nhằm có môi trường sinh thái tự nhiên cho đàn chim.

"Khi nghe hai gia đình bà Miện và bà Trí đề xuất, thôn đồng ý ngay. Việc giữ nguyên khu vườn là việc cần thiết, chính đáng để bảo vệ đàn chim trời sinh sôi nảy nở", ông Thức nói.

Còn ông Nguyễn Viết Thuấn - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc cho hay, trước đây, địa phương này cũng có một vài hộ có chim trời tới trú ngụ nhưng sau đó chúng rời đi, duy chỉ còn khu vườn của hai gia đình bà Bùi Thị Miện và bà Đinh Thị Trí là chim vẫn tới cư trú, sinh sản hàng năm.

"Việc "cưu mang" chim trời của hai gia đình trên là rất đáng ghi nhận. Chính từ việc làm của hai bà cũng đã giúp người dân địa phương ý thức hơn về việc chung tay bảo vệ động vật hoang dã", ông Thuấn nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm