Thừa Thiên Huế:

Hơn 10.000 người dân ở huyện miền núi Nam Đông đang thiếu nước sạch

(Dân trí) - Đó là số liệu của ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp với PV trước thực trạng nguồn nước sạch chưa có tại nhiều xã, ảnh hưởng lớn đến người dân địa phương.

Tại huyện này, có khoảng một nửa các xã, thị trấn gồm Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Hữu và 1/2 xã Hương Xuân đang thiếu nước sạch. Ở 5 xã này đang có hơn 2.800 hộ với hơn 10.000 khẩu hiện không có nước sạch sinh hoạt, phải dùng các nguồn nước tự nhiên không đảm bảo vệ sinh như nước giếng, nước suối và nước mưa.

Đặc biệt trong đợt nắng nóng gay gắt từ tháng 5 đến nay, người dân ở xã Hương Hữu đã phải xách can nhựa, thùng nhựa xuống các khe suối ở rừng để lấy nước dùng sinh hoạt. Các gia đình cũng tranh thủ xuống đây để tắm vì nguồn nước giếng có hạn để dùng nấu ăn, thậm chí có các giếng nước bị phèn, dùng nước tắm sẽ bị ngứa ngáy.

Hơn 10.000 người dân ở huyện miền núi Nam Đông đang thiếu nước sạch - 1

Người dân ra suối tắm rửa, lấy nước về dùng

“Cả thôn hơn 80 hộ dân với hơn 350 nhân khẩu, trong đợt nóng cao điểm 40 độ, mỗi sáng sớm rất nhiều người dân mang theo đủ loại can, bình lên các khe, suối lấy nước về dùng. Do nước sinh hoạt ngày càng thiếu, nên bà con tập trung vào sử dụng nước khe suối” - ông Nguyễn Văn Xong, Trưởng thôn 6, xã Hương Hữu cho biết.

Phó Chủ tịch UBND xã Hương Hữu - ông Tà Rương Lương trao đổi, khô hạn không chỉ năm nay mà cả các năm trước đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Tại xã này, 3 thôn 5,6,7 nguồn nước rất khó khăn, đặc biệt ở xóm 4,5,6 của thôn 7 người dân phải tìm cách dẫn nước suối vào các ruộng nứt nẻ, khô cằn không canh tác được

Bà con ở các xã bị thiếu nước sạch đã làm đủ cách như đào giếng đến xây bể chứa nước nhưng giếng tại đây khi đào sâu từ 8 đến 10m vẫn không có nước. Theo ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, một điều đáng lo nữa là các trường học khi học sinh đi học cần nước để vệ sinh. Các hộ dân xung quanh trường phải bán nước giếng, hay nước suối lên cho trường để có nguồn nước vệ sinh và nấu ăn cho các cháu.

Hiện hơn 2.800 hộ dân với hơn 10.000 người ở 5 xã vùng cao huyện Nam Đông sử dụng nguồn nước sinh hoạt lấy từ khe suối, giếng đào, nước chưa qua xử lý, ô nhiễm. Các xã điều có hệ thống nước tự chảy nhưng xuống cấp trầm trọng và đầu nguồn nước đã cạn.

Hơn 10.000 người dân ở huyện miền núi Nam Đông đang thiếu nước sạch - 2

Cảnh xách nước từ khe suối về nhà mỗi sáng, chiều ở 5 xã huyện Nam Đông là hình ảnh dễ thấy

Qua thông tin lãnh đạo huyện Nam Đông cho biết, trước nhiều hộ dân thiếu nước sạch, năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy nước Thượng Long và mạng lưới cấp nước sạch công suất 2.000 m3 khối/ngày đêm cho các 5 xã  trên.

Dự kiến, dự án này do , dự án này Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là 13 tỷ đồng.

“Huyện đã giải phóng mặt bằng xong, 11 hộ dân thu hồi một phần đất và được đền bù hơn 700 triệu đồng. Dự kiến đầu tháng 8 tới sẽ khởi công nhà máy nước Thượng Long. Đây là điều mà các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện đều mong muốn. Nước sạch sẽ thay thế tốt cho nước tự chảy, nước khe suối, nước giếng khi mà người dân dùng các nguồn nước tự nhiên này đều dễ bị bệnh ngoài da” – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông – ông Lê Thanh Hồ trao đổi với PV.

Hơn 10.000 người dân ở huyện miền núi Nam Đông đang thiếu nước sạch - 3

Người dân xách can nhựa ra suối lấy nước để về nấu ăn

Hơn 10.000 người dân ở huyện miền núi Nam Đông đang thiếu nước sạch - 4

2 cha con ra suối tắm

Hơn 10.000 người dân ở huyện miền núi Nam Đông đang thiếu nước sạch - 5

Quãng đường xách nước từ suối về nhà là không phải ngắn

Hơn 10.000 người dân ở huyện miền núi Nam Đông đang thiếu nước sạch - 6

Tuy nhiên, người dân đã quen với điều này

Hơn 10.000 người dân ở huyện miền núi Nam Đông đang thiếu nước sạch - 7

Can, phuy, thùng nhựa lỉnh kỉnh trong nhà người dân để lấy nước suối, khe lên dùng hàng ngày

Đại Dương