Nghệ An:

Hối hả những chảo mật mía ngày cận Tết

(Dân trí) - Hễ cứ vào cuối năm, các con đường ở những làng mật Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn (Nghệ An) lại được phủ trắng màu của bã mía, mùi mật thơm lẫn vào trong gió bay từ đầu làng đến tận cuối làng.

Máy ép mía để lấy nước.
Máy ép mía để lấy nước.

Gần tết là thời điểm mùa mật vào chính vụ, ai ai cũng hối hả, tất bật cho những mẻ mật cuối năm. Mật mía từ lâu đã trở thành một loại nguyên liệu không thể thiếu trong các gia đình. Mật mía để nấu chè, đổ kẹo, để làm bánh hay chỉ đơn giản là làm gia vị cho món thịt trở nên ngon và hấp dẫn hơn. 

Các làng mật mía tại xã Nghĩa Trung từ lâu đã được biết đến với thương hiệu mật mía. Mật mía không chỉ được tiêu thụ trong vùng mà còn được các thương lái ở Diễn Châu,Thanh Hóa, Hà Tĩnh… tìm đến thu mua.
Máy ép mía để lấy nước.
Sau khi lấy được mật mía tươi nguyên chất, người dân phải nhen một lò lớn từ 2-3 chảo để tiến hành nấu.

Cứ khoảng tháng 11 âm lịch hàng năm, khi mà mía đã đến thời kì thu hoạch, người dân nơi đây lại rục rịch vào mùa mật. Các hộ gia đình tranh thủ chặt mía vào chiều hôm trước để kịp cho buổi kéo sáng mai. Vào làng mật những ngày này có thể nghe thấy tiếng nổ chói tai của máy ép mía, tiếng người cười nói rôm rả, tất cả đều hối hả đúng như không khí của những ngày cuối năm.

Khi trời mới tờ mờ sáng, các gia đình đã dậy ép mía để nấu cho kịp. Từ nhiều năm nay, hình thức ép mía bằng sức kéo của trâu đã được thay thế bằng máy điện. Hình thức này không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức mà còn ép được hết nước lại giữ cho bã mía không bị nát vụn. Bã mía sau khi ép xong được phơi phóng cẩn thận để dùng làm nguyên liệu đun mật.
Khi mật sôi lên... cũng là lúc những bọt mía cặn nổi lên...
Khi mật sôi lên... cũng là lúc những bọt mía cặn nổi lên...

... và tiến hành lấy vợt vớt bọt khi nồi mật sôi lớn...
... và tiến hành lấy vợt vớt bọt khi nồi mật sôi lớn...

Mía sau khi ép được đưa lên lò nấu. Thông thường mỗi lò có từ 5 đến 6 chảo mật, hai chảo đầu có kích thước lớn hơn những chảo sau một chút vì đây là hai chảo chính. Thời gian cho mỗi mẻ mật như vậy là khoảng 4 tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó phải có người luôn túc trực bên lò để đun lửa nếu không nhiệt độ sẽ không đều, ảnh hưởng đến chất lượng của mật. Ngoài ra, phải có người thường xuyên vớt bọt để đảm bảo mật không bị cặn bẩn. Khi các chảo mật bắt đầu sôi cũng chính là lúc cảnh tượng đẹp nhất. Ai nấy đều bị bao phủ trong làn hơi trắng xóa, mờ ảo. Những người có kinh nghiệm thì chỉ nhìn qua màu đã biết mật được hay chưa.

Những ngày gần tết, các gia đình tranh thủ ép nhiều hơn để kiếm thêm thu nhập. Nhà ít mỗi ngày cũng khoảng một phi tương đương 200 lít, nhà nhiều hơn thì hai đến ba phi. Không khí lúc nào cũng tất bật, khẩn trương.

Để chắt lọc những gì tinh túy nhất của giọt mật mía Nghĩa Đàn. 
Để chắt lọc những gì tinh túy nhất của giọt mật mía Nghĩa Đàn. 

Chị Trần Thị Thu (47 tuổi) xóm Trung Thái, Nghĩa Trung, Nghĩa Đàn, Nghệ An cho biết: “ nhà trồng được khoảng một mẫu mía nhưng đến nay đã kéo được hơn một nửa. Giá mật năm nay bình quân khoảng 2,8 triệu đồng một phi tương đương 200 lít. Do tiền phân, tiền công cao nên mức giá như vậy cũng không thấm vào đâu”.

Anh Nguyễn Văn Thành, xóm trưởng xóm Trung Thái cho biết thêm: “ Cả xóm có 143 hộ thì có khoảng 120 hộ làm mật. Rất ít hộ bán mía cho nhà máy đường mà chủ yếu là để kéo vì nghề mật đã có từ rất lâu đời. Hộ nhiều có khoảng vài ha còn những hộ ít cũng có từ dăm sào trở lên. Hai năm trở lại đây mật khó bán hơn những năm trước nhưng bù lại giá cao hơn nên người dân cũng rất phấn khởi.”

Mật rất ít khi bán lẻ mà đa phần được nhập cho các thương lái. Cảnh làng quê càng trở nên rộn ràng khi những thương lái tất tả ra vào làng mật để thu mua để kịp cho những phiên chợ tết.
Mật mía được chắt lọc thành phẩm.
Mật mía được chắt lọc thành phẩm.

Hồ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm