Lạ lùng điều luật cho phép nhân viên vừa làm việc vừa say xỉn

(Dân trí) - Tòa án Hiến pháp Colombia vừa đồng ý thông qua một điều luật trong Luật Lao Động được giải thích lại và cho phép nhân viên đến cơ quan trong tình trạng say xỉn hay đang phê thuốc, chỉ cần họ có thể hoàn thành công việc.


Nhân viên ở Colombia có thể uống rượu khi làm việc (ảnh minh họa: citizen-times)

Nhân viên ở Colombia có thể uống rượu khi làm việc (ảnh minh họa: citizen-times)

Trước đây, như bao nước khác trên thế giới, đến cơ quan trong tình trạng đang say hay phê thuốc đều bị cấm ở Colombia. Thế nhưng điều luật vừa được sửa đổi giờ lại bảo vệ các nhân viên say xỉn. Điều luật này coi việc say xỉn và phê thuốc ngang với các bệnh nghề nghiệp và cho rằng các chất này thường không cản trở hiệu suất làm việc.

Năm ngoái, hai sinh viên tại trường Đại học Uniciencia ở Bucaramanga đã lên tiếng thách thức Luật Lao Động tại Tòa án Hiến pháp. Họ cho rằng điều luật này đã vi phạm hai điều khác trong hiến pháp.

Một là tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và khẳng định rằng nhà nước có nghĩa vụ cung cấp bảo vệ đặc biệt cho người, mà vì hoàn cảnh kinh tế hay điều kiện thể chất và thần kinh, họ ở vị thế yếu hơn. Hai là hiến pháp quy định cơ hội bình đẳng cho mọi nhân viên.

Hai sinh viên cho rằng sếp không được phép đuổi việc hay phạt nhân viên vì uống rượu hay dùng thuốc trừ khi điều đó rõ ràng đã gây ảnh hưởng đến kết quả công việc. Tòa án cũng đồng ý và quyết định sửa luật.

Tuy nhiên, để tránh thảm họa, tòa án cũng đặt ra những ngoại lệ phải cấm, đặc biệt là những hành động hay công việc có tính đe dọa cao đến nhân viên, đồng sự hay bên thứ ba như ngành hàng không.

Còn với những hoạt động ít nguy hiểm hơn thì nhân viên sẽ không bị phạt, chỉ cần họ có thể hoàn thành công việc.

Quyết định này của tòa án đã hứng chịu nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ các tổ chức chống lạm dụng thuốc.

Augusto Pérez, một nhà vật lý trị liệu và giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Nuevos Rumbos cho biết tổ chức của ông nghiên cứu và ngăn chặn hành vi lạm dụng thuốc. Augusto cho rằng quyết định của tòa án sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội và gây nguy hiểm cho chính các nhân viên.

Ông cho rằng đây là một tiền lệ nguy hiểm cho phép người ta làm gì tùy ý mà không cần suy sét đến hậu quả sau này.

Juan Manuel Charry, chuyên gia về luật hiến pháp thì lại cho rằng nhân viên không nên bị phạt vì uống rượu hay dùng thuốc nếu họ không làm gì sai trái, ví dụ như một người đi ăn trưa, uống hai cốc rượu rồi quay trở lại làm việc vậy.

Ngô Vân
Theo OC