Khổ như trẻ mặc…đồng phục
(Dân trí) - Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, đồng phục học sinh với chất liệu quá kém, mẫu mã lại đơn điệu trong khi giá thành cao…Một số ý kiến khác lại cho rằng, không nên quan trọng vấn đề đồng phục, gây ảnh hưởng đến vấn đề học hành của trẻ khi bước vào năm học mới.
Học sinh chê… đồng phục xấu, ngứa
Cứ vào đầu năm học mới, đồng phục học sinh tưởng chừng là chuyện nhỏ nhưng lại khiến nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) bức xúc.
Cô con gái nhỏ của chị Hoàng Thị Mai (ở Trương Định, Hoàng Mai) cho học lớp 1 mặc đồng phục đi học nhưng bé cứ lắc đầu quẩy quậy: “Con ghét mặc bộ quần áo này lắm, con thích mặc váy kẻ đi học cơ”. Chị gọi điện xin phép cô giáo nhưng cô cũng không đồng ý: “Nếu con không mặc đồng phục không được đến lớp. Bởi vì, tuần qua, lớp cũng có nhiều bạn không mặc đồng phục làm mất điểm thi đua của lớp”. Chị Mai thuyết phục thế nào con cũng không mặc đồng phục. Trường hợp như con chị Mai không phải là hiếm, rất nhiều học sinh (HS), nhất là trẻ nhỏ mới vào lớp 1, tỏ ra không thích mặc đồng phục.
Do may đồng loạt nên đồng phục ở trường thường chỉ có size to, trung bình, nhỏ nên HS phải chấp nhận mặc “vừa tương đối”. Tuy nhiên, quần áo có cỡ này, lại là cực hình đối với những trẻ thừa cân, béo phì. HS Lê Đức Mạnh mới chỉ là học sinh lớp 6 nhưng có thân hình quá khổ, nặng 67kg, cao hơn 1m58, nên dù đã phải mặc đến cỡ quần áo to nhất của học sinh lớp 9 vẫn cứ phải… ních. Quần áo đồng phục cu cậu mặc đi học cứ căng phình, chực rách.
Tuy nhiên, điều mà nhiều phụ huynh thường xuyên phàn nàn nhất chính là chất liệu đồng phục. Vải may quần áo đồng phục của trường thường pha nhiều nilon, mặc rất bí vì không thoát mồ hôi. Một HS trường THCS cho hay áo khoác đồng phục có chun bo ở ống tay. Tuy nhiên, chun may chật khiến em mặc vào bị bó, ngứa, nổi mẫn, mỗi lần mặc áo đồng phục không thoải mái, khó chịu lắm.
Khảo sát của PV Dân trí cho thấy, tại nhiều trường trên địa bàn Hà Nội, áo khoác đồng phục mùa đông phổ biến có hai màu xanh chết và nâu sậm - bị đánh giá là mầu sắc già và không phù hợp với lứa tuổi HS. Vì thế, nhiều HS mặc đồng phục chỉ vì bị bắt buộc.
Lại có trường không chỉ dừng lại ở đồng phục quần xanh, áo trắng mà còn có cả đồng phục comple. Đồng phục dạng này có nhìn trông bắt mắt, lịch lãm nhưng vào những ngày này, bắt các cháu đóng bộ comple thì quả là cực hình. Trong khi thời tiết miền Bắc còn nắng nóng, trẻ vận động, chạy nhảy một lúc trong giờ ra trời thì mồ hôi đã ướt đẫm. Vào mùa đông, nhiệt độ dưới 15 độ C thì đồng phục comple cũng không giữ ấm được cho trẻ.
Nhưng có lẽ đối với học sinh thì đồng phục thể dục gồm áo da cam và quần dài bên trong lót nỉ… đang trở thành nỗi kinh hoàng nhất. Về lý thuyết, các con chỉ mặc đồng phục thể dục vào tiết thể dục. Nhưng, hầu hết các trường học hiện nay không có chỗ thay đồ hoặc học sinh không có tủ đựng đồ cá nhân nên đành phải mặc đồng phục thể dục từ nhà và mặc suốt ngày ở trường… Đã vậy, nhà trường bố trí các tiết học thể dục cũng bất hợp lý. 2 tiết thể dục trong tuần xếp liền vào hai ngày thứ 4, 5. Vì thế, nếu tối thứ 4 có giặt thì đồng phục thể dục không thể kịp khô vào sáng thứ 5 cho trẻ mặc tiếp. Vì thế, bộ đồng phục sang ngày thứ 2 thường có mùi mồ hôi và rất chua. Nhiều phụ huynh than, không lẽ, chỉ vì 2 tiết thể dục mà bố mẹ phải bỏ thêm cả trăm nghìn đồng mua 2 bộ đồng phục cho con.
Vào năm học mới, chị Hoàng Thị Mai đóng tiền mua đồng phục cho con. 3 bộ đồng phục (1 bộ ngắn tay, 1 bộ dài tay, 1 bộ đồ thể dục) và một áo khoác với giá khoảng 1.350.000 đồng. Chị nhẩm tính mỗi bộ trung bình khoảng 350.000 đồng, thì không rẻ so với mức thu nhập bình quân của cán bộ công chức.
“Giá không rẻ nhưng nhìn đồng phục của cháu đường may xiêu vẹo, mũi chỉ thưa, đường vắt sổ lỏng lẻo, những sợi chỉ thừa dài loằng ngoằng chỉ rút nhẹ là tuột hết chỉ. Con mới đi học được ba ngày thì quần đã rách toạc ở đũng. Con khóc cả buổi vì bị bạn chế giễu, khiến con có ác cảm với đồng phục”- chị Mai kể.
Trái ngược với những ý kiến tỏ ý không hài lòng về mẫu mã và chất lượng của đồng phục, một số phụ huynh khác lại cho rằng: Kết quả và chất lượng học tập của các cháu mới quan trọng. Do đó, các bậc phụ huynh không nên vì quá chú trọng vào vấn đề chất lượng hay kiểu dáng đồng phục của các cháu, dẫn đến ảnh hưởng đến mục đích chính là học tập, thu nạp kiến thức.
Thậm chí, một số phụ huynh còn cho rằng với các cháu học sinh, đồng phục chỉ có tính chất để nhận dạng xem cháu là học sinh trường nào và không nên khuyến khích việc các cháu đòi hỏi về kiểu dáng này nọ, gây ấn tượng không tốt về vấn đề đồng phục.
Bước vào năm học mới, câu chuyện đồng phục học sinh lại gây nhiều tranh cãi. Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Mọi đóng góp, chia sẻ xin gửi về email: Doisong@dantri.com.vn. |
---|
Kiều Việt Thành