Kiến trúc độc đáo của ngôi trường tồn tại hơn 1 thế kỷ ở TPHCM
(Dân trí) - Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (tiền thân là trường dòng Lasan Taberd) đã tồn tại 146 năm. Trường hiện vẫn còn bảo tồn được nhiều kiến trúc cổ kính có từ thời Pháp thuộc.
Năm 1874, cha Henri De Kerlan (cha sở coi thánh đường Sài Gòn) tự bỏ tiền riêng sáng lập và xây dựng trường dòng Lasan Taberd, đặt tại khu vực vốn là khuôn viên dinh của Tri phủ Tân Bình
Nơi đây đầu tiên sử dụng để nuôi trẻ mồ côi lai Âu và lai Pháp bị bỏ rơi, sau này thu nạp học sinh không phân biệt tôn giáo. Ban đầu, trường có 58 học trò do các tu sĩ, truyền giáo gồm 2 người Việt, 2 người Pháp dạy.
Năm 1976, Sở Giáo dục TPHCM cho thành lập ngôi trường mới tại cơ sở này mang tên trường Trung học Sư phạm TPHCM và đào tạo khóa đầu tiên. Đến năm 2000, trường Trung học Sư phạm được chuyển đổi thành trường THPT Trần Đại Nghĩa như ngày nay.
Dù nằm ở trung tâm thành phố ồn ào, nhưng khi bước chân vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa không gian trở nên yên tĩnh. Từ cổng chính đường Lý Tự Trọng đi vào trường, ở khoảng sân lớn là bức tượng của Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.
Trải qua thời gian dài, các dãy nhà chính của trường vẫn còn khá nguyên vẹn. Các tòa nhà được chia thành các khu A, B, C, D và khu nhà trung tâm; trong đó, khu C, D và trung tâm mang kiến trúc đẹp nhất và giữ lại gần như nguyên vẹn lối kiến trúc cổ điển, tiêu biểu cho phong cách Pháp xen lẫn lối trang trí mang hơi hướng Á Đông.
Nguyễn Quang