Kỷ luật và đổi mới: Lời giải cho các nhà lãnh đạo, quản trị
(Dân trí) - Bất kỳ một nhà lãnh đạo nào cũng đều mong muốn tạo dựng được nét văn hóa bên trong doanh nghiệp của mình. Thế nhưng, văn hóa có lớn mạnh hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào bộ máy điều hành và cách "chèo lái" của người lãnh đạo.
Trong kinh doanh có một thứ không bao giờ thay đổi đó là mọi thứ luôn thay đổi. Và các nhà lãnh đạo phải luôn học hỏi, phát triển để cập nhật cho mình những tư duy, chiến lược kinh doanh mới. Để từ đó, nâng cao năng lực điều hành giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và thích nghi với bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Chưa hết, vai trò của người lãnh đạo còn là nâng tầm nhìn và đưa việc thực hiện mục tiêu đạt tới "vạch đích" cao hơn; giúp phát triển khả năng của từng nhân viên, khiến họ có thể "phá vỡ" những giới hạn thông thường.
Thế giới kinh doanh luôn thay đổi từng ngày, từng giờ. Việc không chịu đổi thay sẽ khiến cho doanh nghiệp nói chung và nhà lãnh đạo nói riêng đi vào ngõ cụt. Thực tế cho thấy, không ít các công ty "khổng lồ" được coi là bất khả xâm phạm lần lượt suy thoái và nhường lại ngôi vị trên thị trường cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, bằng việc bắt kịp và dẫn đầu xu thế thị trường, rất nhiều các doanh nghiệp với các nhà lãnh đạo trẻ cùng những ý tưởng sáng tạo, mới lạ lại có thể trụ vững trong thời kỳ khủng hoảng.
Anh Tony Dzung - Chủ tịch hội đồng quản trị HBR Holdings - đã có những chia sẻ về sự thay đổi trong quản trị doanh nghiệp hiện nay khi mà tác động của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung: "Để có thể vượt qua thời kỳ nhạy cảm như hiện nay, bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần có một nền tảng văn hóa với tư duy học hỏi, đổi mới liên tục. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo, quản lý cũng cần có những hành động để tạo ra sự thay đổi một cách nhanh chóng và phù hợp nhất có thể. Hãy nhớ rằng lãnh đạo là trần nhà. Và chỉ khi nâng tầm được trần nhà thì doanh nghiệp mới lớn mạnh được".
Anh Tony Dzung cũng nhận định hiện nay doanh nghiệp có thể áp dụng 3 cách để thay đổi và thích nghi với tình hình hiện tại. Theo đó, cách đầu tiên chính là vẫn giữ nguyên các kênh bán hàng và marketing nhưng có sự thay đổi, phát triển hơn về mặt sản phẩm. Thứ hai, là giữ nguyên sản phẩm nhưng sẽ đẩy mạnh đa kênh, đặc biệt tập trung vào kênh bán hàng và marketing online bên cạnh tối ưu hóa các kênh truyền thống. Cuối cùng, đó chính là đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp buộc phải có sự tinh gọn bộ máy, thay đổi mô hình kinh doanh để có thể đảm bảo doanh thu cũng như dòng tiền doanh nghiệp, đồng thời chọn được những nhân sự chất lượng có năng lực thích nghi.
Thay đổi là cả một quá trình. Để thúc đẩy sự thay đổi, người đứng đầu doanh nghiệp cần phải đặt ra những mục tiêu rõ ràng, cụ thể; kèm với đó là tính kỷ luật. Việc nghiêm ngặt với bản thân sẽ giúp cho nhà lãnh đạo tạo nên những thói quen tốt, khiến rút ngắn khoảng cách giữa mục tiêu và kết quả.
"Kỷ luật chính là cây cầu nối giữa mục tiêu và kết quả. Và chỉ có kỷ luật mới tạo ra sức mạnh. Mỗi doanh nghiệp cần phải làm chủ hướng đi của sự kỷ luật, để tổ chức không có chỗ cho kẻ bỏ cuộc và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Bởi cuối cùng, không ai quan tâm bạn đã trải qua những gì, mà kết quả sẽ nói lên bạn là ai." - anh Tony Dzung chia sẻ.
"Kỷ luật" là một từ ngữ tưởng chừng như khô khan nhưng lại là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo thành công. Và kỷ luật kết hợp với sự không ngừng đổi mới, tự nâng cấp bản thân sẽ giúp các nhà lãnh đạo có thể "chèo lái" doanh nghiệp của mình một cách hiệu quả, linh hoạt trước những tác động bất ngờ từ thương trường "khốc liệt" bên ngoài.