“Khởi nguồn cho tương lai xanh” - Lời giải cho bài toán nhân lực ngành điện
Sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp ngoài ngành vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện năng đã kéo theo nhu cầu sử dụng lực lượng lao động có chuyên môn cao ngày càng lớn. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng không kém phần thách thức đối với các cơ sở đào tạo và những lao động trẻ - nguồn nhân lực tương lai của ngành Điện.
Rút ngắn khoảng cách nhà trường – doanh nghiệp
Cũng giống như trong những ngành công nghiệp khác hiện nay, khoảng cách giữa chất lượng đào tạo của nhà trường và nhu cầu thực sự của doanh nghiệp đối với nguồn nhân sự là một tồn tại chưa thể giải quyết của ngành Điện.
Chương trình đào tạo ở nhà trường đảm bảo được kiến thức chuyên môn và thực hành tay nghề nhưng lại thiếu cơ hội cho các học viên tiếp cận với những thiết bị công nghệ cao và quy trình làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, 2 yếu tố này lại đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy các nhân sự trẻ thể hiện bản thân, làm chủ công nghệ tiên tiến và đóng góp nhiều hơn cho công ty.
Thực tế này đã đặt ra nhu cầu bức thiết phải có những hỗ trợ, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường nhằm đưa ra một mô hình học tập – thực hành – phát triển kỹ năng, qua đó, rút ngắn khoảng cách giữa chất lượng đào tạo và yêu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp.
Trao cơ hội đào tạo – khởi nguồn Tương lai Xanh
Được sự hỗ trợ tổ chức từ Quỹ Schneider foundation phối hợp cùng quỹ đầu tư DEG, tổ chức phi chính phủ quốc tế ASSIST và hỗ trợ của Schneider Electric Việt Nam, chương trình “Đào Tạo Điện – Khởi nguồn cho Tương lai Xanh” là một trong những giải pháp nổi bật đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân sự ngành Điện hiện nay bằng cách tập trung phát triển vào mảng đào tạo nghề và công nghệ trong ngành điện, quản lý năng lượng và kinh doanh bền vững.
Chương trình được khởi điểm bằng việc xây dựng và triển khai thành công phòng thực hành dự án “Đào tạo Điện” tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM nhằm phục vụ cho các chương trình đào tạo nghề điện chất lượng cao cho thanh thiếu niên không có may mắn trong cuộc sống. Phòng thực hành được chia thành 2 phần đào tạo: điện gia dụng và điện công nghiệp với rất nhiều giáo cụ trực quan, phương pháp học hiện đại (học viên tự đọc tài liệu, thực hành và yêu cầu sự hỗ trợ của giáo viên, trợ giảng chỉ khi cần thiết), tăng thời gian thực hành tại chỗ, trên các trang thiết bị được cập nhật thường xuyên.
Tiếp nối thành công sau một năm đưa phòng thực hành điện vào hoạt động ( tháng 11 năm 2016 đến tháng 11 năm 2017) chương trình “Đào Tạo Điện – Khởi nguồn cho Tương lai Xanh” tiếp tục nhân rộng các hoạt động của mình sang lĩnh vực đào tạo cho giảng viên, các học viên của trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM và các doanh nghiệp khác có nhu cầu đào tạo nguồn nhân sự trẻ bằng các chương trình mới như hợp tác với giảng viên đến từ Pháp, hỗ trợ học phí, nơi ăn ở cho sinh sinh kém may mắn hay ở xa. Qua đó, đảm bảo chất lượng giảng dạy theo đúng quy chuẩn quốc tế, góp phần đưa chương trình đến đúng đối tượng, đồng thời giúp các sinh viên theo học có thêm nhiều lợi thế khi tìm đến các cơ hội nghề nghiệp ở những công ty nước ngoài.
Một trong những thành công đáng kể được nhắc đến trong lễ kỷ niệm một năm đi vào hoạt động là những học viên sau khi tham gia khoá học đều được các doanh nghiệp tuyển dụng hài lòng và đánh giá cao về chất lượng và trình độ công việc.
Đại diện Công ty Cổ Phần Dây Cáp Điện DAPHACO, một trong những doanh nghiệp tin tưởng lựa chọn chương trình “Đào tạo Điện – Khởi nguồn tương lai xanh” để đào tạo nhân sự của mình, chia sẻ: “Chúng tôi đã cử 8 lao động theo học chương trình đào tạo, với mong muốn nâng cao tay nghề cho các bạn, đồng thời giúp các bạn tiếp cận với các quy trình, thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những gì mà Daphaco nhận lại được sau chương trình rất ấn tượng. Từ phía người sử dụng lao động, chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều khóa học tương tự, nhằm cải thiện chất lượng nhân lực ngành điện vốn đang rất thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn cao.”
Từ phía sinh viên tham gia chương trình, bạn Phi Yến, một sinh viên năm 3 của Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng vừa tốt nghiệp khóa “Đào tạo Điện” chia sẻ: “Em được tiếp cận với nhiều thiết bị cao cấp mà các khóa học trong trường hiện tại chưa có điều kiện. Đồng thời, chương trình còn giúp em và các bạn có cơ hội được học về những kiến thức chưa có trong giáo án của chương trình đào tạo như điện mặt trời. Sau khi kết thúc chương trình này, em nghĩ mình sẽ tự tin hơn khi tìm việc trong tương lai.”
Những kết quả thành công nhìn thấy được của chương trình “Đào tạo Điện – Khởi nguồn cho Tương lai Xanh” sau một năm đi vào hoạt động, cùng các phản hồi tích cực từ các học viên, giảng viên, và các doanh nghiệp chính là tín hiệu đáng mừng để chương trình đào tạo tiếp tục được nhân rộng và phát triển trong thời gian tới. Việc này cũng nhằm đáp ứng các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của chương trình: hỗ trợ các bạn thanh niên không may mắn ở Việt Nam có một nghề nghiệp ổn định trong tương lai cũng như góp phần xây dựng một đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên nghiệp trong sử dụng và quản lý điện, năng lượng cho Việt Nam.