Hy hữu: Tìm thấy mẹ ruột sau 33 năm nhờ bản đồ được vẽ bằng trí nhớ
(Dân trí) - Sau 33 năm bị bắt cóc, người đàn ông ở Trung Quốc tìm lại được mẹ ruột nhờ bức vẽ bản đồ thông qua trí tưởng tượng về nơi gia đình từng sống.
Bị bắt cóc năm 4 tuổi
Li Jingwei, 37 tuổi, sống ở Trung Quốc bị bắt cóc khi mới 4 tuổi. Thời gian trôi qua đã 33 năm, nhưng mới đây người đàn ông này đã tìm được mẹ ruột nhờ tự vẽ bản đồ quê hương thông qua trí nhớ. Câu chuyện kỳ diệu này đã khiến cho nhiều người không khỏi sửng sốt.
Đến nay, Li Jingwei không nhớ tên cha mẹ đặt cho mình là gì. Anh sinh ra ở tỉnh Vân Nam, sau đó bị một người hàng xóm bắt cóc rồi bán đến tỉnh Hà Nam cách đó 2000km. Tại đây, Li Jingwei được một gia đình chăm sóc, cho ăn học, nuôi khôn lớn trưởng thành.
Hiện nay, Li Jingwei đã có gia đình riêng. Dẫu biết chuyện tìm lại cha mẹ, gia đình, quê hương là điều khó khăn. Bởi, khi bị bắt cóc anh còn quá bé, những ký ức về nơi chôn nhau cắt rốn không rõ ràng. Tuy vậy, quyết tâm tìm được cha mẹ ruột vẫn được Li Jingwei nung nấu trong nhiều năm song chưa thực hiện được.
Mới đây, Li đã cung cấp mẫu máu của mình để xét nghiệm ADN và vẽ những gì có thể nhớ về ngôi làng năm xưa đã sống. Bức vẽ được đăng tải lên mạng nhằm có được sự hỗ trợ của cư dân mạng. Sau khi có các thông tin được mọi người cung cấp, cảnh sát đã khoanh vùng đó là một thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Thông qua quá trình tìm kiếm, cảnh sát tìm thấy một người phụ nữ có thể là mẹ của Li Jingwei. Kết quả xét nghiệm ADN xác định Li là con trai của cô. Niềm vui bất ngờ đến với Li và người mẹ sau 33 năm như câu chuyện cổ tích.
Vào ngày 1/1/2022 tới đây, hai mẹ con họ sẽ đoàn tụ. Nhiều người dự đoán đó sẽ là cuộc gặp gỡ xúc động, nhiều nước mắt. Điều đáng tiếc là cha ruột của Li đã qua đời, ông không được chứng kiến giây phút hạnh phúc khi con trai trở về sau mấy chục năm bị bắt cóc.
Bản đồ được vẽ theo trí nhớ
Theo Li, anh được truyền cảm hứng tìm lại cha mẹ ruột và gia đình sau khi đọc câu chuyện về đoàn tụ với gia đình của Guo Gantang và Sun Haiyang.
"Tôi nhận thấy không thể chờ đợi thêm nữa vì giờ đây cha mẹ đã già. Tôi lo khi biết mình đến từ đâu, họ có thể đã qua đời", Li Jingwei chia sẻ trên sóng truyền hình tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Khi đọc câu chuyện của Guo Gangtang, Li cho rằng nên cố gắng tìm cha mẹ đẻ và muốn gặp đấng sinh thành khi cha mẹ vẫn còn sống.
Trong bản đồ do Li vẽ theo trí nhớ của mình có hình ảnh chi tiết về ngôi nhà, người dân những xô gỗ để nấu cơm. Li vẫn nhớ như in thời điểm bị người hàng xóm dụ dỗ bằng một món đồ chơi rồi bị bắt cóc, từ đó không bao giờ gặp lại cha mẹ. Hình ảnh về cha mẹ, những khung cảnh quanh căn nhà khiến Li nhớ mãi suốt cuộc đời.
Suốt mấy chục năm, khi đọc những bài báo viết về đoàn tụ gia đình sau một thời gian dài, Li cảm giác đau lòng. Tuy nhiên, công việc đã cuốn anh vào vòng quay bận rộn, sau đó kết hôn, có con không có thời gian để đi tìm cha mẹ đẻ.
Sau khi tìm được gia đình, Li không mong cha mẹ đã nuôi anh lớn khôn sẽ phải chịu vấn đề gì trước pháp luật. Gần đây, những đứa trẻ bị bắt cóc thường không muốn cha mẹ nuôi bị truy tố.
Tại Trung Quốc từng có không ít câu chuyện cha mẹ đoàn tụ với con cái sau nhiều năm xa cách khiến mọi người nghẹn lòng.
Anh Guo là người cha được nhiều người biết đến ở quốc gia này sau khi anh tìm kiếm con trai mất tích suốt 24 năm. Người cha này tìm con bằng xe máy, dán tấm biển thông tin về việc con trai bị bắt cóc trên xe. Tổng quãng đường anh đã đi là 500.000km và hỏng tới 10 chiếc xe. Trời không phụ lòng người, tháng 7 vừa qua, anh Guo và con trai đã được đoàn tụ đầy xúc động.