Gen Z định vị thương hiệu cá nhân: Dám khác biệt, dám đối diện
(Dân trí) - Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội không chỉ là nơi giải trí mà còn là "đòn bẩy" để người trẻ định vị thương hiệu cá nhân, mở ra cơ hội việc làm và phát triển bản thân.
Định vị bằng sự khác biệt
Thương hiệu cá nhân không chỉ dành cho người nổi tiếng mà cần thiết trong mọi ngành, nghề, mang lại lợi thế cạnh tranh và cơ hội phát triển. Theo ông Đỗ Ngọc Sơn, giảng viên môn Xây dựng thương hiệu cá nhân, sự khác biệt là yếu tố cốt lõi để xây dựng thương hiệu bền vững.
"Sự khác biệt giúp tạo dấu ấn riêng trong thị trường cạnh tranh. Mỗi người cần tìm ra "ngách" của mình, thể hiện bản sắc và thế mạnh cá nhân", ông Sơn nhấn mạnh.

Phương Ngân luôn chú trọng việc tạo ra những nội dung hài hước, giải trí, mang đến niềm vui cho người xem trên kênh TikTok của mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chị Phương Ngân (SN 2000, Hà Tĩnh) là chủ kênh TikTok đang có gần 200.000 lượt theo dõi và 7,5 triệu lượt thích.
Theo chị Ngân, ban đầu chị không có ý định xây dựng thương hiệu cá nhân hay kiếm tiền từ nền tảng này. Tuy nhiên, một video review (đánh giá, trải nghiệm) quần áo bất ngờ lên xu hướng, đã giúp chị nhận ra tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này.
TikTok là một nền tảng mở, nơi ai cũng có thể sáng tạo nội dung, vì vậy, theo chị Ngân, thử thách lớn nhất là xác định điểm mạnh và sự khác biệt của bản thân giữa hàng triệu content creator (người sáng tạo nội dung) khác. Do đó, chị tập trung nghiên cứu nhu cầu người xem, định hình phong cách riêng.
"Nội dung có thể giống nhau, thậm chí ngoại hình cũng có thể bắt chước, nhưng năng lượng mình mang lại là khác biệt. Gen Z (thuộc thế hệ được sinh ra vào khoảng năm 1997 và 2012) bọn mình hay gọi đó là "vibe" (phong cách). Cứ là chính mình, khán giả sẽ cảm nhận được", chị Ngân nhận định.

Với anh La Thành, xây dựng thương hiệu cá nhân không chỉ là tạo dấu ấn riêng biệt mà còn hướng đến việc mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Anh La Thành (2003, Hà Nội), sở hữu trang cá nhân Facebook gần 30.000 lượt theo dõi, xem tri thức là nền tảng tạo sự khác biệt. Làm MC (người dẫn chương trình) song ngữ, interview coaching (huấn luyện viên phỏng vấn) và giáo viên tiếng Anh, anh Thành kết nối các lĩnh vực này để định vị bản thân trên nền tảng số.
"Có kiến thức và trải nghiệm mới sáng tạo nội dung độc đáo và xây dựng thương hiệu bền vững", anh Thành khẳng định. Vì vậy, anh Thành không ngừng học hỏi và tìm kiếm phương pháp mới để phát triển thương hiệu cá nhân một cách hiệu quả hơn.
Bản lĩnh đối diện tiêu cực trên mạng xã hội
Chị Phương Ngân từng xuất hiện trên mạng xã hội với cân nặng 85kg và hứng chịu nhiều lời chê bai ngoại hình, thậm chí chỉ trích lối sống. Thay vì để những bình luận tiêu cực nhấn chìm mình, chị chọn cách đối diện, biến áp lực thành động lực thay đổi.
"Tôi không đáp trả hay để cảm xúc tiêu cực chi phối. Mình âm thầm thay đổi từng ngày, không phải để làm hài lòng ai, mà vì chính bản thân mình", chị Ngân chia sẻ.
Từ một cô gái từng bị miệt thị ngoại hình, chị kiên trì theo đuổi lối sống lành mạnh, áp dụng phương pháp giảm cân khoa học, duy trì thói quen ngủ sớm, dậy sớm và tập luyện đều đặn.
Từ cô gái sở hữu cân nặng "cảnh báo", chị Ngân trở thành KOL (người có sức ảnh hưởng) trong lĩnh vực làm đẹp, chia sẻ hành trình giảm cân, bí quyết phối đồ và truyền cảm hứng cho những người từng gặp áp lực về ngoại hình như mình.

Ông Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý những rủi ro truyền thông trong xây dựng thương hiệu cá nhân (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tương tự, anh La Thành cũng từng đối mặt với những phản ứng tiêu cực khi mới xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội.
Giữa năm 2022, sau khi thực hiện một số series (chuỗi nội dung) cùng một MC - Hot Influencer (người nổi tiếng), anh vấp phải nhiều nhận xét gay gắt về chuyên môn, thậm chí bị hiểu lầm là đang "khoe khoang" quá đà.
Anh La Thành thừa nhận điều khiến anh bận tâm hơn cả là cảm xúc của những bên liên quan như khách hàng, doanh nghiệp hay gia đình. Thay vì để áp lực chi phối, anh chọn cách nhìn nhận vấn đề, điều chỉnh định hướng truyền thông, tập trung vào những giá trị thực sự mà mình muốn mang lại.
"Tôi bắt đầu tham gia các dự án thiện nguyện, đẩy mạnh truyền tải hình ảnh tích cực và học cách chấp nhận ý kiến trái chiều. Quan trọng nhất là luôn truyền tải sự thật, chân thành, hạn chế nói quá để tạo cái nhìn thiện cảm hơn", anh chia sẻ.
Ông Đỗ Ngọc Sơn nhận định, khi hoạt động trên mạng xã hội, người trẻ có thể nhận được sự ủng hộ và khen ngợi, nhưng cũng không tránh khỏi những lời phê bình, thậm chí chỉ trích. Đặc biệt, nếu mắc sai lầm hoặc vướng vào sự cố, việc bị cộng đồng mạng quay lưng hay còn gọi là "khủng hoảng truyền thông" hoàn toàn có thể xảy ra.
Do đó, ông Sơn khuyên người trẻ cần chuẩn bị tinh thần ứng phó rủi ro truyền thông trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân. "Khi khủng hoảng xảy ra, xử lý chân thành, minh bạch và thông minh sẽ giữ được lòng tin khán giả", ông nhấn mạnh.
Để hạn chế tối đa rủi ro, mỗi cá nhân cần giữ thái độ chuẩn mực, khéo léo trong xử lý tình huống và đặc biệt luôn tỉnh táo trong từng phát ngôn, hành động. Trong môi trường mạng xã hội đầy biến động, bản lĩnh và sự chuyên nghiệp chính là yếu tố giúp thương hiệu cá nhân phát triển bền vững.
Mạng xã hội là "bệ phóng" để người trẻ định vị bản thân. Thành công đến từ sự chân thực, sáng tạo và giá trị mang lại. Trong thế giới số, mỗi bài đăng đều có thể là cơ hội, miễn là Gen Z dám mơ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với thương hiệu cá nhân của mình.
Tú Trinh