Phú Yên

Học hết lớp 5, “kỹ sư chân đất” cho ra đời chiếc máy nông nghiệp thứ 7

(Dân trí) - Mười năm ấp ủ ước mơ chế tạo máy liên hợp thu hoạch mía của người “kỹ sư chân đất” Phi Anh Đệ xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) nay đã thành sự thật. Đây không chỉ là niềm vui của riêng anh, mà còn là niềm vui của nhiều nông dân trồng mía.

Học hết lớp 5 “kỹ sư chân đất” tiếp tục cho ra đời chiếc máy nông nghiệp thứ 7

Anh Phi Anh Đệ (42 tuổi) từng được biết đến là người cải tạo và sáng chế 6 loại máy phục vụ cho việc làm đất và trồng mía được mọi người ngưỡng mộ, đặt cho cái biệt danh “kỹ sư chân đất”.

Điều đặc biệt, anh Đệ chỉ học hết lớp 5, nhưng với đức tính cần cù, ham học hỏi nên máy móc anh làm ra đều được mọi người công nhận với những tính năng ưu việc, giảm công lao động, tăng năng suất, đồng thời phù hợp với địa hình miền núi không bằng phẳng ở nước ta.

Nhưng 6 chiếc máy của anh trước đây chỉ dừng lại ở việc cải tạo và trồng, còn máy thu hoạch mía thì do nhiều chi tiết phức tạp nên rất khó sản xuất. Sau 10 năm ấp ủ, học tập vừa qua anh đã cho ra đời chiếc máy liên hợp thu hoạch mía mà mình hằng mong ước.

Anh Phi Anh Đệ đang chạy thử nghiệm máy liên hợp thu hoạch mía cho mọi người tham quan
Anh Phi Anh Đệ đang chạy thử nghiệm máy liên hợp thu hoạch mía cho mọi người tham quan

Chia sẻ với PV Dân trí anh Đệ cho biết: “ Tôi thấy bà con ở đây thu hoạch mía vất vả quá, năng suất lại không cao. Nên tôi mong ước chế tạo cho được cái máy thu hoạch mía. Ý tưởng này tôi đã ấp ủ 10 năm nay, nhưng trước giờ điều kiện kinh tế khó khăn, cũng 1 phần là do trình độ mình còn hạn chế, nên trong nhiều năm qua tôi đã đi học hỏi, xem trình diễn máy nông nghiệp của nước bạn, cuối cùng tôi cũng chế tạo thành công chiếc máy liên hợp thu hoạch mía…”

Anh Đệ cho biết thêm, công năng của máy này một ngày có thể chặt được 600 tấn mía thay thế cho khoảng 70 công lao động, đồng thời chặt được sát gốc, không để gốc cao như chặt tay bình thường. Ngoài ra, trong lúc thu hoạch máy cũng đã băm rác mía vụn được 1 phần để làm phân hữu cơ bón cho vụ mía sau.

“Máy này tôi nghiên cứu rất kỹ, để làm sao phù hợp với cánh đồng Việt Nam, ruộng nhỏ lẻ 3-5 sào vẫn có thể cắt được, chứ máy nước ngoài thì quá lớn cồng kềnh giá thành lại cao. 1 máy thu hoạch mía của nước ngoài phải từ 5-10 tỷ, máy của tôi chỉ trên dưới 1 tỷ thôi. Bên cạnh đó, về cơ bản tôi thiết kế chủ yếu bằng cơ hết, nên có hư hỏng thì có thể sửa ngay ngoài đồng ruộng…” anh Đệ nói.

Buổi trình diễn máy liên hợp thu hoạch mía của anh Đệ đã được rất nhiều công ty nhà máy đến từ các vùng thâm canh cây mía như Tây Ninh, Đắk Nông, Biên Hòa… tham quan.

Rất nhiều nhà máy, công ty cử người đến xem chiếc máy của anh Đệ
Rất nhiều nhà máy, công ty cử người đến xem chiếc máy của anh Đệ

Anh Trần Công Văn đến từ Đắk Nông cho biết: “Sau khi xem trình diễn, bước đầu như thế là tôi thấy sáng chế của anh Đệ như vậy là rất tốt rồi. Mía được cắt sát đất, chặt khúc và rác cũng được băm nhỏ…Chúng tôi đang bàn bạc, nếu giá cả được chúng tôi sẽ đặt hàng cho anh Đệ sản xuất…”

Mía được cắt gọn, sạch sẽ.
Mía được cắt gọn, sạch sẽ.

Còn theo anh Nguyễn Xuân Long, một người trồng mía tại huyện Sơn Hòa cho biết: Nhà tôi trồng được 20 hecta mía, mà giờ thu hoạch bằng thủ công thì mướn người không ra vì đa phần giờ lớp trẻ toàn đi Sài Gòn làm thuê, làm công nhân hết. Nên mỗi lần mà đến mùa thu hoạch mía là kêu công chặt không ra, để lại thì mất công chăm, tốn thêm tiền.

Nay thấy anh Đệ chế được cái máy này tôi rất vui vì người dân ở đây sắp có điều kiện tiếp xúc với công nghệ hiện đại thay vì làm thủ công như trước đây .Trong thời gian đến có thể mình tôi đặt mua 1 máy như thế này, hoặc có thể 2-3 hộ chung nhau để mua 1 máy sử dụng.

 Tính đến nay anh Đệ đã cải tạo và sáng chế ra 7 loại máy nông nghiệp phục vụ cho cây mía
Tính đến nay anh Đệ đã cải tạo và sáng chế ra 7 loại máy nông nghiệp phục vụ cho cây mía

Cũng đến xem trình diễn máy thu hoạch mía, ông Đặng Ngọc Thiện, chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên cho biết: Qua buổi trình diễn thì tôi thấy máy móc của anh như vậy là quá tốt. Người dân xã Sơn Nguyên nói riêng và người trồng mía từ nay đỡ vất vả rồi...

Trung Thi