Hành trình lưu giữ hương vị ẩm thực Việt của người con gái Hà Thành
Chị Phạm Bích Hạnh được nhiều người biết đến như một Đại sứ thương hiệu Việt với tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ trong hàng chục năm dài cùng khát khao lưu giữ và phát triển ẩm thực truyền thống một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất.
Bất cứ ai tiếp xúc với chị Phạm Bích Hạnh – chủ sở hữu chuỗi thương hiệu Quán Ăn Ngon, Ngon Phố, The Rooftop và Món Ngon Sài Thành cũng đều cảm mến nét cử chỉ, hành động nền nã, chu đáo của một người con Hà Nội gốc. Điều này cũng toát lên trong từng món ăn chị mang đến để phục vụ thực khách Hà Nội. Đối với chị, ẩm thực không đơn thuần chỉ là miếng ăn mà còn bao hàm cả một nét văn hóa, là câu chuyện nối dài với một thời tuổi thơ của chị.
Gia đình chính là nơi chắp nối cho mối lương duyên của chị với ẩm thực Việt. Người Hà Nội xưa hiếm ai không biết đến thương hiệu “Phở bà Lâu” vang bóng một thời của bà ngoại chị Bích Hạnh. Xuất thân trong một gia đình có bà và mẹ đều là những người giỏi nấu ăn, chị đã có cơ hội tiếp xúc với ẩm thực Việt khá sớm.
Chị vẫn còn nhớ như in hình ảnh khách xếp hàng dài để chờ mua những món ăn mà bà ngoại nấu, hình ảnh bà và mẹ tất bật lo toan cho công việc kinh doanh của gia đình. Điều đó lí giải tại sao luôn tồn tại cả hai thái cực trong con người chị: Bản tính hòa nhã, tinh tế của cô gái Hà Thành cùng sự bản lĩnh, mạnh mẽ, quyết đoán của một người làm kinh doanh.
Từ bé, chị Hạnh đã thường xuyên được tiếp xúc với công việc tạo nên những hương vị ẩm thực ngon của mẹ. Mẹ chị vốn là người kĩ tĩnh trong việc bếp núc, từng cọng rau phải được lựa cẩn thận, từng bước chế biến phải được tuân thủ theo quy chuẩn nghiêm ngặt nhất. Bản tính tỉ mỉ, cầu toàn của người con gái đảm đang đã ngầm dần ngay từ những ngày thơ bé
Là đứa cháu nhỏ duy nhất trong nhà, chị Hạnh rất được ông bà yêu chiều. Chị kể cho chúng tôi nghe về những bữa quà vặt ông ngoại mua cho trong những ngày tấm bé. Gia đình chị ngày ấy nằm ngay đầu cầu Long Biên, nơi mà chỉ cần qua một cây cầu đã chạm ngõ phố cổ.
Mỗi buổi chiều thơ ấu của chị là mỗi buổi chị được ông ngoại chở trên chiếc xe đạp cũ, dạo quanh khắp các con phố như Hàng Đào, Hàng Buồn, Tạ Hiện… để thưởng thức những tấm quà, những đặc sản Hà Nội. Những trải nghiệm sống động của cả một thời thơ bé trong một gia đình dày truyền thống ấm thực là ngọn lửa thắp lên tình yêu và khát khao trong lòng chị, rằng một ngày nào đó, sẽ gom đủ món ngon của khắp đất Việt này giới thiệu cho thực khách tứ phương để người ta cũng hiểu, cũng yêu ẩm thực như chị.
Những năm tháng chị làm việc tại công ty nước ngoài đã mang lại cho chị cơ hội được ghé thăm và thưởng thức ẩm thực Việt ở những vùng đất mới. Nếu món ngon Hà Nội là tình yêu chị mang theo suốt những thời ấu thơ thì đặc sản miền Trung – miền Nam dần cũng khiến chị phải “say như điếu đổ”. Năm 2005 là một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời chị khi quyết định rẽ ngang trong sự nghiệp để theo đuổi lý tưởng và đam mê của mình.
