Hàng thập kỷ sưu tầm đá độc, lạ, không bán chỉ để mọi người ngắm

Thu Hiền

(Dân trí) - Hơn 20 năm qua, anh Nguyễn Tùng (42 tuổi, TP Kon Tum) rong ruổi khắp sông, suối để sưu tập đá cảnh. Anh không muốn bán mà chỉ mong lập ra một điểm trưng bày để cho mọi người cùng đến chiêm ngưỡng.

Vốn là một người thợ sửa chữa điện tử nhưng anh Nguyễn Tùng lại có niềm đam mê vẻ đẹp của các loại đá tự nhiên.

Anh thường dành thời gian rảnh để đi "săn" đá và tìm hiểu thêm về vùng đất, thiên nhiên, con người Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Hàng thập kỷ sưu tầm đá độc, lạ, không bán chỉ để mọi người ngắm - 1

Anh Nguyễn Tùng - Chủ sở hữu hàng ngàn mẫu đá cảnh tự nhiên ( Ảnh Thu Hiền).

Anh Tùng tâm sự: "Vì đam mê nên mình thường đi dọc các bờ sông, suối để sưu tầm những viên đá mang màu sắc, hình thù đặc biệt. Mỗi viên đá luôn mang ý nghĩa, giá trị riêng biệt về thời gian, cấu trúc. Khi nhặt về, mình ngồi ngắm, tìm hiểu về lịch sử của các loại đá".

Hàng thập kỷ sưu tầm đá độc, lạ, không bán chỉ để mọi người ngắm - 2

Anh Nguyễn Tùng bên cạnh mẫu đá mà mình lặn lội khắp các con sông, suối để tìm kiếm (Ảnh: Thu Hiền).

Vì say mê nên anh Tùng từ bỏ công việc sửa chữa loa đài cách đây 2 năm với mức thu nhập ổn định để lặn lội đi khắp núi rừng để tìm đá.

Mỗi chuyến đi của anh Tùng thường kéo dài vài ngày. Thành quả mang về là những mẫu đá với đủ hình hài, màu sắc đặc sắc. Từ viên đá nhỏ như nắm tay đến những viên nặng đến 100kg đều được anh cất công sưu tập.

Thú sưu tầm đá cảnh "độc lạ" của người đàn ông ở Kon Tum

Những viên đá tưởng chừng như vô tri vô giác nhưng dưới cái nhìn đầy kinh nghiệm của anh Tùng thì đó là một gia tài quý hiếm.

Hơn 20 năm rong ruổi, anh Tùng đang sở hữu hàng nghìn mẫu đá đa dạng cấu tạo, hình thù, màu sắc và chủng loại khác nhau. Căn nhà rộng khoảng 180m2 của anh đã chứa chật những mẫu đá. 

Hàng thập kỷ sưu tầm đá độc, lạ, không bán chỉ để mọi người ngắm - 3

Những viên đá anh Tùng nhặt về thường có hình thù tự nhiên, mang sắc thái, biểu cảm khác nhau (Ảnh: Thu Hiền).

Anh Tùng phân chia ra làm hai bộ sưu tập chính với hơn 600 mẫu đá mặt và 500 mẫu đá lỗ. Với anh Tùng, không phải lúc nào cũng sẽ tìm được đá ưng ý để mang về.

Thậm chí, anh đi cả tháng chỉ tìm được vài mẫu, có lúc về với tay không. Tiêu chuẩn để lựa chọn phải là đá hoàn toàn tự nhiên, không qua tác động của con người, đúng với nghĩa "nước chảy, đá mòn". 

Đá được chọn cũng phải cứng, chắc chắn và không bị sứt mẻ. Sau khi đem về, đá sẽ được trưng bày trên đế được làm từ gỗ. Đặc biệt, anh Tùng thường tưới nước cho đá từ 1 -2 lần/tuần để giữ cho lớp vỏ bên ngoài của đá không bị mất màu, bong tróc. 

Hàng thập kỷ sưu tầm đá độc, lạ, không bán chỉ để mọi người ngắm - 4

Nhằm tạo hình cho viên đá thêm sinh động, anh Tùng đã dành thời gian để chế tác, nhưng vẫn giữ được nét tự nhiên (Ảnh: Thu Hiền).

Mặc dù sở hữu vô số mẩu đá quý hiếm, độc lạ nhưng không vì thế mà anh Tùng biến chúng trở thành nguồn lợi kinh tế.

"Mình phải mất rất nhiều tâm huyết, thậm chí là gặp nguy hiểm mới đưa được những mẫu đá này về. Mình không muốn bán chúng. Đối với mình, chúng là vô giá. Mình muốn thu thập để sau này có thể mở một phòng trưng bày cho mọi người cùng chiêm ngưỡng", anh Tùng cho hay.

Hàng thập kỷ sưu tầm đá độc, lạ, không bán chỉ để mọi người ngắm - 5

Cận cảnh một mẫu đá với khuôn mặt ấn tượng (Ảnh Thu Hiền).

Dù đang sở hữu hàng nghìn sản phẩm đá nhưng anh Tùng chưa bao giờ thỏa mãn với những gì mình có. Để gia tài đá cảnh ngày phong phú, anh còn chế tác ra những mẫu đá ngộ nghĩnh, theo dáng tự nhiên.

Nói về những dự định sắp tới, anh Tùng cho biết, sẽ xây dựng một phòng trưng bày kèm với một phòng trà nhỏ để tiện cho mọi người đến thưởng thức trà và ngắm đá cảnh. 

Hàng thập kỷ sưu tầm đá độc, lạ, không bán chỉ để mọi người ngắm - 6

Các viên đã được anh Tùng đi dọc con sông, suối nhặt về (Ảnh: Thu Hiền).

Nghệ thuật đá cảnh tự nhiên Suiseki

Thú vui sưu tầm đá của anh Nguyễn Tùng thuộc bộ môn Suiseki, bắt nguồn từ đất nước Nhật Bản. 

Đây là bộ môn nghệ thuật có nguồn gốc từ Nhật Bản, Suiseki là từ ngữ Nhật Bản với "Sui" nghĩa là "thủy" (nước), "Seki" là "thạch" (đá). Đây là nghệ thuật thưởng ngoạn đá khi đá vẫn giữ được điều kiện , đặc điểm tự nhiên của chúng.

Ở Việt Nam, Suiseki được hiểu là nghệ thuật đá cảnh và thường được trưng bày trên đế gỗ đã chạm khắc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm