Hành trình biến những bãi rác thành vườn rau sạch của anh chàng kỹ sư xây dựng
(Dân trí) - Từ những bãi tập kết rác gây ô nhiễm môi trường ở Đà Nẵng, anh Lê Thanh Bình (Quảng Ngãi) đã biến nơi đây thành những vườn rau sạch xanh mướt.
Đi lên từ thất bại
Anh Bình cho biết, để có được những vườn rau thâm canh khoa học như hiện tại, anh phải trải qua gần 10 năm. Nếm trải đủ mọi thất bại trong cuộc sống, từ thiệt hại về tiền bạc đến sức khỏe lẫn ý chí. Nhưng vì niềm đam mê với mô hình rau sạch, anh đã cố gắng học hỏi, tìm tòi ở nhiều nơi trên thế giới để mang về áp dụng tại Việt Nam.
Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, nhưng Lê Thanh Bình lại đam mê trồng trọt, đặc biệt là trồng rau. Năm 2011, anh bắt đầu những công việc đầu tiên của mình về trồng rau. Anh Bình đã lặn lội qua vùng đất như Osaka (Nhật), Israel - những nơi phát triển về mô hình vườn rau thủy canh bậc nhất trên thế giới. Anh quyết định tìm hiểu về hạt giống, cách trồng và chăm sóc rau thủy canh.
Năm 2012 anh làm thử nghiệm rau thủy canh tại Quảng Ngãi nhưng không thành công như mong đợi.
“Khi phát triển mô hình đầu tiên ở Quảng Ngãi, những luống rau thuỷ canh rất tươi tốt, phát triển hơn cả mong đợi nhưng người tính không bằng trời tính, chi phí lớn dẫn đến giá thành cây rau cao hơn thị trường nông thôn lúc bấy giờ. Và thế là thất bại”, anh Bình cho biết.
Không nản lòng, anh Bình đi tìm miền đất mới, anh chọn Đà Nẵng làm nơi thử nghiệm tiếp theo. Anh Bình cho biết, có 3 lý do anh chọn Đà Nẵng. Đó là mức sống người dân cao, bữa ăn người Đà Nẵng không thể thiếu rau, nhất là các loại rau cao cấp như xà lách tím, dưa leo, xà lách matal... điều kiện tiêu thụ tương đối ổn định.
Khí hậu phù hợp cho các loại rau phát triển ổn định. Thêm vào đó, ở Đà Nẵng có nhiều quỹ đất chưa sử dụng trong nhiều năm, cỏ, rác, xà bần thi nhau đầy ứ gây mất mỹ quan đô thị.
Anh Lê Thanh Bình đang chăm sóc vườn rau của mình
“Việc xin phép để biến những nơi này thành vùng rau thủy canh, tô đẹp cảnh quan đô thị, tạo thêm sản phẩm du lịch cho thành phố nên được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi”, anh Bình cho biết thêm.
Trải qua gần 1 tháng dọn dẹp cỏ rác, xà bần cho đến quá trình xây dựng lắp đặt hệ thống nhà lưới, hệ thống ống nuôi cây, phun sương… vườn rau sạch của anh đi vào hoạt động ổn định. Vườn rau trên lô đất rộng 600m² nằm trên đường Đinh Công Trứ (phường Thọ Quang) đã bắt đầu thu hoạch.
Nhân rộng mô hình
Là một trong những người đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng dám nghĩ và dám làm về mô hình biến bãi rác thành vườn rau sạch, anh Bình mong muốn sẽ xoá sạch những “điểm đen” về môi trường trong thành phố.
“Nơi nào của thành phố này là bãi rác, bị bỏ hoang tôi sẽ xây dựng nó trở thành một vườn rau thuỷ canh”, anh Bình nói.
Từ những bãi tập kết rác, anh Bình đã biến nó thành những vườn rau sạch tươi tốt
Ngoài vườn rau ở trên đường Đinh Công Trứ ( phường Thọ Quang) với diện tích gần 600m², anh Bình đang triển khai thêm các vườn rau khác ở gần khu du lịch Bà Nà (200m²), khu vực quận Ngũ Hành Sơn (400m²), khu vực quận Liên Chiểu (600m²) và một khu ở xã Điện Minh (Điện Bàn, Quảng Nam).
Hiện tại, vườn rau thủy canh của Bình cung cấp ra thị trường 6 loại rau sạch: cải bó xôi, xà lách roman, xà lách muir, xà lách tím búp, xà lách tím matal, rau muống.
Mới đây nhất, anh Bình đã thuê khu đất 4.000m² bỏ hoang ở phường Nại Hiên Đông, nơi đây cũng được xem là “điểm đen” của quận Sơn Trà để tiếp tục đầu tư và đã được UBND phường đồng ý.
“Ngoài việc xây dựng vườn ươm, trồng rau thủy canh, tôi sẽ dành không gian cho các em học sinh trên địa bàn quận tham quan, dã ngoại, thực nghiệm các phương pháp trồng rau thủy canh và có thể chế biến thức ăn ngay tại vườn rau sạch”, anh Bình chia sẻ.
Thành Vân