Hội chị em khoe ảnh mâm cúng ông Công ông Táo "vừa chuẩn vừa đẹp"
(Dân trí) - Sát ngày Táo quân chầu trời, nhiều chị em nội trợ thích thú đăng ảnh và chia sẻ bí quyết nấu mâm cúng ông Công ông Táo vừa đủ món, đúng cách lại vừa đẹp mắt, sáng tạo. Đây cũng là những gợi ý thú vị cho một mâm cúng thịnh soạn ngày 23 tháng Chạp.
Tết Táo Quân gắn với 1 trong 12 cái Tết trong chu trình Tết của người Việt, là tín ngưỡng thờ cúng mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người tích cực làm việc tốt.
Theo tục cổ truyền, hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp các gia đình thường chuẩn bị làm lễ cúng tiễn vua Bếp (còn gọi là ông Công ông Táo) lên chầu trời báo cáo mọi việc tốt xấu của nhân gian.
Tùy vào điều kiện kinh tế, gia cảnh, vùng miền khác nhau. Mỗi gia đình sẽ có cách thức riêng chuẩn bị mâm cúng. Tuy nhiên, một mâm cúng ông Công ông Táo chỉ thực sự trọn vẹn khi đảm bảo đủ các lễ vật cúng không thể thiếu, đặt biệt đối với việc cúng tế của người Việt, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành của gia chủ.
Đối với mâm cúng mặn, Tiến sỹ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Cho dù ở hoàn cảnh nào và điều kiện kinh tế ra sao, một mâm cúng Táo quân bắt buộc không thể thiếu “tam sinh” là 3 đồ cúng sống”.
Cụ thể, đồ cúng tam sinh trong mâm cúng ông Công ông Táo thường sử dụng là: Gạo sống; cá sống và thịt sống. Người Việt xưa thể hiện sự tôn thờ và ghi công ơn các vị thần Bếp bằng những đồ tươi sống bởi họ muốn nhắn gửi các vị thần, hãy nhanh chóng về với nhân gian để giúp đỡ con người nấu chín thức ăn.
Bên cạnh đó, đồ cúng “tam sinh” còn gắn với đặc trưng tín ngưỡng với 3 vùng văn hóa: Vùng núi; vùng biển; vùng đồng bằng. Với mong muốn kỳ vọng về sự sinh sôi phát triển, số “3” trong quan niệm của người Việt còn là số dương sinh.
Ngoài ba lễ vật “tam sinh”, các đồ cúng chín đối với mâm cúng mặn nhất định phải đảm bảo sự tinh sạch, trình bày gọn gàng trước khi dâng lễ, trong đó có thể có các món ăn như: Gà luộc cả con hoặc một miếng, đĩa xôi và mâm ngũ quả để tạo nên sự hợp nhất âm dương.
Với ý nghĩa là thần giữ Lửa cho gia đình, trong các lễ vật cúng ông Công ông Táo không thể thiếu vàng mã. Lý giải việc này, Tiến sỹ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Người Việt Nam một ngày ba lần đốt lửa nấu cơm, có nghĩa là đốt thần “mình trần chân trụi”. Bởi vậy, hàng năm đến lễ Táo Quân con người phải đốt trả vàng mã là quần áo, giày ủng để các vị thần có trang phục lên chầu trời”.
Đồ vàng mã càng đặc biệt quan trọng hơn đối với những gia đình lựa chọn đồ cúng là mâm cỗ chay. Bởi mâm cỗ chay, những đồ cúng “tam sinh” bắt buộc sẽ được thay thế bằng đồ vàng mã, và thịt – cá được thay bằng gạo – muối.
Các đồ chín trong mâm cúng chay sẽ ưu tiên những món ăn làm từ rau củ quả. Việc cúng cỗ chay không làm mất đi sự linh thiêng của lễ ông Công ông Táo. Bởi theo quan niệm của người Việt xưa, việc cúng tế quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm của gia chủ. Chỉ cần có sự thành tâm, việc cúng mâm cỗ chay hay mặn, mâm cao cỗ đầy hay đồ cúng tối giản đều sẽ được thần linh ghi nhận.
Mâm cúng với đồ lễ được chuẩn bị tươm tất, gia chủ là người nam chính trong gia đình sẽ ăn mặc chỉnh tề, giữ mình trong sạch và có tâm hướng thiện khi sẽ là người đứng cúng. Đối với người cúng là nữ, tuyệt đối không đứng cúng những ngày kinh nguyệt, phụ nữ đang mang thai và chăm con nhỏ cũng nên kiêng kỵ.
Theo từng thời kỳ với những chuyển biến về điều kiện kinh tế, thói quen sống,… sẽ có những thay đổi nhỏ trong nghi thức cúng ông Công ông Táo. Tuy nhiên dù hoàn cảnh có thay đổi ra sao, dù giàu hay nghèo, bận rộn hay thảnh thơi thì ở bất cứ mâm cúng nào, điều quan trọng nhất và không thể thay đổi vẫn là tấm lòng thành tâm của gia chủ.
Thanh Thuý
Ảnh: Facebook