Quán Ăn Ngon – 18 Phan Bội Châu, Hà Nội ra đời theo một lẽ tự nhiên như thế. Nơi đây quy tụ hàng trăm món ăn đặc sản tinh túy từ khắp ba miền như Bánh xèo, Bò nướng lụi, Hủ tiếu, Bánh canh… Bất cứ món ăn nào, dù đơn giản hay cầu kì đều được chị Bích Hạnh dành thời gian và công sức tìm hiểu và nghiên cứu. Chị kì công tìm gặp trực tiếp những nghệ nhân ẩm thực khắp mọi miền để học hỏi, tham vấn, luôn mong sao hương vị từng món ăn được giữ vẹn nguyên khi đến tay thực khách.
Đối với chị, chữ tâm luôn phải đặt lên hàng đầu và không bao giờ chấp nhận chuyện “khuất mắt trông coi” trong ẩm thực. Chị kiên quyết giữ nguyên hương vị đặc trưng của từng món bởi với chị, ẩm thực không phải chỉ để ăn cho nó mà còn là cả một nét văn hóa, để cảm nhận, để hiểu, để yêu.
Hữu xạ tự nhiên hướng, sau hơn một thập niên, thương hiệu Quán Ăn Ngon đã trở thành biểu tượng ẩm thực trong lòng người Hà Nội, là nơi hội tụ của nét tinh tế, thanh tao của ẩm thực miền Bắc; hương vị đậm đà, mạnh mẽ của những món ăn miền Trung hay sự độc đáo, phá cách của đặc sản Nam Bộ. Người ta kháo nhau rằng Việt kiều xa quê trở về nhất định phải một lần ghé nơi đây để thỏa nỗi nhớ quê nhà xót xa. Hay người nước ngoài muốn biết ẩm thực Việt Nam phong phú, giàu đẹp như thế nào, cứ đặt chân đến Quán Ăn Ngon là sẽ hiểu.
Trong năm 2017 này, chị Hạnh đã chiêu đãi thực khách Hà Nội với hơn 100 món ẩm thực Nam Bộ tại nhà hàng Món Ngon Sài Thành.
Đến Món Ngon Sài Thành, coi như đã đến Sài Thành bởi chị Hạnh hiểu Sài Thành, yêu Sài Thành, và mang Sài Thành đến cho những người thân ở Kẻ Chợ nhưng hồn nơi Chợ Lớn, không gian, hương vị ẩm thực và cung cách phục vụ đầy hào sảng nơi đây sẽ khiến thực khách “quẹo dzô là thấy Sài Gòn”. Thực khách có thể nhận ra ánh xanh bạt ngàn nơi ruộng đồng Hóc Môn, sắc đỏ vàng của hoa thơm trái ngọt chốn vườn tược Thủ Đức, nơm chụp đèn dân dã nơi miệt vườn Bình Chánh xa xôi trong từng chi tiết của nhà hàng.
Để mang đến những món ăn đúng điệu của Món Ngon Sài Thành, chị đã cất công mời con gái Má Sáu Cây Dừa về làm chuyên gia nghiên cứu phát triển. Cùng những đầu bếp người Sài Gòn, các món ăn được nghiên cứu và phát triển công phu, kĩ càng tạo nên hương vị Sài Thành thứ thiệt trong từng món ăn. Tôi đã vô cùng bất ngờ khi chị chia sẻ rằng: Toàn bộ nguyên liệu, đồ gia giảm đều được nhập trực tiếp từ Nam Bộ mỗi ngày bằng đường hàng không để đảm bảo mỗi món ăn đưa ra có thể chuẩn vị và tươi ngon nhất. “Làm thì phải làm cho tới, chứ nhất quyết tôi không qua loa!”
Bao năm qua, sự yêu mến và ửng hộ của thực khách đã tiếp thêm động lực cho chị Phạm Bích Hạnh trong hành trình nối dài và lưu truyền giá trị truyền thống. Tôi nhận ra tình yêu ẩm thực Việt vẫn luôn đong đầy trong ánh mắt người phụ nữ dung dị mà quyết đoán -“Đừng gọi tôi là một doanh nhân, hãy gọi tôi là một người yêu ẩm thực truyền thống!”. Muốn thấy tình yêu ấy mãnh liệt thế nào, mời bạn một lần ghé qua chuỗi nhà hàng của chị Phạm Bích Hạnh để thấu rõ.
Hiện tại, chị Phạm Bích Hạnh đang là khách mời danh dự của giải thưởng quốc tế Vietnam Enterprise Awards 2016-2017 – giải thưởng từ Singapore dành riêng cho cộng đồng Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Dự kiến, đêm Gala Dinner của Vietnam Enterprise Awards 2016-2017 sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm nay.